Arthur Schopenhauer: Luận về thiên tài

Arthur Schopenhauer (1788 - 1860) là một trong những triết gia vĩ đại nhất thế kỷ XIX. Ông có ảnh hường lớn tới văn học và công chúng nhờ văn phong giản dị, dễ hiểu, hiếm thấy ở một triết gia Đức nói riêng

Arthur Schopenhauer (1788 - 1860) là một trong những triết gia vĩ đại nhất thế kỷ XIX. Ông có ảnh hường lớn tới văn học và công chúng nhờ văn phong giản dị, dễ hiểu, hiếm thấy ở một triết gia Đức nói riêng, và ở triết gia nói chung. Ông còn là triết gia phương Tây đầu tiên nghiên cứu và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cả kinh Vệ Đà và kinh Phật. Schopenhauer đã có ảnh hưởng lớn tới những trí tuệ sáng giá nhất của nhân loại như triết gia Friedrich Nietzsche, nhà soạn nhạc Richard Wagner, triết gia Ludwig Wittgenstein, nhà vật lý Erwin Schrödinger, nhà vật lý Albert Einstein, nhà phân tâm học Sigmund Freud, nhà phân tâm học Otto Rank, bác sĩ tâm thần Carl Jung, nhà thần thoại học Joseph Campbell, văn hào Lev Tolstoy, văn hào Thomas Mann, và nhiều người khác.Richard Wagner, sau khi đọc đi đọc lại tác phẩm “Thế giới như Ý chí và Hình dung” của Schopenhauer bốn lần, đã viết trong hồi ký tự thuật rằng cuốn sách này đã ảnh hưởng căn bản toàn bộ cuộc đời ông. Trong một bức thư viết năm 43 tuổi (1856), Wagner thừa nhận triết học của Schopenhauer đã giúp ông hiểu được các sáng tác âm nhạc của chính mình.Friedrich Nietzche thừa nhận Schopenhauer đã khiến ông tỉnh ngộ trong triết học và là một trong số ít triết gia mà ông kính trọng.Lev Tolstoy, sau khi đọc “Thế giới như Ý chí và Hình dung” của Schopenhauer, đã coi luân lý khổ hạnh như con đường đúng đắn cho các giai cấp thượng lưu.Dưới đây tôi hân hạnh giới thiệu bản tôi dịch từ tiếng Anh một trong những tuyệt tác của Arthur Schopenhauer nhan đề “Luận về thiên tài”. Với lối viết dùng nhiều minh hoạ ẩn dụ giàu hình ảnh, các trang viết này có một sức cuốn hút đặc biệt mà tôi nghĩ trước hết sẽ hấp dẫn các nghệ sỹ.  (Lời người dịch)


Arthur Schopenhauer (1788 - 1860)


Không có sự khác nhau nào về thứ hạng, địa vị, xuất thân lại lớn như cái vực thẳm ngăn cách hằng hà sa số những người dùng cái đầu mình chỉ để phụng sự cái bụng, hay nói cách khác, coi nó như công cụ của ý chí, với một số rất ít những người hiếm hoi có can đảm để nói: Không! Cái đầu tốt hơn thế nhiều; cái đầu của tôi chỉ hoạt động phụng sự chính nó; nó phải cố hiểu cảnh tượng kỳ diệu và đổi thay của thế giới này, để rồi tái tạo lại dưới một hình thức nào đó, bằng nghệ thuật hay văn chương, phù hợp với tính cách của tôi như một cá nhân. Những người này là những người thực sự cao quý, là giới quý tộc đích thực của thế giới. Những người khác là các nông nô và số phận gắn với đất đai - glebae adscripti[1]. Tất nhiên, ở đây tôi nói tới những người không chỉ can đảm, mà còn đòi hỏi, và vì vậy có quyền, ra lệnh cho cái đầu từ bỏ việc phụng sự ý chí; với một thành quả chứng tỏ rằng sự hy sinh như vậy là xứng đáng.

