Tranh giả tại Hàn Quốc: trọng bệnh và thuốc chữa?

Giả mạo tác phẩm nghệ thuật và các chứng từ liên quan đã là vấn nạn dai dẳng của thị trường nghệ thuật Hàn Quốc. Tác phẩm của các họa sỹ bậc thầy hiện đại như Lee Jung-seob, Park Soo-keun, Chun Kyung-ja và Kim Wan-ki, cũng được ưa chuộng nhất trên trên thị trường, thường xuyên là mục tiêu của bọn tội phạm chế tranh giả...

Giả mạo tác phẩm nghệ thuật và các chứng từ liên quan đã là vấn nạn dai dẳng của thị trường nghệ thuật Hàn Quốc. Tác phẩm của các họa sỹ bậc thầy hiện đại như Lee Jung-seob, Park Soo-keun, Chun Kyung-ja và Kim Wan-ki, cũng được ưa chuộng nhất trên  trên thị trường, thường xuyên là mục tiêu của bọn tội phạm chế tranh giả.

 

Chun Kyung-ja, “Oxaca”, 1979. màu trên giấy


Giới nghệ thuật Hàn Quốc từng chứng kiến cuộc điều tra kéo dài hai năm để xác định tính xác thực của bức tranh “Khu giặt giũ” được-cho-là của Park Soo-keun bán tại một cuộc đấu giá vào năm 2007 với giá dự thầu cao kỷ lục của Hàn Quốc vào thời điểm đó.

Cũng vào năm 2007 - một năm tương đối tốt đối với thị trường nghệ thuật Hàn Quốc -  người ta đã phát hiện ra một số lượng lớn nhất của tác phẩm giả mạo: 249 bức (theo Hội đồng Thẩm định Nghệ thuật Hàn Quốc, Korean Art Appraisal Board, KAAB). Con số này cao gấp đôi so với năm 2006 (có 100 tranh giả bị phát hiện), và cũng cao hơn nhiều số tranh giả được phát giác năm 2008 (130 bức).

Năm 2013, đã diễn ra một phiên toà đình đám xét xử vụ 2.000 bức tranh của Lee Jung-seob và Park Soo-keun bị làm giả, bao gồm cả bức phác thảo nổi tiếng “Cá và em bé” của Lee Jung-seob.

Cũng theo Hội đồng Thẩm định Nghệ thuật Hàn Quốc, tỷ lệ tác phẩm giả mạo trên tổng số tác phẩm nghệ thuật mà họ được giao nhiệm vụ xác thực đã tăng từ 34% năm 2011 lên 40% vào năm 2015. Có 180 tác phẩm giả trong tổng số 525 tác phẩm nghệ thuật họ đã thẩm định trong năm 2011, và 236 tác phẩm giả trong tổng số 588 tác phẩm nghệ thuật được thẩm định năm 2015. Số lượng các tác phẩm giả mạo bị phát hiện thực sự chỉ là một phần nhỏ so với số lượng hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật giả mạo khác đang trôi nổi trên thị trường chưa bị phát giác.

 

Bức tranh “Người đàn bà đẹp” được cho là của Chun Kyung-ja (1924-2015) bị cáo buộc là đồ giả.


Thị trường nghệ thuật không kiểm soát được

Vào ngày 26/6/2016, năm tác phẩm của cố họa sỹ Chun Kyung-ja (1924-2015) đang trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Seoul đã bị tịch thu trong một vụ án liên quan tới tính xác thực của bức tranh “Người đàn bà đẹp” của Chun - bị cáo buộc giả mạo.  Những tác phẩm “Các ký hoạ trên đường” của Chun dự kiến được đưa ra bán đấu giá cũng bị nghi là tranh giả. Kết quả là, nhà đấu giá Seoul Auction đã quyết định không đưa chúng vào phiên đấu giá vào ngày 29/6/2016  như dự kiến. Vụ việc ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và thị trường tranh của nghệ sỹ.

