Giao thoa văn hoá Pháp-Việt và sự ra đời của hội hoạ sơn mài xứ Đông Dương

Hữu duyên hội họa : Tình cờ đang nghiên cứu về những người lính thợ Đông Dương ở Pháp, Phạm Long một chuyên gia chéo ngành mê hội họa trở thành một nhà phê bình hội họa có hỏi tôi về đám thợ sơn mài thời Pháp thuộc. Phạm Long đã gõ đúng cửa. Tôi không phải là họa sĩ, mà chỉ thuần túy là nhà nghiên cứu văn hóa so sánh Pháp Việt. Văn hóa vốn chủ đề rộng, bao gồm cả mỹ thuật, kiến trúc, hội họa...

Hữu duyên hội họa : Tình cờ đang nghiên cứu về những người lính thợ Đông Dương ở Pháp, Phạm Long một chuyên gia chéo ngành mê hội họa trở thành một nhà phê bình hội họa có hỏi tôi về đám thợ sơn mài thời Pháp thuộc. Phạm Long đã gõ đúng cửa. Tôi không phải là họa sĩ, mà chỉ thuần túy là nhà nghiên cứu văn hóa so sánh Pháp Việt. Văn hóa vốn chủ đề rộng, bao gồm cả mỹ thuật, kiến trúc, hội họa. Tôi cũng mê hội họa, từng lang thang trong xưởng sơn mài của anh em họa sĩ Công Quốc Hà, và vợ chồng họa sĩ Trịnh Tuân mỗi khi về Việt Nam. Nữ họa sĩ Công Kim Hoa đã bày cho tôi hiểu thế nào là sơn mài. Cảm phục sự chịu khó và tài năng của các họa sĩ sơn mài Việt, và theo đề nghị của Phạm Long tôi đã tìm hiểu sâu về mảng nghệ thuật hội họa liên quan đến Việt Nam thời Đông Dương ở Pháp.

Thông thường người ta chỉ biết ảnh hưởng của văn hóa mạnh đến văn hóa yếu như người Pháp dạy chúng ta biết về kỹ thuật vẽ sơn dầu, Pastel… và nghệ thuật hiện đại. Nhưng người Việt chúng ta cũng có cái kỹ nghệ đặc thù riêng đã góp phần thăng hoa nghệ thuật Pháp cũng như giúp phát triển kinh tế Pháp. Chính những anh hai lúa với kinh nghiệm lấn biển và trồng lúa nước đã góp phần làm phồn vinh tỉnh Camargue (miền Nam nước Pháp), biến nơi nước lợ hoang vu thành vựa lúa trù phú nổi tiếng của Pháp ngày nay. Cũng chính những người nông dân đôi khi kiêm thợ thủ công đã có mặt tham gia trong kỹ nghệ thuật sơn mài ở Pháp.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một vài bài để thấy sự ảnh hưởng hai chiều khi hai nền văn hóa Pháp Việt cọ sát trước khi hình thành ban sơn mài tại trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội năm 1930.  

 

CHU DU THỢ SƠN MÀI VIỆT

 

Đi qua các bảo tàng mỹ thuật hay cửa hàng mỹ thuật Việt Nam ngày nay, khách nước ngoài không khỏi trầm trồ dừng chân ngắm những tác phẩm mỹ thuật hoặc mỹ nghệ sơn mài cao cấp. Nhìn những tác phẩm nghệ thuật sơn mài hấp dẫn, du khách tưởng chúng chỉ có một vài lớp sơn cánh gián đơn giản, nhưng thật ra, độ sâu ẩn hiện của các lớp mảng màu dưới đó đòi hòi một tài năng của người họa sĩ, và kỹ thuật cao làm sơn mài từ khâu vóc đến phủ sơn, cẩn vỏ trứng.

