Danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ - Người khai lập ngành Nhiếp ảnh Việt Nam
Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2018), nhằm tôn vinh Danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ là ông Tổ nghề ảnh Việt Nam, ngày 11/3/2018, tại thành phố Huế, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (NSNAVN) phối hợp cùng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội đồng họ Đặng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đặng Huy Trứ - người khai lập ngành Nhiếp ảnh Việt Nam”.
Tượng Danh nhân Văn hóa Đặng Huy Trứ được đặt tại khuôn viên nhà thờ họ Đặng. Ảnh: Nhật Nam
Hội thảo có sự tham gia của Ban Tuyên giáo Trung ương và đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, di sản, các nhà quản lý nhà nước, quản lý văn học nghệ thuật, các nhà lý luận phê bình, Hội đồng họ Đặng Việt Nam và các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh.
Lần đầu tiên kể từ khi danh nhân Đặng Huy Trứ khai trương hiệu ảnh “Cảm Hiếu Đường” trên phố Thanh Hà, Hà Nội vào ngày 14/3/1869, chính thức đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam đã trở thành mốc son quan trọng, ghi nhận tiến trình phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam. Tiếp đó, với những đóng góp tích cực của nhiếp ảnh trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 147/SL ngày 15/3/1953 thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Chính sự ngẫu nhiên gần trùng lặp về thời gian này, Ban tổ chức mong muốn thông qua Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cung cấp thêm những tư liệu lịch sử, đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đặng Huy Trứ để làm rõ hơn những đóng góp tích cực, có ý nghĩa của ông ở nhiều lĩnh vực, đồng thời khẳng định, Đặng Huy Trứ là người khai sinh ra nghề ảnh ở Việt Nam, xứng đáng được tôn vinh là ông Tổ nghề ảnh của Việt Nam.
Đặng Huy Trứ tự Hoàng Trung, sinh ngày 19 tháng 3 năm 1825 trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học tại làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là một nhà yêu nước canh tân, nhà chính trị và nhà thơ lớn của dân tộc ta thế kỷ 19. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được sử sách lưu truyền và sống mãi trong trái tim của các thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Vốn bản tính thông minh, lại được sự giáo dục chu đáo từ gia đình, nhất là trong việc học tập, năm 15 tuổi Đặng Huy Trứ đã biết làm thơ. Năm 1843, Đặng Huy Trứ theo cha đến trường Phú Xuân để thi và trúng tuyển Cử nhân ngay trong kỳ thi này. Khoa thi Hội mùa xuân năm 1847, Đặng Huy Trứ đi thi đã được trúng cách đỗ tiến sĩ, được xếp thứ 7. Vào thi Đình, bài văn Đặng Huy Trứ bị phạm húy liền bị truất cả Tiến sĩ lẫn Cử nhân khóa trước đây. Ngay trong mùa thu năm ấy, triều đình mở ân khoa thi Hương nhân dịp mừng thọ vua Thiệu Trị 40 tuổi, Đặng Huy Trứ đi thi lại và đã đỗ đầu kỳ thi Hương gọi là Giải nguyên.
Trong lúc chờ triều đình bổ nhiệm ra làm quan, Đặng Huy Trứ làm nghề dạy học trong gần 10 năm. Ông mở trường nhiều nơi ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.
Tháng 8 năm 1856, tàu chiến của Pháp đến bắn phá đồn lũy của ta tại Sơn Trà, Đà Nẵng. Tháng 10 năm ấy, Đặng Huy Trứ được cử đi kiểm tra tàu thuyền và bắt đầu tham gia quan trường từ đây.
Từ năm 1857-1864, Đặng Huy Trứ được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ như: Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), Tri phủ Xuân Trường, Hàn lâm viện trước tác, Ngự sử lĩnh chưởng ấn khoa binh, Bố chính Quảng Nam. Năm 1865, Đặng Huy Trứ theo lệnh triều đình, cải trang thành người nhà Thanh sang Quảng Đông thăm dò tình hình Tây dương, tìm phương sách cứu nước. Trong thời gian ở nước ngoài, ông gặp gỡ và trao đổi ý kiến với nhiều nhà tri thức canh tân ở Trung Quốc. Ông tiếp xúc với việc chế tạo máy móc, đóng thuyền, đúc súng đạn, sưu tầm sách báo các nước, dịch ra và giới thiệu với giới trí thức trong nước. Trở về nước năm 1866, Đặng Huy Trứ được cử làm Biện lý bộ Hộ. Năm 1867, ông lại được cử sang Quảng Đông lần thứ 2. Trong thời gian ở Quảng Đông, ông bị bệnh nặng. Nằm trên giường bệnh ông vẫn đọc, viết sách, làm thơ. Trong thời gian này, ông đã suy nghĩ về vận mạng của Tổ quốc, về con đường “tự cường tự trị” theo các nước tiên tiến. Ông đã viết một bài văn nhan đề “Trong khi ốm được Dã trì chủ nhân chỉ giáo”, trình bày tư tưởng canh tân và cứu nước. Ông cũng tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật nhiếp ảnh, nhờ người tìm mua dụng cụ nghề nhiếp ảnh. Sau khi về nước thì mở hiệu ảnh Cảm Hiếu đường tại phố Thanh Hà, Hà Nội.
