Điểm tin mỹ thuật nhiếp ảnh thế giới, từ 11/6 đến 17/6/2017

28/06/2017
Tại BASEL, Đức, từ ngày 10/6 đến 24/9/2017, Bảo` tàng Nghệ thuật Basel tổ chức cuộc triển lãm lớn mang tên “The Hidden Cézanne – From Sketchbook to Canvas” - trưng bày hơn 200 tác phẩm của Paul Cézanne (1839-1906)...

Tại BASEL, Đức, từ ngày 10/6 đến 24/9/2017, Bảo` tàng Nghệ thuật Basel tổ chức cuộc triển lãm lớn mang tên “The Hidden Cézanne – From Sketchbook to Canvas” -  trưng bày hơn 200 tác phẩm của Paul Cézanne (1839-1906). Đây là cuộc triển lãm một số lượng lớn chưa từng các bức tranh ký hoạ và phác thảo trên giấy của ông bên cạnh những bức tranh sơn dầu, vì so với tranh màu nước và tranh sơn dầu, các bản vẽ phác thảo và ký hoạ của Cézanne rất hiếm khi được triển lãm do đặc điểm dễ bị hư hại, nhất là dưới tác dụng của ánh sáng. Ngay từ những năm 1934-1935, Bảo tàng Nghệ thuật Basel tự hào với bộ sưu tập có khá nhiều bức vẽ phác thảo của Paul Cézanne nhờ sự giúp đỡ của các nhà bảo trợ, đáng chú ý nhất là ​​các nhà sưu tập Martha và Robert von Hirsch. Triển lãm này có sự phối hợp của Bảo tàng Nghệ thuật Basel – nơi và nhiều bảo tàng và/hoặc các bộ sưu tập tư nhân nổi bật của châu Âu và Mỹ, trong đó có: Quỹ Beyeler (Riehen / Basel), Bảo tàng Nghệ thuật  Bremen, Viện Nghệ thuật Chicago, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York), Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (New York), Musee d'Orsay (Paris), Bảo tàng Nghệ thuật  Zurich.

(Artnews)

 

 

 

 

Quang cảnh một số gian trưng bày trong triển lãm. ©Bảo tàng Nghệ thuật Basel.

 

 

Tại LOS ANGELES, Mỹ, mới đây, Bảo tàng J. Paul Getty đã tự nguyện gửi trả cho nước Ý một bức tượng thần Zeus bằng đá cẩm thạch cực kỳ quý báu có niên đại khoảng 100 trước công nguyên mà bảo tàng này đã mua được từ năm 1992. Bảo tàng đã bất ngờ quyết định trả lại pho tượng cổ cao 29-inch (74 × 46 × 45.6 cm ) này sau khi xem xét kỹ lưỡng các thông tin về xuất xứ và nguồn gốc của nó do các quan chức Ý cung cấp. Theo Timothy Potts, giám đốc bảo tàng J. Paul Getty, quyết định này thể hiện sự tôn trọng niềm tin tưởng  lẫn nhau và sứ mệnh văn hóa của cả hai quốc gia trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Dario Franceschini, Bộ trưởng Văn hóa Ý và luật sư Nunzio Fragliasso đến từ Napoli đã thay mặt cho Bảo tàng Khảo cố Quốc gia Napoli để nhận lại pho tượng thần Zeus.

 (Art Daily)

 

 

 

Đại diện bảo tàng J. Paul Getty và Đại sứ quán Ý tại Hoa kỳ đang làm thủ tục giao nhận bức tượng cổ tạc thần Zeus bằng đá cẩm thạch (ảnh trên) và chi tiết pho tượng (ảnh dưới). ©TheGetty.