Gần đây hơn, các thương vụ buôn bán tranh giả với số tiền lớn của danh hoạ Lee U-fan được tiến hành tại một gallery không tên tuổi tại khu phố du lịch Insa-dong ở Seoul đã bị phát giác. Chủ gallery này là một trong những đại lý nghệ thuật tư nhân chuyên mua bán tác phẩm chứ không tổ chức triển lãm, thế nhưng gallery này lại không đăng ký tên vào danh sách thành viên của Hiệp hội Gallery Hàn Quốc - một tổ chức gồm 150 gallery thương mại tại Hàn Quốc.

Park Woo-hong, Chủ tịch Hiệp hội Gallery Hàn Quốc, cũng là Chủ tịch Dong San Bang Gallery cho biết: “Những gallery dính líu tới các vụ rắc rối liên quan tới tranh giả đều không phải là thành viên của Hiệp hội Gallery Hàn Quốc. Tôi tin rằng chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống gallery hoạt động minh bạch.”

Tại Hàn Quốc, bất cứ ai muốn mở một gallery nghệ thuật hoặc nhà đấu giá đều có thể bắt đầu kinh doanh ngay sau khi đăng ký với Sở thuế Quốc gia - giống như bất kỳ doanh nghiệp nào khác – chứ không phải đáp ứng bất cứ yêu cầu đặc biệt nào. Chính vì thế, đồ giả mạo càng có điều kiện “trôi nổi” trên thị trường thông qua các đại lý nghệ thuật tư nhân này.

 

Chun Kyung-ja, "Sau buổi biểu diễn", 1989. Màu trên giấy

 

Các kết quả thẩm định nghệ thuật chưa có độ tin cậy cao

Khi có tác phẩm bị nghi là đồ giả, nó sẽ được đánh giá bởi một số tổ chức tư nhân chuyên về thẩm định nghệ thuật và các thẩm định viên, bao gồm cả Hội đồng Thẩm định Nghệ thuật Hàn Quốc – nơi đã xử lý một số lượng lớn nhất các tác phẩm cần kiểm định. Mức độ tin cậy của kết quả thẩm định đôi khi không hoàn toàn thuyết phục.

“Các tổ chức thẩm định nghệ thuật tư nhân hiện nay có quyền tự chủ trong quá trình thẩm định. Chúng tôi không rõ số lượng các tổ chức này hiện nay là bao nhiêu”, Cho Hyun-seong, chuyên viên Vụ Nghệ thuật Thị giác và Thiết kế của Bộ Văn hóa Hàn Quốc cho biết.

Việc hệ thống thẩm định nghệ thuật hiện nay thiếu độ tin cậy dẫn đến nhu cầu ra đời một tổ chức thẩm định nghệ thuật công, hoặc cho phép các thẩm định viên nghệ thuật độc lập hành nghề.

Thậm chí, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại Quốc gia của Hàn Quốc đã thẩm định bức tranh sơn dầu “Người đàn bà đẹp” của cố họa sỹ Chun Kyung-ja và xác nhận nó là bản gốc, nhưng tính xác thực của nó vẫn gây tranh cãi bởi nhiều người, bao gồm cả các thành viên của gia đình họa sỹ, lại cho nó là tranh nhái. Bản thân cố họa sỹ đương thời cũng nhiều lần khẳng định đó không phải là tranh do chính tay mình vẽ.

 

Lỗi của bản thân nghệ sỹ và người buôn tranh?

Theo một số chuyên gia thị trường nghệ thuật Hàn Quốc, một trong những lý do hàng đầu khiến nạn giả mạo tranh hoành hành ở Hàn Quốc là vì ở đây mọi người cố gắng trốn tránh nộp thuế thu nhập - cả nghệ sỹ lần những người buôn bán nghệ thuật. Kết quả là, các tác phẩm nghệ thuật thường được mua bán trong các giao dịch bất hợp pháp, khiến cho nguồn gốc của tác phẩm rất khó theo dõi.