Việc Đặng Huy Trứ nhận thức ra phát minh vĩ đại của kỹ thuật nhiếp ảnh thế giới, tìm hiểu và dũng cảm đưa nghề ảnh mới lạ về Việt Nam trong bối cảnh sự hiểu biết khoa học của xã hội phong kiến Việt Nam đương thời còn rất nhiều hạn chế, chịu búa rìu dư luận là tuyên truyền cho “kẻ thù”, làm phương hại đến nghĩa khí chống ngoại xâm đã thể hiện ý chí canh tân, “khai hoá” rất mạnh mẽ của ông. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đối với nghề ảnh Việt Nam, đồng thời khẳng định Đặng Huy Trứ là người có công đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng, làm nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của chuyên ngành nhiếp ảnh sau này.
Đoàn Chủ tọa tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thành
Tuy cuộc đời ông chỉ vỏn vẹn 49 năm, nhưng với tài năng và nhiệt huyết của một nhà nho yêu nước, Đặng Huy Trứ luôn là người tiên phong, thể hiện tư tưởng đặc sắc, xác định ý chí của mình trên nhiều lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị, quân sự… và đã để lại nhiều di sản cho đời mà theo đánh giá của nhà sử học Lê Văn Lan: “so với những nhà nho đương thời thì Đặng Huy Trứ đã có những tư tưởng vượt lên trước những nhà nho cùng thời đại, không phải nổi bật mà là vượt bậc”.
- Về giáo dục: Theo quan niệm phổ biến thời đó, thầy giáo là người có quyền uy tuyệt đối, là người truyền thụ kiến thức, học trò chỉ thụ động tiếp thu. Quan niệm giáo dục của Đặng Huy Trứ khác hẳn so với các nhà nho đương thời và vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, đó là quan niệm “sư đệ tương trưởng”: Thầy và trò cùng học, cùng nhau trưởng thành, tiến bộ. Không chỉ học trò học mà thầy cũng phải học thêm vì bể học thì mênh mông, mà kiến thức con người thì có hạn. Không những thế, Đặng Huy Trứ còn lên án cái học hư danh: học không phải để sau này cốt “áo chùng, đai lớn, bước rộng ngồi cao... Da báo thân dê trong bụng hoàn toàn trống rỗng”. Không hài lòng với những sách giáo khoa từ xưa để lại, cho nên ông đã soạn sách giáo khoa Sách học vấn tân, Sĩ nông công thương tứ gia lạc, Tứ thập bát hiếu thi họa toàn tập, Tứ thư văn tuyển. Ngoài ra ông còn có những bài thơ, bài phú có tính cách giáo dục như: Răn không uống rượu, Răn không cờ bạc, Răn không hút thuốc phiện...
- Về kinh tế: Đây là những dấu ấn quan trọng, đặc sắc trong tư tưởng, cũng như hoạt động của kinh tế ông.
Năm 1866, Đặng Huy Trứ đang giữ chức Biện Lý bộ Hộ, ông đã tâu lên nhà vua xin lập Ty Bình Chuẩn để kinh doanh, gây dựng kinh tế cho triều đình đang kiệt quệ, được nhà vua chấp thuận và giao cho ông giữ chức Bình Chuẩn sứ đảm nhận ty này. Vượt lên quan niệm cổ hũ của nhà nho thời đó, coi rẻ nghề đi buôn, với quan điểm kinh tế ”Sinh tài đại đạo sự phi khinh” (Làm giàu là một đạo lớn chớ xem khinh), Đặng Huy Trứ thành lập nhiều hiệu buôn ở Hà Nội như: Lạc sinh điếm, Lạc thanh điếm, Lạc đức điếm, để tạo sự lưu thông hàng hóa cho 3 miền. Với số vốn ít ỏi của triều đình cấp (năm chục ngàn quan), ông đã động viên thêm vốn của tư nhân để kinh doanh theo công thức “Công tư lưỡng lợi” (Công tư lưỡng lợi nước thêm bền). Tư tưởng kinh tế của ông vào thời bấy giờ, nhưng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và được các nhà nghiên cứu đánh giá cao.
