Nguyễn Đức Chính: Một đời tâm huyết với ngành nhiếp ảnh
Nguyễn Đức Chính sinh ngày 2/5/1931 tại thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 14 tuổi ông đã là giao liên cho đồng chí Trường Chinh, Xuân Thủy khi công tác qua đây. Trong những ngày sục sôi tháng Tám 1945, ông cùng nhân dân khu phố kéo đi vây đồn lính khố xanh của Pháp và cướp chính quyền. Khi đang học năm đầu THPT, ông tham gia đội tuyên truyền xung phong của tỉnh đi đến các làng xã để ca hát, đóng kịch tuyên truyền. Tháng 7 năm 1947, ông được đưa về làm việc tại tờ báo “Tin Phúc Yên”. Khi ấy ông 16 tuổi. Đến năm 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Cuối năm 1951, ông được tỉnh cho đi học khóa Sư phạm đầu tiên ở Khu học xá Trung ương (Quảng Tây – Trung Quốc). Sau hai năm tốt nghiệp, ông được giữ lại giảng dạy tại trường Thiếu nhi Việt Nam ở Quế Lâm – Trung Quốc. Cuối năm 1957, các trường phổ thông ở nước ngoài giải tán, ông về lại Hà Nội và công tác ở Sở Nhiếp ảnh Trung ương. Hai năm sau, Nhà nước quyết định điều chuyển Sở Nhiếp ảnh Trung ương (thuộc Bộ Văn hóa) sang thuộc quyền Việt Nam Thông tấn xã. Cơ quan đổi tên là Phân xã Nhiếp ảnh và cho đến nay đó là cơ quan nhiếp ảnh lớn nhất, phản ánh mọi mặt sinh hoạt của đất nước đến những hoạt động của lãnh đạo cao cấp để thông tin bằng ảnh và lưu trữ dữ liệu của cả nước. Tại đây, ông làm công tác biên tập viên nhiếp ảnh, nghiên cứu, lên kế hoạch công tác cho phóng viên, xử lý ảnh, lập chương trình đào tạo phóng viên ảnh quy mô đầu tiên ở nước ta. Chín năm sau, ông được phân công vào miền Nam với cương vị Quyền Hiệu trưởng Trường Thông tấn – Báo chí Miền Nam. Nơi đây ông có điều kiện gắn mình vào cuộc chiến đấu ác liệt để giảng dạy và sáng tác.
Những kỉ niệm chiến trường
Ngoài những lúc giảng dạy, ông còn phải theo sát bộ đội để chụp ảnh về chiến tranh Cách mạng. Khi ấy, người phóng viên ảnh chiến trường phải sống như chiến sĩ, phải học và biết những kỹ thuật, chiến thuật, chiến lược, phải gắn bó, thương yêu bộ đội thật lòng mới có thể nhìn ra những phẩm chất cao đẹp ở mỗi người, mới có thể tìm ra được cái “hồn” nhân vật. Nguyễn Đức Chính chia sẻ: “Trên đường hành quân, trong đoàn đã có anh em quỵ ngã vì ốm đau, sốt rét, anh đã chia sẻ từng phần gạo, từng giọt nước, từng phần thuốc quý hiếm cho những người yếu đau. Không có một thước đo nào về phẩm chất con người chuẩn xác hơn thước đo của con đường Trường Sơn. Ở đây mọi cái tốt cái xấu trong mỗi con người đều bộc lộ hết”.
Trong suốt cuộc đời mình ông không bao giờ quên được đêm vượt kinh Vĩnh Tế để về Miền Tây Nam Bộ tháng 3/1975. Lòng kinh sâu, hai bên bờ rải thép gai và mìn dày đặc. Phải đến đêm thứ tư, giao liên mới có thể mở đường cho bộ đội vượt kinh. Ông kể: “Chúng tôi cởi hết áo quần, hành trang bọc ni-long buộc kín. Nước đêm lạnh nhưng đoạn lên bờ kinh khủng hơn nhiều. Đất ruộng dưới chân do máy cày lật lên phơi ải, từng tảng lớn nằm ngổn ngang chồng chất mà là đất phèn được nắng tháng ba hun nóng cứng như đá sắc cạnh chẳng khác lưỡi dao cứa vào ống quyển và hai bàn chân trần, vài bước đường lại có hố trâu đằm, bùn nước nhão nhoẹt trơn trượt. Người ngã xuống ngã lên, khó gượng dậy vì hai tay ôm bọc đồ.
Lại thêm đạn đại liên xả hàng tràng. Pháo sáng càng làm khổ chúng tôi: lúc rực sáng thì lo địch phát hiện mình, lúc tắt, trời càng tối thêm, bước thấp bước cao hoảng loạn. Bi kịch cực điểm là mặt đất níu bước chân nặng nề, nhức buốt, trên trời địch đe dọa hối thúc nhanh. Ai nấy chỉ muốn lăn đùng ra mà thiếp đi. Thân thể không mảnh vải, trời đêm rét căm căm, vậy mà mặt mũi mồ hôi lạnh, từng dòng nước chảy vào miệng vừa nóng vừa mặn, nuốt vội để cho kịp thở. Đêm ấy dài như cả cuộc đời!”