Trong trường hợp những người chỉ có một phần những điều này, cái vực đó không sâu rộng lắm; nhưng dù tài năng của họ nhỏ, chừng nào đó là tài năng đích thực, bao giờ cũng có một ranh giới rõ ràng giữa họ và hàng triệu người còn lại.*)*) Thước đo đúng để điều chỉnh sự xếp hạng trí thông minh được xác định bởi mức độ trí óc nhìn nhận sự vật theo quan điểm cá thể hay theo quan điểm tiến gần tới phổ quát. Con vật chỉ nhìn thấy cá thể như một cá thể: sự lĩnh hội của nó không vượt ra ngoài giới hạn của một cá thể riêng biệt. Nhưng con người tổng quát hóa sự cá biệt; và ở đây lý trí của con người hoạt động; trí thông minh của con người càng cao thì các ý tưởng tổng quát của anh ta càng tiến gần tới điểm tại đó chúng trở thành phổ quát.Các tác phẩm mỹ thuật, thi ca và triết học do một quốc gia tạo ra là kết quả của trí năng dư thừa tồn tại trong quốc gia đó.Đối với người nào có thể hiểu đúng - cum granos salis[2], quan hệ giữa thiên tài với người thường có lẽ có thể được thể hiện tốt nhất như sau: thiên tài có một trí tuệ kép, một cái dành cho chính anh ta và phụng sự ý chí của anh ta; cái kia dành cho thế giới, mà anh là tấm gương phản chiếu thông qua thái độ thuần túy khách quan của anh đối với thế giới. Tác phẩm nghệ thuật, thi ca hay triết học do thiên tài tạo ra chỉ đơn giản là một kết quả, hay tinh hoa của thái độ mang tính tư duy đó, được trau dồi theo một số quy tắc kỹ thuật.Người bình thường, ngược lại, chỉ có một trí tuệ đơn thuần, có thể được gọi là chủ quan, trái với trí tuệ khách quan của thiên tài. Dù trí tuệ chủ quan đó có sắc sảo đến mấy - và tồn tại trong nhiều mức độ hoàn hảo khác nhau - nó vẫn không bao giờ sánh được ngang tầm với trí tuệ kép của thiên tài; giống những nốt mở giọng ngực của giọng người dù có cao đến mấy vẫn khác các nốt falsetto[3] về bản chất. Những nốt này, giống như hai quãng tám (octave) cao của cây sáo và các hoạ âm (harmonic) của cây violin, được tạo bởi cột không khí chia thành hai nửa cùng dao động, giữa chúng có một nút; trong khi các nốt mở giọng ngực của người và quãng tám dưới của cây sáo được tạo bởi một cột không khí dao động toàn bộ không bị phân chia. Minh hoạ này có thể giúp người đọc hiểu sự dị thường đặc trưng đó của thiên tài, để lại dấu ấn không thể nhầm lẫn được trên các tác phẩm, thậm chí trên cả tướng mạo, của người có thiên phú đó.


Johann Heinrich Wilhem Tischbein, Goethe tại Roman Campagna (1787)