- Về Quân sự: Năm 1856, tàu chiến của Pháp đến đỗ ở bến Sơn Trà. Sau đó, bắn phá đồn lũy và bắt giữ quan binh của ta, rồi bỏ đi. Dù chiến tranh chưa nổ ra, nhưng hành động khiêu khích đã báo trước hiểm họa xâm lăng.
Sau này, khi tình thế đã khẩn trương hơn, đó là lúc thực dân Pháp đã lộ rõ bộ mặt giả dối, chiếm Gia Định, Đặng Huy Trứ đã đứng về phe chủ chiến quyết tâm chống giặc ngoại xâm. Năm 1869 ông thành lập nhà in Trí Trung đường ở phố Thanh Hà, Hà Nội và cho in 2 cuốn binh thư là: Kỷ sự tân biên của Lương Huy Bích viết dưới thời Tây Sơn và 01 cuốn binh thư của Trung Quốc tên là Kim Thang tá chử Thập nhị trù. Trong thư biếu sách gửi lên Tổng đốc Thanh Hóa là Tôn Thất Hành, ông viết: “Bốn phương giặc giã đó là cái nhục của khanh đại phu. Muốn rửa nhục này không thể không đọc binh thư… Với kiến thức thu thập được qua nghiên cứu binh thư, Đặng Huy Trứ đã góp phần vào việc giúp Hoàng Kế Viêm và quan quân trong việc đánh dẹp quân Thanh ở biên giới phía Bắc.
Năm 1869, ông nhận chức Thương biện tỉnh vụ Hà Nội, rồi Khâm phái Thương biện quân vụ Sơn - Hưng - Tuyên. Năm 1871, ông được cử giữ chức Bang biện quân vụ Lạng - Bằng - Ninh - Thái (gồm các tỉnh: Lạng Sơn - Cao Bằng - Bắc Ninh - Thái Nguyên) và được phái lên biên giới cùng với nhiều quan lại khác giúp Hoàng Kế Viêm đánh dẹp giặc phỉ ở biên giới phía Bắc. Năm 1873, quân Pháp đánh thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương chỉ huy quan quân chống cự, bị thương sau đó từ trần. Pháp đánh chiếm Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình… Đặng Huy Trứ cùng quan quân rút quân về căn cứ Đồn Vàng cùng với Hoàng Kế Viêm tiếp tục tổ chức lực lượng kháng chiến chống Pháp lâu dài. Tại đây, ông lâm bệnh và mất vào ngày 7/8/1874 tại xã Cao Lăng, Chợ Bến, Đồn Vàng.
- Nhà canh tân: Nhờ sự ủng hộ và đề xuất của Phạm Phú Thứ, một đại thần yêu nước, biết rõ tài năng của Đặng Huy Trứ, ông được cử đi Hồng Kông, Ma Cao, Quảng Đông 2 lần vào những năm 1865 và 1867. Trong thời gian ra nước ngoài, Đặng Huy Trứ ra sức học tập để gặp gỡ tiếp xúc, trao đổi ý kiến với trí thức của xứ người, cũng như thu thập kinh nghiệm trên các báo Trung Quốc. Với hoài bão canh tân đất nước, ông đã đúc kết lại 01 bài văn đề ra con đường “Tự cường, tự chủ” cho đất nước.
Từ những thành tựu to lớn mà các nước đã đạt được khi tiến hành tự cường, tự trị, đã thôi thúc Đặng Huy Trứ vận dụng những bài học kinh nghiệm của các nước vào Việt Nam, đây cũng là nét vượt trội so với các nhà nho đương thời, Đặng Huy Trứ đã trở thành “một trong những người trồng mầm khai hoá đầu tiên ở Việt Nam”, như lời đánh giá của Phan Bội Châu sau này.