Lý do thứ hai là các nghệ sỹ Hàn Quốc - không giống như ở các nước khác - thường làm việc không thông qua đại diện là một gallery nghệ thuật. Điều này khiến cho tác phẩm của các nghệ sỹ lâm vào tình cảnh “bị trôi nổi” tự do không ai kiểm soát, và như thế, rất dễ bị làm giả.

Lý do thứ ba: ở Hàn Quốc vẫn chưa có tập quán xuất bản các tổng tập danh mục tác phẩm (catalogue resonné) của các nghệ sỹ, nhất là các nghệ sỹ tên tuổi đang sống hoặc đã qua đời. Trên thế giới, tổng tập danh mục tác phẩm luôn là nguồn tư liệu tham khảo quý giá không thể thiếu trong các thương vụ giữa các sưu tập gia với nhà đấu giá hoặc đại lý. Cho đến nay, mới chỉ có hai (02) bộ tổng tập danh mục hoàn chỉnh được xuất bản: một bộ dành cho cố họa sỹ Kim Ki-chang, còn bộ kia của cố họa sỹ Chang Uc-chin. Năm ngoái, tháng 11/2015, Hiệp hội thẩm định nghệ thuật Hàn Quốc (Korean Art Appraisal Association, KAAA) đã khởi động một dự án biên soạn các tổng tập danh mục cho hai bậc thầy hiện đại của nghệ thuật Hàn Quốc là Lee Jung-seob và Park Soo-keun.

 

Trái: bức tranh “Honoluu” được cho là của Chun Kyung-ja dự kiến sẽ bán đấu giá tại Seoul Auction vào tháng 6/2016 nhưng đã bị loại khỏi phiên đấu giá. Phải: bức tranh gốc có tên “Chợ phiên ở Granada, Tây Ban Nha” của Chun Kyung-ja vẽ năm 1993.

 

Pháp luật chưa nghiêm và bản thân các tác giả cũng chưa được tin tưởng

Trở lại cuộc điều tra hàng năm trời liên quan tới vụ giả mạo nghệ thuật lớn nhất tại Hàn Quốc mới bị phát giác liên quan tới họa sỹ Lee U-fan. Một người đàn ông 66 tuổi, họ Hyun, chuyên vẽ tranh giả mạo, trong đó nhiều bức ký tên Lee U-fan, thu lợi bất chính khoảng 1,1 triệu đô, đã bị bắt vào tháng 5/2016; toàn bộ 13 tác phẩm cảnh sát thu giữ tại gallery của hắn được xác nhận là đồ giả. Dù trốn sang Nhật, hắn cũng không thoát, và bị  dẫn độ về Hàn Quốc. Nghi can Hyun thừa nhận trước cơ quan điều tra rằng ngay từ năm 2012 chính y chế tác rất nhiều tranh giả trong tổng số 50 tranh nhái của Lee U-fan. 

Thế nhưng, sau khi được mời tới cơ quan điều tra để kiểm tra một số tác phẩm “có xuất xứ Hyun”, họa sỹ Lee U-fan đã tuyên bố chúng là đồ xịn, dù “thánh nhái” thú nhận y đã làm số “hàng dỏm” này. Thông thường, xác nhận của nghệ sỹ sẽ được tôn trọng, nhưng trong trường hợp này, cảnh sát Hàn Quốc cho biết họ tiếp tục điều tra vụ việc theo chuyên môn và chức trách của mình.

Theo luật sư Kim Hyung-jin, đã có một số trường hợp, kể cả ở nước ngoài, các nghệ sỹ đã phạm sai lầm - thậm chí có chủ ý để trục lợi hay vì những hiềm khích cá nhân với nhân viên điều tra và/hoặc các tổ chức thẩm định - trong việc xác minh tác phẩm “được cho là” của họ; ý kiến ​​của nghệ sỹ có thể là một yếu tố quan trọng nhưng chắc chắn không có giá trị quyết định tính xác thực. Nhiều chuyên gia luật cũng đồng ý rằng biện pháp khách quan nhất để xác thực một tác phẩm là phải xác minh rõ các chứng cứ lịch sử và nguồn gốc của nó chứ không chỉ dựa vào ý kiến ​​của nghệ sỹ hay sự đánh giá đơn thuần bằng mắt của các chuyên gia.