Những thành công được ghi nhận
Hơn 50 năm cầm bút và cầm máy, ông đã được trao nhiều giải thưởng danh giá: Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965), giải Danh dự Matxcơva (1966), Huy chương Vàng và Giải lớn Liên đoàn Ảnh báo chí quốc tế OIJ (1968,1970), Giải A Hội NSNA Việt Nam – Hội Nhà báo Việt Nam (1975), huy chương bạc OIJ (1976) và đã dự treo ảnh tại nhiều nước Tây Âu. Gần đây nhất là Giải thưởng Tác phẩm xuất sắc về sách lý luận Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam (2001-2002). Đến nay, ông đã có 6 cuộc triển lãm ảnh. Triển lãm lần thứ nhất vào năm 1980 ở Thông tấn xã Việt Nam (số 5, Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với 40 tác phẩm chủ đề là Triển lãm ảnh Nguyễn Đức Chính. Lần thứ hai vào năm 1983 ở Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, số 51 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm – Hà Nội với 50 tác phẩm vẫn chủ đề là “Ảnh Nguyễn Đức Chính”. Lần thứ ba vào năm 1984 tại CLB Nhà báo Tp. Hồ Chí Minh với 50 bức ảnh, chủ đề: “Ảnh thời chiến”. Lần thứ tư, năm 2005, ông triển lãm tại Nhà triển lãm TP. Hồ Chí Minh (92 Lê Thánh Tôn, Q.1) trưng bày 75 tác phẩm tương ứng với 75 năm tuổi đời của ông với chủ đề “Nơi chiến tranh đi qua”. Và lần thứ 5, thứ 6, người ta đem triển lãm ảnh của ông về Tây Ninh và Cần Thơ để trưng bày.
Là người làm công tác tổ chức và giảng dạy, từ những năm 1960, Nguyễn Đức Chính phân vân rất nhiều về những bài giảng chuyên môn. Ông băn khoăn chưa có dấu vết gì về hướng lịch sử ngành nghề như nhiếp ảnh Việt Nam ra đời từ khi nào? ai là ông tổ nghiệp? từng thời kỳ ra sao?... Ông xem đấy là món nợ lịch sử mình phải trả cho ngành nhiếp ảnh. Từ đó ông ấp ủ việc đi tìm lời đáp. Và sau hơn 40 năm, với việc cho ra đời sách “Văn hóa Nhiếp ảnh”, lần đầu tiên ông đã khai phá một cách có hệ thống lý luận và phê bình nghệ thuật nhiếp ảnh. Đó là nội dung mà lâu nay giới nhiếp ảnh than vãn là thiếu, yếu và phải “dạy chay” trong các trường lớp nhiếp ảnh bậc đại học. Sách còn giới thiệu khái quát 169 năm lịch sử nhiếp ảnh thế giới, giúp các nhà nhiếp ảnh Việt Nam biết mình đang đứng ở đâu so với mặt bằng các nền nhiếp ảnh lớn và cần phải làm gì. Đồng thời, ông lập phả ba dòng ảnh trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam 147 năm từ khởi đầu (1861) đến ngày nay: dòng ảnh tài liệu xã hội – báo chí, dòng ảnh chân dung – thương mại và dòng ảnh mỹ thuật sáng tác. Ông điểm mặt 546 nhà nhiếp ảnh và lần đầu tiên đặt lên bàn khoa học nghiên cứu thực thể nền nhiếp ảnh Hà Nội (1950-1954) và Sài Gòn trước năm 1975. Sách “Văn hóa nhiếp ảnh” ra đời cũng chính là khi ông trả được “món nợ nghề” canh cánh 40 năm.
Nhận xét về Nguyễn Đức Chính, nhà nghiên cứu lý luận - phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Huy Hoàng đã viết:“Làm xong nhiệm vụ vẻ vang của người Nghệ sĩ nhiếp ảnh thì tuổi đã cao, tưởng ông có thể đã gác máy. Nhưng không, ông vẫn đi. Ông trở lại những nơi từng sống và chiến đấu, ghi hình cuộc sống đổi thay trong xây dựng hòa bình. Không phải chụp ảnh thời sự cho báo mà để… sáng tác ảnh. Và lần này tâm hồn nghệ sĩ của ông bay bổng tuyệt vời!”
Ở Nguyễn Đức Chính, phẩm chất chiến sĩ và phẩm chất nghệ sĩ quyện làm một, đưa ông đi khắp nẻo đường đất nước, thôi thúc ông chụp những bức ảnh rung động lòng người.