Thiên đường trong lòng đất
Cách đây hơn 20 năm, người ta chỉ nhớ Quảng Bình là một vùng đất “chang chang cồn cát” (thơ Tố Hữu), chứ các địa điểm du lịch không có mấy, cũng chưa đủ sức hấp dẫn để tìm đến.
Những năm 90 của thế kỷ XX, khi tôi đến Quảng Bình, được một nhà điêu khắc địa phương chở bằng xe máy lang thang gần khắp các “điểm đẹp” của Quảng Bình. Những chuyến “phượt” xuyên rừng, vượt núi đó, trong tôi chỉ đọng lại có bấy nhiêu: bãi biển Đá Nhẩy, động Nước Phong Nha, động Khô Tiên Sơn, bãi biển Nhật Lệ khi đó còn hoang sơ lắm (tôi tha hồ tung tăng chạy khắp triền cát để đuổi bắt cỏ mặt trời), khu Suối nước nóng Bang thì mới bắt đầu “khai phá” nên cũng chưa được thử nghiệm…
Năm 2003, Quảng Bình như nàng công chúa ngủ trong rừng được đánh thức, khi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc địa phận huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vì giá trị toàn cầu về địa chất của di sản.
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chứa đựng trong nó hàng trăm hang động lớn nhỏ, trong đó có nhiều hang động chưa được khám phá - nơi đây xứng đáng được mệnh danh là “Vương quốc hang động”.
Một số hang động được khai phá và đưa vào khai thác du lịch, có thể kể đến như: động Sơn Đoòng, động Thiên Đường, hang Tiên, hang Tú Làn, hang Én... chứa đựng vẻ đẹp tuyệt mỹ của tạo hóa, cuốn hút lòng người, khiến bao khách lãng du, những người ưa thích khám phá, mạo hiểm trong và ngoài nước tìm đến.
Động Sơn Đòong mang đến cho chúng ta niềm tự hào bởi sự kỳ vỹ với lòng hang cao, rộng. Thì động Thiên Đường lại có sức cuốn hút bởi hệ thống thạch nhũ phong phú và tuyệt đẹp, đến mức, đoàn thám hiểm đã phải thốt lên khi lần đầu chứng kiến cảnh quan bên trong lòng hang. Và họ lấy luôn từ “paradise” (Thiên đường) đặt cho hang động này. Động Thiên đường tính đến lúc này là động khô dài nhất Châu Á, với hơn 31,4km chiều dài (hiện vẫn còn khám phá)…
Để rồi, bây giờ, khi nhắc đến Quảng Bình, người ta đã quên đi cái nắng nóng, khắc nghiệt của xứ “chang chang cồn cát” mà nhắc nhớ về một hệ thống hang động tuyệt đẹp, là một điểm son mời gọi du khách tìm đến.
Trong số những hang động được khai thác du lịch, thì động Thiên Đường được du khách đến nhiều nhất vì nhiều lý do: lòng hang với những nhũ đá đẹp như... thiên đường, vị trí thuận tiện, dễ khám phá, không quá đòi hỏi sức khỏe để đến được
Và, cái tên “Thiên Đường” đã trở thành sự cuốn hút, là thỏi nam châm hấp dẫn người ta tìm đến, để nhìn ngắm và chiêm nghiệm xem tại sao nơi đây được đặt cho cái tên mỹ miều đến thế?!
Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Hoàng Trung Thủy, từ thành phố Hồ Chí Minh, đã bị cuốn hút và nặng lòng với động Thiên Đường. Anh đã dành hơn 2 năm trời theo đuổi dự án ảnh và ra mắt công chúng sách ảnh mang tên “Động Thiên Đường”. Đọc Lời nói đầu sách, chúng ta phần nào thấy được quá trình gian khổ để nhà nhiếp ảnh thực hiện bộ ảnh. Nếu không có một tình yêu dành cho nơi đây, Hoàng Trung Thủy đã không rút hết tâm gan của mình đến thế: “Động Thiên Đường - Một hang động kỳ vĩ, độc đáo, với hệ thống thạch nhũ rất đa dạng, phong phú. Chúng có sức hút mãnh liệt đối với các nhà thám hiểm, địa chất, địa lý, du lịch... Bước đầu, các nhà khoa học đã công bố chiều dài động Thiên Đường lên đến 31,4km, trở thành động khô dài nhất châu Á, với niên đại hình thành từ 350 đến 400 triệu năm trước. Động vẫn còn nguyên sơ, những hoạt động kiến tạo vẫn diễn ra từng ngày, có ý nghĩa rất lớn đối với công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn, giáo dục, du lịch...
Nhận thức sâu sắc về điều đó, chúng tôi đã có mặt vào những thời điểm đặc biệt của động Thiên Đường, từ mùa khô đến mùa ngập nước, để ghi lại những hình ảnh sinh động nhất nhằm miêu tả một bức tranh toàn cảnh hấp dẫn về hang động này. Tôi cùng nhóm thực hiện đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn như: sự phức tạp của địa hình, trang thiết bị hỗ trợ, điều kiện đi lại, lưu trú và tác nghiệp... Dự án ảnh động Thiên Đường là bước khởi đầu quan trọng trong kế hoạch thực hiện chuỗi dự án về hệ thống hang động Việt Nam. Chúng tôi xem như đây là một việc làm thiết thực, một trách nhiệm cao quý của nhà nhiếp ảnh trước cộng đồng quốc tế, cách riêng với nhân dân và đất nước Việt Nam.”
Xin mời bạn đọc cùng khám phá “Động Thiên Đường” qua những tác phẩm ảnh của Hoàng Trung Thủy, để cùng cảm nhận vẻ đẹp thiên đường tuyệt mỹ mà thiên nhiên đã ban tặng cho “hạ giới” Quảng Bình, Việt Nam!
B.H (số 7, tháng 7/2019)