Cuối thế kỷ 19, khi Pháp đã bình trị hoàn toàn Đông Dương trong đó có Việt Nam (An Nam tên cũ), Pháp bắt đầu khuyến khích khai thác tài nguyên thuộc địa và người Pháp sang đầu tư trên mọi lĩnh vực ở đây. Tài nguyên không chỉ thuần túy khai thác than, gỗ, đá, thuốc lá, bông, cà phê - những nông sản đem lợi nhuận cao nhất mà cả kỹ nghệ sơn mài Việt. Họ đã tìm hiểu cây sơn đặc biệt ở Đông Dương để chuyên dùng làm sơn mài.

Từ có mặt ở triển lãm...

Năm 1902, chính quyền bảo hộ thời Albert Sarrault muốn chứng minh sức mạnh và tiềm năng của thuộc địa Đông Dương và phô trương vinh quang thuộc địa, và công sức của ngài toàn quyền trong bốn năm, ông đã tổ chức triển lãm thuộc địa tại Hà Nội. Trong triển lãm, đã trưng bày 7 loại cây chưa khai thác trong đó có cây sơn ta cùng với  hồi,  xả…được coi là một trong những tiềm năng phát triển kinh tế thuộc địa

 


 

... đến nghiên cứu về sơn ta ...

Đầu thế kỷ, khoảng những năm 1903--1904 Pháp đã thấy sơn mài có khả năng xuất khẩu trên thị trường thế giới và có nhiều tính năng quý và bắt đầu khuyến khích nghiên cứu thành phần.

Thông thường ai cũng tưởng sơn mài làm từ một loại nhựa chiết ra từ cây sơn có tên khoa học Rhus succedanea, song thực ra loại nhựa này chính là do một loài côn trùng có tên Kerria Lacca kí sinh trong thân cây này đã tạo ra chất nhựa quý hiếm. Màu sắc tự nhiên của sơn phụ thuộc nhiều về mùa thu hoạch và nhựa mà côn trùng này ăn dính vào đó. Do đó lấy nhựa người ta thường lấy buổi đêm mới được chất lượng cao, và tươi, ít bị thâm màu.

Sơn mài Việt có sức bền và chịu nhiệt tốt và cách điện. Người Pháp đã thử cho nghiên cứu để phủ lên cánh máy bay đạt hiệu quả.

Cuốn nghiên cứu khoa học đầu tiên về chức năng và cách trồng cây sơn ở Đông Dương do Léon Hautefeuille với tựa đề « Sơn mài và vấn đề sử dụng trong công nghiệp » (La gomme-laque et son traitement industriel), 74 trang, do nhà in Viễn Đông ấn hành năm 1915.

 

 

Bìa cuốn « Sơn mài và vấn đề sử dụng trong công nghiệp » của Léon Hautefeuill.

 

Sau 3 năm, tác giả viết tiếp cuốn : « Sơn mài thỏi Đông Dương và vấn đề sử dụng trong công nghiệp » (Le stick-lac indochinois et son traitement industriel), nhà in Viễn Đông, 1918. 49 trang.

 

Bìa cuốn « Sơn mài thỏi Đông Dương và vấn đề sử dụng trong công nghiệp » của Léon Hautefeuill


 

... và canh tác cây sơn

Thập niên đầu thế kỷ 20 (1902-1906), Besnard một kỹ sư trẻ cùng Hauteville lập công ty Sơn Mài J.B (Besnard &Cie ở La-Pho (tổng La Phù ?) đã cho trồng thử giống này ở Phú Thọ (Hưng Hóa, thời Đông Dương) và một vài nơi, nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp. Nhựa lấy được rất ít. Sau khi khám phá chất lượng sơn phụ thuộc vào sự ký sinh của côn trùng Kerria Lacca, ông cùng Hautefeuille đưa một số người Ấn chuyên trồng sơn sang Bắc Kỳ giúp cho việc cấy côn trùng vào cây sơn. Từ đó kết quả đem một giống cây sơn có hiệu quả kinh tế cao.