Vụ giả mạo lớn liên quan tới Lee U-fan nói trên đã khiến các chuyên gia nghệ thuật và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc phải khẩn trương tổ chức một cuộc hội thảo vào ngày 09/6/2016 tại Seoul để bàn về các biện pháp khắc phục vấn nạn tranh giả ở Hàn Quốc. Thẩm định viên nghệ thuật Choi Myeong-yoon tại cuộc hội thảo này đã nhấn mạnh rằng “các vụ bê bối nghệ thuật giả mạo diễn ra triền miên ở Hàn Quốc vì cho tới nay chưa có bản án nghiêm khắc nào dành cho tội phạm giả mạo nghệ thuật cả”.

Hình phạt đối với tội giả mạo nghệ thuật hiện nay ở Hàn Quốc là tương đối nhẹ so với tội phạm khác. Nhưng khi thị trường nghệ thuật Hàn Quốc bùng nổ, và các tác phẩm nghệ thuật được coi là tài sản có giá trị, đã có những lời kêu gọi trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với những kẻ tội phạm chuyên chế tác và tiêu thụ các tác phẩm nghệ thuật giả mạo. Theo nhà phê bình nghệ thuật Chung Joon-mo, “vì các vụ giả mạo nghệ thuật chỉ bị kết án rất nhẹ, những kẻ chuyên làm tranh giả vẫn sẽ tiếp tục con đường phạm pháp một khi chúng được tha hoặc mãn hạn phạt, và thế là sẽ có những vụ làm tranh giả nữa tiếp tục xuất hiện”.

Trước đây, Hyun đã bị kết án hai lần về tội sao chép các tác phẩm nghệ thuật của các bậc thầy Hàn Quốc. Năm 1991, hắn cũng từng là bị cáo trong vụ giả mạo chữ ký của họa sỹ Chun Kyung-ja trên một bức tranh nhái, và năm 1995, lại dính vào một vụ án làm giả các bức tranh cổ. Thế nhưng cả hai lần, hắn chỉ bị kết án tù treo về tội làm giả đồ nghệ thuật.

“Các biện pháp tăng cường giám sát các hoạt động chế tác và tiêu thụ đồ nghệ thuật giả mạo trên thị trường là cần thiết”, Shin Eun-hyang, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật thị giác và Thiết kế thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cho biết.

Nhưng, có một số chuyên gia nghệ thuật lại có ý kiến tiêu cực khi tỏ ý lo ngại rằng các biện pháp điều tiết thị trường sẽ “cản trở sự tăng trưởng của thị trường nghệ thuật Hàn Quốc”. “Tôi không thấy bất kỳ lý do nào để chính phủ phải vội vàng đưa ra các giải pháp thắt chặt sự kiểm soát. Thị trường nghệ thuật Hàn Quốc vẫn còn trong giai đoạn trứng nước; nó chỉ mới hoạt động được 20 năm. Các quy định cần được thực hiện từng bước một,” Seo Jin-su, một giáo sư kinh tế tại Đại học Kangnam, chuyên gia về thị trường nghệ thuật ở Hàn Quốc và châu Á bày tỏ quan điểm.

Dù sao, hiện nay, công việc thu thập ý kiến ​​từ các chuyên gia nghệ thuật vẫn đang được các cơ quan hữu quan Hàn Quốc tiến hành khẩn trương để nhanh chóng đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn nạn giả mạo nghệ thuật đang có nguy cơ không thể kiểm soát được ở quốc gia này.

 

 

Andrea Tran (số 9, tháng 9/2016)

Nguồn: The Korea Herald, The Korea Times, Korea JoongAng Daily).