Họa sỹ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục MTNATL phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Trang
- Nhà chính trị liêm chính:
Tuy gia nhập quan trường khá muộn, lúc ông đã 31 tuổi, do bị vướng vào vụ án văn chương “Gia miêu chi hại”. Tuy nhiên với tài năng, tâm huyết, cùng tấm lòng yêu nước, thương dân nồng nàn, suốt cuộc đời làm quan của mình, Đặng Huy Trứ có đưa ra những quan niệm khác thường về trách nhiệm của người làm quan. Quan niệm xưa: quan là mẹ của dân “dân chi phụ mẫu” để được sự cung phụng từ người dân. Đặng Huy Trứ trái lại cho rằng làm quan phải là con của dân, là: “Thứ dân chi tử”.
Đặng Huy Trứ đã có nhiều bài thơ, văn nói lên trách nhiệm của kẻ làm quan. Cho nên, khi đã làm quan đứng đầu một tỉnh, ông vẫn sống rất giản dị, thanh bần.
- Nhà văn, nhà thơ Đặng Huy Trứ: Ông đã để lại một khối lượng tác phẩm gồm 12 tập thơ, với hơn 1.200 bài, 04 tập văn, 01 tập hồi ký. Thơ văn ông nói lên ý chí, phản ảnh tình cảm, nhân cách cao đẹp của ông.
Tô Vĩ Đường, một nhà thơ Trung Quốc, khi viết lời tựa cho tập thơ: Đặng Hoàng Trung thi văn của ông đã có nhận xét: Thơ thật là tinh luyện. Lời giản dị, ý nghĩa sâu xa, trong sáng và mới mẻ, phi thường và trác tuyệt, đẹp không gì sánh được.
Các tác phẩm của Đặng Huy Trứ hiện còn được lưu giữ tại thư viện Hán Nôm.
Di tích Lăng mộ và Nhà thờ Đặng Huy Trứ ở quê nhà đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 2307/QĐ/VH ngày 30-12-1991. Hằng năm, giới nhiếp ảnh cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng vẫn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động như phong trào “Một giọt đồng cho tượng đồng Đặng Huy Trứ”, tổ chức dâng hương tưởng niệm, báo công, triển lãm ảnh… tại quê hương để vinh danh ông.
Di sản của Danh nhân Đặng Huy Trứ để lại cho đời đã góp phần khơi dậy niềm tự hào cho mỗi chúng ta, trong đó có truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam.
Hội thảo bước đầu cung cấp, đề xuất các giải pháp nhằm lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và nhiếp ảnh nói riêng của Đặng Huy Trứ bởi không những được giới nhiếp ảnh vinh danh là ông Tổ nghề, Đặng Huy Trứ còn là một danh nhân văn hóa lớn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; đồng thời cũng đặt ra các vấn đề về sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam qua mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước; công tác quản lý nhà nước đối với chuyên ngành nhiếp ảnh; khuynh hướng phát triển nhiếp ảnh thời hiện đại; ứng dụng của nhiếp ảnh trong các lĩnh vực của đời sống; công tác đào tạo, hội nhập quốc tế trong nhiếp ảnh...vv... Từ nhận thức đó, việc định hướng phát triển nhiếp ảnh gắn với hiện thực cuộc sống, song hành phản ánh đời sống một cách chân thực, xác định bản chất cũng như phương pháp bảo tồn, phát huy các di sản về nhiếp ảnh trong tương lai là những điều mà những người có trách nhiệm cần phải đặt ra một cách nghiêm túc.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu với những phần tham luận và đóng góp nhiều ý kiến bổ ích. Ảnh: Hoàng Trang
Đây là hội thảo thứ 2 về Danh nhân Đặng Huy Trứ do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức (lần thứ nhất vào năm 2009 tại Hà Nội), điều đó thể hiện sự tri ân đặc biệt của các thế hệ nhiếp ảnh hiện nay đối với công lao to lớn của ông, người viết trang đầu cho lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam.
Hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng về khoa học và lịch sử. Vì thế, sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm tại Hội thảo, thay mặt đoàn chủ tọa, NSNA Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNAVN, Trưởng Ban tổ chức đã có phát biểu tổng luận, theo đó: Hội NSNAVN kêu gọi các nghệ sĩ, nhà nhiếp ảnh, những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh và các tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng nhiếp ảnh là phương tiện hành nghề cùng chung nhận thức, tôn vinh Danh nhân Đặng Huy Trứ là ông Tổ ngành ảnh Việt Nam.
T.Đ
* Tài liệu tham khảo:
Đặng Huy Trứ - Con người và tác phẩm
(NXB Tp. HCM năm 1990)