 

Sơn mài Việt vượt biên

Cuối năm 1906, Tập đoàn thương mại Đông dương đã xây dựng nhà máy làm sơn mài, vecni để xuất đi các nước chính thức đi vào hoạt động. Năm 1908 dùng 54 hecta đất để canh tác cây sơn mài. Năm 1909, một trận lốc lớn đã làm thiệt hại hoàn toàn. Tất cả phải bắt đầu lại. Họ đã thử trồng cây sơn ta cả bên Lào và Miến Điện. Nhưng cây sơn ta đặc biệt chỉ thích tắm ao ta, chỉ hợp thổ nhưỡng Phú Thọ - nơi có rừng núi và khí hậu nóng ẩm phù hợp.  

Công ty sơn mài chuyên sản xuất và xuất khẩu này có trụ sở ở đường Carreau (nay là Lý Thường Kiệt), Hà Nội do Besnard quản lý để tiện việc giao dịch quốc tế.

Sơn mài Việt đã bắt đầu chu du vượt khỏi hình chữ S, lấn át sơn mài Nhật, Trung Quốc vì chất lượng sơn cao. Sơn ta có nhiều chức năng quý như cách nhiệt, chịu nhiệt tốt hơn so với sơn Nhật và Trung Quốc. Sơn mài Việt được sử dụng vào công nghiệp như tân trang máy bay, làm máy quay đĩa… Hơn nữa là sản phẩm của chính thuộc địa, và nhân công rẻ mạt, nên sơn mài Việt đã lên đường ra quốc tế.

Việc xuất khẩu sơn qua Nhật, Pháp và Trung Quốc đã đem lại một lợi nhuận kinh tế lớn cho chính quyền thuộc địa, đồng thời làm thay đổi vùng kinh tế Phú Thọ. Chính quyền Pháp đã xây sân bay Phú Thọ.

Năm 1930, nhà máy xuất khẩu 1070 tấn thỏi sơn. Sơn được xuất sang Nhật và Hồng Kông. 1930 nhà máy chế biến sơn mài và xuất 661 tấn sơn mài sang Pháp và Bỉ.

 

Xuất khẩu thợ sơn mài

Không những sơn mài được xuất khẩu mà cả đội ngũ thợ làm sơn mài lành nghề cũng theo hương sơn mài lên đường sang « mẫu quốc » làm việc. Đây chính là đợt xuất khẩu « thợ » chuyên nghiệp Việt ra nước ngoài đầu tiên.

Nếu đầu thế kỷ 20, trong đại chiến thế giới chính quyền thuộc địa đã đưa hàng trăm ngàn lính và thợ sang Pháp để bổ sung đội quân thiếu hụt do chiến tranh. Người Việt vốn vóc dáng nhỏ, sức khỏe không bằng người châu Âu, nhưng chăm chỉ cần mẫn được đưa sang Pháp tham gia trên nhiều mặt như nông nghiệp, công nghiệp, bếp nội trợ… Khi nghiên cứu thành công sơn phủ cánh máy bay, ngay tháng 3 năm 1905 khoảng 250 thợ sơn mài được tuyển đi cùng đội lính qua Pháp để làm trong hãng hàng không Pháp.

Trong công nghệ máy bay

 

Ảnh 1: Thợ Việt đang làm sơn mài cho cánh động cơ máy bay trong một xưởng quân khí thời kỳ Đại chiến thế giới Lần thứ Nhất.

 

Một số thợ lành nghề sau binh nghiệp, họ được chuyển sang làm cho các cửa hàng làm nội thất, mỹ kí như Trần Xuân Hồ, Phung Van Dinh*.

Ngay những năm 1920, Công ty sơn mài Đông Dương thành lập, có cơ sở ở 19 rue l’Aumale, Paris 9 với mục đích xuất nhập khẩu sơn mài, dầu quang, sơn công nghiệp sử dụng từ Đông Dương trong công nghiệp hàng không, hàng hải và kỹ nghệ trang trí nội thất.

Theo nhà sử học chuyên gia Đông Nam Á Daniel Hémery, nhiều xưởng sơn mài Đông Dương từng tồn tại ở phố Ollier, Beaunier, Didot, nhà Camélia, ở Malakoff, và ở Boulogne, và theo thống kê của nghiệp đoàn thợ sơn mài có khoảng 250 công nhân ở Paris.