Trong khi đó, rõ ràng một trí tuệ kép như vậy, theo lệ thường, phải cản trở việc phụng sự ý chí; và điều này giải thích vì sao tiên tài thường kém khả năng thích nghi với cuộc sống. Và đặc điểm của thiên tài là anh ta không hề mảy may có được tính khí đúng mực thường thấy ở các trí tuệ thông thường, dù sắc sảo hay mờ nhạt.Bộ não có lẽ giống một vật ký sinh được nuôi dưỡng như một phần của cơ thể con người mà không đóng góp trực tiếp vào cơ cấu nội tại; rõ ràng nó ngự trên tầng cao nhất, nơi nó sống tự túc và độc lập. Cũng vậy, có thể nói một người với những năng khiếu tinh thần lớn lao trời phú, ngoài cuộc sống cá nhân giống tất cả mọi người, còn có một cuộc sống thứ hai thuần túy trí tuệ. Anh ta dành hết mình cho sự tăng trưởng, chỉnh lưu, mở rộng liên tục không chỉ của việc học đơn thuần, mà còn của kiến thức và hiểu biết đích thực có hệ thống; và dửng dưng trước số phận xô đẩy cá nhân anh, chừng nào nó không quấy rầy các hoạt động của anh. Đó chính là một cuộc sống nâng con người lên, đặt anh ta lên trên số phận và những thay đổi của nó. Luôn luôn suy nghĩ, học tập, thử nghiệm, vận dụng kiến thức của mình, con người chẳng mấy chốc nhìn nhận cuộc sống thứ hai này như một cách thức chủ đạo của sự hiện hữu, còn cuộc sống cá nhân đơn thuần của mình như một cái gì hạ đẳng, chỉ để phụng sự những mục đích ở đẳng cấp cao hơn chính nó mà thôi.Một ví dụ về sự hiện hữu độc lập và riêng biệt này là Goethe. Trong cuộc chiến tranh tại Champagne (Campagna), giữa sự ồn ào hỗn loạn của quân chiếm đóng, ông đã tiến hành các quan sát cho lý thuyết hòa sắc của ông; ngay sau khi vô số tai họa của cuộc chiến tranh này cho phép ông rút về lánh tại pháo đài Luxembourg một thời gian ngắn, ông đã viết bản thảo cuốn sách Farbenlehre (Lý thuyết màu sắc). Đó là một ví dụ mà chúng ta, muối của trái đất, phải cố gắng noi theo, bằng cách không để bất cứ điều gì quấy nhiễu chúng ta đeo đuổi cuộc sống trí óc của chúng ta, mặc cho bao giông bão trên thế gian có thể tràn vào và kích động môi trường cá nhân của chúng ta; luôn luôn nhớ rằng chúng ta là những người con, không phải của một người mẹ nô lệ, mà là của một người mẹ tự do. Như biểu tượng và phù hiệu của chúng ta, tôi đề nghị dùng một cái cây bị gió thổi dữ dội, nhưng mỗi cành vẫn trĩu nặng trái chín đỏ; với phương châm Dum convellor mitescunt, hay Conquassata sed ferax.[4]Cuộc sống thuần túy trí tuệ đó của cá nhân có đối tác của nó trong toàn bộ nhân loại. Bởi vì ở đó cũng vậy, cuộc sống thực là cuộc sống của ý chí, xét cả về nghĩa kinh nghiệm lẫn tiên nghiệm của từ này. Cuộc sống thuần túy trí tuệ của nhân loại nằm trong những cố gắng gia tăng kiến thức nhờ các khoa học, và mong muốn hoàn hảo các môn nghệ thuật. Cả khoa học và nghệ thuật chậm rãi đi lên từ thế hệ này sang thế hệ khác, và lớn lên qua các thế kỷ, trong mỗi chủng tộc nòi giống đang vội vã góp phần của mình.


Paul Delvaux, Gương (1936)

 