 

 

Tại COPENHAGEN, Đan Mạch, từ ngày 15/6 đến 10/9/2017, tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia (SMK) diễn ra quốc triển lãm mang tên “Pictures and Power. The Visual Politics of Christian II ”. Vua Christian II là một trong những vị vua nổi tiếng nhất của Đan Mạch, cũng là nhà vua Đan Mạch đầu tiên sử dụng nghệ thuật thị giác để đề cao bản thân và tuyên truyền cho đường lối chính trị của mình. Cuộc triển lãm chứng minh vua Christian II đã sử dụng nghệ thuật như một công cụ để hỗ trợ các chiến lược chính trị của ông tài tình ra sao. Là người có tầm nhìn, ông có tham vọng hợp nhất toàn cõi Bắc Âu, và năm 1520 ông đã thực sự trở thành người cai trị của các xứ sở Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển / Phần Lan. Tuy nhiên, ông bị lật đổ vào năm 1523 và bị buộc phải sống lưu vong ở Hà Lan trong khoảng 1523-1531. Trong thời gian sống lưu vong, ông đã thuê những hoạ sĩ giỏi nhất vẽ chân dung mình nhưn những thông điệp hỗ trợ công cuộc đòi lại ngai vàng – mặc dù rốt cuộc ông đã không thành công, và chết trong ngục thất năm 1559.

 (Art Daily)

 

 

 Lucas Cranach the Elder, Christian II (1481-1559), khoảng 1523. Sơn dầu trên gỗ. ©Museum of Southern Jutland – Sønderborg Castle.

 

 

Lucas Cranach the Elder, Christian II (1481-1559), 1523. Sơn dầu trên gỗ. ©Bảo tàng Quốc gia Nürnberg.

 

 

Michiel Sittow, Chân dung vua Christian II của Đan Mạch, 1514/1515. ©SMK. 

 

 

Tại TORONTO, Canada, từ ngày 17/6 đến 19/11/2017, Bảo tàng Hoàng gia Ontario tổ chức cuộc triển lãm nhan đề “Anishinaabeg: Art & Power” – nhằm tôn vinh vẻ đẹp, sức mạnh, và niềm đam mê nghệ thuật bản địa,  khám phá lịch sử và truyền thống nghệ thuật của dân tộc Anishinaabeg trong hàng trăm năm qua. Anishinaabeg là một trong những cộng đồng cư dân bản địa đông dân nhất và đa dạng nhất vùng Bắc Mỹ. Nghệ thuật của họ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự tương tác của họ với các cộng đồng khác trong suốt chiều dài lịch sử. Triển lãm sẽ trưng bày khoảng 140 hiện vật, chủ yếu là các bức tranh và những tác phẩm nghệ thuật hay thủ công kết bằng hạt cườm. Đây là một cơ hội để công chúng hiểu biết sâu sắc hơn và tôn trọng cuộc sống, truyền thống và những câu chuyện thiêng liêng của người Anishnaabeg vùng Ontario, Canada.

 

 

Eleanor Kanasawe, Ếch – Côn trùng, 1976. ©Royal Ontario Museum.

 

 

Một gian trong triển lãm. ©Royal Ontario Museum.

 

 

Tại NEW YORK, Mỹ, từ ngày 14/6 đến 21/7/2017, phòng tranh danh tiếng Laurence Miller Gallery tổ chức cuộc triển lãm cá nhân của Helen Levitt (1913 – 2009) nhan đề “Helen Levitt: Pairs and Apples”. Là nhiếp ảnh gia hàng đầu của Hoa Kỳ chuyên về “nhiếp ảnh đường phố”, Helen luôn có những góc nhìn rất trữ tình, cho dù đó là hai đứa bé nhảy múa trên đường phố hay hai nữ tu sĩ đang ngồi bên bờ sông, các bức ảnh của bà không bao giờ thất bại trong việc thể hiện tình yêu cuộc sống và sự hứng khởi trong tương tác giữa những con người. Các bức ảnh trưng bày trong triển lãm là cuộc khảo sát sự nghiệp hơn sáu thập kỷ của bà, bao gồn cả ảnh màu và ảnh đen trắng, với nhiều bức đã trở thành những tác phẩm kinh điển.  