Ngọc thạch lựu đỏ


Cuộc sống trí tuệ đó, như một món quà từ thượng đế, bay trên sự huyên náo và vận động của thế giới; hoặc, như đã từng như vậy, nó là hương thơm ngọt ngào thoát ra từ men - cuộc đời thực của nhân loại bị ý chí chế ngự. Sát cánh với lịch sử các quốc gia, lịch sử triết học, khoa học và nghệ thuật, cuộc sống trí tuệ đi theo con đường vô tội và không vấy máu.Không nghi ngờ gì, sự khác nhau giữa thiên tài và người thường là một sự khác nhau về lượng, chừng nào đó là một sự khác nhau về mức độ; nhưng tôi cũng muốn coi nó như một sự khác nhau về chất nữa, vì một thực tế là các tư tưởng bình thường, mặc dù có những biến đổi cá nhân, đều có một xu hướng chắc chắn là suy nghĩ giống nhau. Vậy nên, trong những tình huống tương tự, các suy nghĩ của người ta ngay lập tức ngả theo một hướng tương tự, và chạy theo những đường như nhau; và điều này giải thích vì sao các phán xét của họ lúc nào cũng giống nhau, tuy không phải chúng dựa trên chân lý. Điều này kéo dài tới mức một số quan điểm hình thành trong nhân loại mọi thời đại, và luôn luôn được nhắc lại và tái đề xuất, trong khi các tư tưởng vĩ đại của mọi thời đại đều công khai hoặc ngấm ngầm chống lại chúng.Một thiên tài là một người mà trong tư tưởng của anh ta thế giới hiện diện như một vật thể phản chiếu trong gương, nhưng ở mức độ trong sáng và rõ nét hơn được thấy bởi những người thường. Nhân loại có thể tìm từ thiên tài hầu hết mọi giáo huấn; bởi lẽ có thể đạt được sự thấu hiểu sâu sắc nhất trong những vấn đề quan trọng nhất, không phải là nhờ chú ý quan sát từng chi tiết, mà là nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng tổng thể các sự vật. Và nếu tư tưởng của thiên tài đạt tới độ chín muồi, giáo huấn của anh ta sẽ được trình bày khi thì ở dạng này lúc thì ở dạng khác. Như vậy, thiên tài có thể được định nghĩa như một ý thức cực kỳ rõ ràng về sự vật nói chung, và vì thế, về cả cái chống lại chúng, tức chính bản thân anh ta.Thế giới ngưỡng mộ một người có thiên phú như vậy, và kỳ vọng học được gì đó về cuộc đời và thực chất của nó. Nhưng một số tình huống rất thuận lợi phải kết hợp với nhau để sản sinh ra thiên tài, và đó là sự kiện cực hiếm. Nó chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra, cứ cho là mỗi thế kỷ một lần, có một người được sinh ra với trí năng vượt quá thước đo thông thường một cách bất ngờ tới mức không liên quan gì tới ý chí. Anh ta có thể không được công nhận hoặc đánh giá đúng trong một thời gian dài do sự ngu dốt của người này hoặc sự đố kỵ của kẻ khác. Nhưng khi điều đó đã qua, nhân loại sẽ xúm xít quanh anh ta và các tác phẩm của anh, trong niềm hy vọng anh sẽ có thể soi sáng chỗ đen tối trong sự tồn tại của họ hoặc cho họ biết về nó. Thông điệp của anh ta, về mặt nào đó, là ánh sáng soi đường, còn bản thân anh ta là một đấng cao hơn, mặc dù anh ta có chiều cao chỉ vượt tiêu chuẩn chút ít.Cũng như người thường, thiên tài chủ yếu là chính bản thân anh ta. Đây là điều cốt lõi trong bản chất của anh: một sự thực không thể tránh khỏi hoặc thay đổi, đối với những người khác anh ta có thể chỉ là vấn đề may rủi hoặc ở tầm quan trọng thứ yếu. Trong mọi trường hợp, người ta không nhận được gì từ tư tưởng của anh ngoài một sự phản chiếu, và chỉ khi nào anh ta giao du với họ nhằm thử gieo tư tưởng của mình vào đầu họ, là chỗ ở đó tư tưởng này trở thành một thứ không hơn gì một cái cây ngoại lai, ẻo lả và còi cọc.Để có những tư tưởng độc đáo, hiếm có, và thậm chí có lẽ là bất tử, chỉ cần tự cách li toàn bộ chính mình trong vài khoảnh khắc khỏi thế giới sự vật, tới mức các vật thể và sự kiện bình thường nhất hiện ra hoàn toàn mới lạ và khác thường. Bằng cách đó bản chất thực của chúng được bộc lộ. Không thể nói đòi hỏi này là khó khăn; nó hoàn toàn không nằm trong khả năng của chúng ta, mà là địa hạt của thiên tài.Bản thân thiên tài có thể sản sinh ra các tư tưởng độc đáo cũng hệt như người phụ nữ có thể sinh con. Các hoàn cảnh bên ngoài phải giúp thiên tài kết trái, trở thành người cha của những đứa con mình.Tư tưởng của thiên tài giữa các tư tưởng khác cũng tựa như viên ngọc thạch lựu  giữa những viên đá quý: nó phát ánh sáng của riêng nó, trong khi các viên đá khác chỉ phản chiếu ánh sáng chúng nhận được. Quan hệ giữa thiên tài và trí tuệ bình thường cũng có thể được mô tả như quan hệ giữa một vật có khả năng tích điện do ma sát với một vật dẫn điện thông thường.Một người có học thông thường, cả đời dạy những điều mình đã được học, chặt chẽ mà nói, không được gọi là một người có thiên tài; tương tự như vật tích điện do ma sát không phải là vật dẫn điện. Không, thiên tài đối với sự có học đơn thuần cũng tựa như ca từ và âm nhạc trong một bài hát. Một học giả là một người đã từng học rất nhiều; một thiên tài là người từ anh ta chúng ta học được một cái gì đó mà thiên tài không học từ ai cả. Những tư tưởng vĩ đại, trong hàng trăm triệu người may ra mới có được một, chính là những ngọn hải đăng của nhân loại, mà thiếu chúng nhân loại chắc đã đắm chìm trong biển cả mênh mông của những sai lầm và bối rối.Và vì thế một học giả bình thường, theo nghĩa chặt chẽ của từ này - ví dụ như một giáo sư đại học - nhìn thiên tài rất giống như chúng ta nhìn con thỏ rừng, để chén sau khi giết thịt và nấu nướng. Chừng nào nó còn sống nó chỉ có ích cho người ta nhằm bắn.

N.Đ.Đ

 (Còn tiếp)

(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 3/2015)

SEMOGA SUKSES OKE TA