 (Artnet)

 

 

NYC, khoảng 1940, 4 ½ x 3 ”, gelatin silver print

 

NYC, East River, circa 1945, 3¼ x 3 ¾”, gelatin silver print


  

NYC 1971. 13 ¼ x 9¼". Chromogenic print.


 

 NYC 1972, 10½ x 15½". Dye-transfer print.

 

 

 Tại STOCKHOLM, Thuỵ Điển, từ ngày 27/4 đến 22/6/2017, tại phòng trưng bày McCabe Fine Art, một cuộc triển lãm nhóm nhan đề “Contemporary Classicism ” (Chủ nghĩa cổ điển đương đại) với các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ đương đại nổi tiếng Barry X Ball, Damien Hirst, Robert Mapplethorpe, và Claudio Parmiggiani, tiết lộ cách mà mỗi nghệ sĩ lồng ghép các chủ đề và hình ảnh từ nghệ thuật cổ điển vào một bối cảnh đương đại ra sao. Thông qua những chất liệu/chủ đề khác nhau của các tác phẩm điêu khắc cổ đại, bốn nghệ sĩ đương đại thể hiện quan điểm của mình đối với các cuộc thảo luận về văn hóa và chính trị hiện nay.

(Art Daily)

 

 

Barry X Ball, Envy, 2008 – 2016, Đá cẩm thạch Ý và thép không gỉ, 55.9 x 43.8 x 24.1 cm.

 

 

Claudio Parmiggiani, Senza Titolo, 1975, Đổ khuôn thạch cao và sơn màu, 27 x 23 x 20 cm.

 

 

Damien Hirst, Saint Bartholomew, Exquisite Pain, 2006, Đồng, 250 x 110 x 95 cm.

 

 

Tại POTSDAM, Đức, từ ngày 17/6 đến 3/10/2017, Bảo tàng Barberini giới thiệu dự án hợp tác quốc tế mang tên “From Hopper to Rothko: America's Road to Modern Art” (Từ Hopper để Rothko: Đường đến Nghệ thuật Hiện đại của Hoa Kỳ). Với sự trợ giúp của The Phillips Collection tại Washington, DC, lần đầu tiên công chúng tại nước Đức sẽ được xem tận mắt 68 tác phẩm nghệ thuật hiện đại thời kỳ đầu của Mỹ. Nghệ thuật Hoa Kỳ trong nửa đầu của thế kỷ XX vẫn ít được biết tới tại châu Âu. Ba chủ đề trung tâm của triển lãm này - danh lam thắng cảnh, chân dung và khung cảnh đô thị - trình bày một lát cắt ngang của hội hoạ Hoa Kỳ. Triển lãm bám sát sự khởi đầu của hội họa trừu tượng, rồi tới đỉnh điểm của nghệ thuật biểu hiện trừu tượng sau năm 1945 – khi New York trở thành trung tâm mới của thế giới nghệ thuật.

 (Art Daily)

 

 

 

 

 

Một số gian trong triển lãm "From Hopper to Rothko: America's Road to Modern Art". ©Museum Barberini.

 

 

Tại DUBLIN, từ ngày 17/6 đến 17/9/2017, Bảo tàng Quốc gia Ireland tổ chức cuộc triển lãm quy mô mang tên ‘Vermeer and the Masters of Genre Painting: Inspiration and Rivalry’ - tôn vinh các tác phẩm của Johannes Vermeer và mang tới cho công  chúng cơ hội tìm hiểu thêm các mối quan hệ giữa bậc thầy vĩ đại với những họa sĩ tên tuổi khác của Hà Lan trong “Thời Hoàng kim” (Golden Age). Thể loại tranh mô tả cuộc sống hàng ngày của các hoạ sĩ Hà Lan trong “Thời Hoàng kim” (1650 – 1675) được coi là những đỉnh cao của nghệ thuật Tây Âu. Triển lãm này cho thấy bút pháp điêu luyện của các bậc thày nhờ sự ganh đua nghệ thuật. Họ lấy cảm hứng từ những tác phẩm của nhau, và sau đó mỗi người đã cố gắng để vượt qua mình và đồng nghiệp, vươn tới những tàm cao mới về cả kỹ thuật và tính thẩm mỹ. Triển lãm này tập hợp được nhiều tác phẩm xuất sắc từ những bảo tàng danh tiếng nhất thế giới như The Metropolitan Museum of Art (New York); National Gallery of Art (Washington); Staatliche Museen zu Berlin; Louvre (Paris); Städel Museum (Frankfurt); Rijksmuseum (Amsterdam); The National Gallery (London), và the Royal Picture Gallery Mauritshuis (The Hague).

 (The Artnewspaper)

 

 

Johannes Vermeer (1632-1675), Người đàn bà đang viết thư, khoảng1670-71. Sơn dầu © National Gallery of Ireland.

 

 

Johannes Vermeer (1632-1675), Người phụ nữ cầm cân, khoảng 1664. Sơn dầu. ©National Gallery of Art, Washington.

 

 

Tại MUNSTER, Đức, từ ngày 10/6 đến 1/10/2017, Hiệp hội Nghệ thuật vùng Westphalian tổ chức triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Tom Burr (sinh 1963, sống và làm việc tại New York) mang tên “Surplus of Myself” (Số dư của bản thân), với 5 tác phẩm chọn lọc trong số các sáng tác của ông thời gian gần đây. Trong gần ba thập kỷ qua, các tác phẩm của Tom Burr, bao gồm văn bản, cắt dán, điêu khắc và nhiếp ảnh - đã tập trung vào lối tiếp cận nghệ thuật, vào các địa điểm đặc hiệu và các giao lộ giữa môi trường công cộng và tư nhân. Tại triển lãm lần này ở Westfalischer Kunstverein, ông sẽ trưng bày các tác phẩm điêu khắc mới với ngôn ngữ của chủ nghĩa Tối giản, lược bỏ các chi tiết mang tính ‘tiểu sử và dấu vết’ cá nhân của nghệ sĩ. Nghệ thuật điêu khắc và sắp đặt của Burr chịu ảnh hưởng của nghệ thuật kiến ​​trúc thô cứng, các biểu tượng âm nhạc, văn học, nghệ thuật và cả chính trị.

(Artforum)

 

 

 

 

 

 

Một số tác phẩm của Tom Burr trong triển lãm “Surplus of Myself”. ©Westfälischer Kunstverein.

 

 

Tại AMSTERDAM, Hà Lan, Bảo tàng Van Gogh tuần trước đã chào đón người khách thứ 1 triệu của năm 2017, sớm hơn hơn hai tuần so với năm 2016 – năm bảo tàng thu hút được số lượng kỷ lục gần 2,1 triệu khách tham quan. Kể từ ngày 01 tháng 1 năm 2017, bảo tàng đã có lượng khách truy cập tăng hơn 9% so với năm trước. Axel Ruger, Giám đốc Bảo tàng Van Gogh cho biết: “Thật là con số ấn tượng, và bảo tàng chúng tôi đã tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Du khách đánh giá bảo tàng chúng tôi rất cao với góp ý xếp hạng thường là 'tuyệt vời' hoặc 'rất tốt'. Đối với chúng tôi, làm hài lòng du khách thực sự là việc quan trọng”. Bảo tàng Van Gogh hiện nay là 1 trong 5 bảo tàng nghệ thuật được yêu thích nhất trên thế giới.

 

Axel Rüger (giám đốc bảo tàng Van Gogh) tặng hoa cho vị khách thứ 1 triệu của năm 2017: cụ Konràd Györay 92 tuổi đến từ Hungary. Bên cạnh cụ Konràd Györay là hai du khách kế tiếp, một từ Hungari, một từ Venezuela. ©Van Gogh Museum.

 

 

Một gian triển lãm trong bảo tàng Van Gogh. ©Van Gogh Museum.

 

 

Andrea Tran (Tổng hợp và lược dịch)