 

Và trang trí nội thất và đồ mỹ nghệ

Người có công đầu tiên làm vinh danh sơn mài Việt ở Pháp là họa sĩ Jean Dunand (1877-1942). Ông là nhà đúc đồng, và họa sĩ nội thất nổi tiếng từng đoạt nhiều giải thưởng trong các triển lãm về hội họa, điêu khắc như Huy chương Vàng về tượng Qvo Vadis năm 1900. Đầu thế kỷ 20, tình cờ khi một người bạn Nhật nhờ ông sửa gót giầy sơn mài bị hỏng. Ông đã khám phá ra chất véc ni phủ gót giầy có độ bền chắc. Tính tò mò và ham học hỏi, ông muốn tìm hiểu về chất sơn mài này. Năm 1912, Ông đã ‘trao đổi kinh nghiệm’ với một họa sĩ sơn mài bậc thầy người Nhật tên là Seizo Sugawara. Ông dạy về nghệ thuật đúc đồng cho nghệ sĩ Nhật. Đổi lại, nghệ sĩ sơn mài Nhật dạy ông 13 bước chi tiết về các cách thức làm sơn mài. Từ đó ông bắt đầu say mê nghiên cứu sơn mài ứng dụng trong kỹ nghệ trang trí nội thất.

Dunand bắt đầu mở xưởng làm sơn mài bằng cách sử dụng đội ngũ thợ rẻ tiền và có khả năng thích ứng khi tiếp xúc với loại sơn độc hại này. Người châu Âu không quen sơn này, bị sơn “ăn da”, gây dị ứng có khi lao phổi.

Thật bất ngờ trong đội quân thợ lành nghề sơn mài không chỉ có giới mày râu, mà cả phụ nữ. Phụ nữ Việt không chỉ quẩn quanh xó bếp, lo con cái, bán hàng vặt mà mọi người thường thấy trên báo ảnh thuộc địa, mà đã có mặt trong đội quân xuất khẩu. Họ không chỉ đơn thuần là thợ lành nghề mà còn được xếp vào thợ giỏi nhất về làm hom vóc và cẩn trứng như bà Hồ, bà Nam trong xưởng của Dunand ở 72 rue Hallé, quận 14 Paris. Ngày nay còn bảng ghi nhận nơi làm việc của họa sĩ sơn mài Pháp nổi tiếng này. Theo Félix Marcillac từng đến thăm xưởng của Dunand, xưởng có khoảng 20-40 người làm việc thường xuyên, khi công việc gấp, có khi lên tới 100 người. Điều này được chứng minh qua việc thành lập « Hội những người sơn mài Đông Dương ở Paris » thành lập 1929 và « Công đoàn thợ sơn mài » ở gần Cổng Orléans tức là ngay khu nhiều xưởng sơn mài thuộc quận 14 (trong đó có xưởng lớn nhất của Dunand). Họ đã tham gia biểu tình ở gần đó đấu tranh việc bóc lột nhân công rẻ mạt từ thuộc địa, do « Hội liên đoàn thuộc địa » tổ chức năm 1929 và bị cảnh sát giải tán và đưa vào sổ theo dõi như Trần Xuân Hồ từng là trung sĩ giải ngũ, thợ sơn vecni được coi là thành viên tích cực của phong trào. Sự bóc lột đám thợ chuyên nghiệp rẻ tiền từ Đông Dương đã được nhắc nhiều trên bài của Bùi Quang Chiêu và Dương Văn Giáo đăng trên báo « Echo, Paris ». Hai tác giả đã tố cáo ông Simoni mang danh cựu thống sứ Đông Dương khi tuyên bố trả lương hậu hĩnh cho đám thợ sơn mài Đông Dương.

 

 

Ảnh2 : Bà Hồ, một chuyên gia về vóc sơn mài trong xưởng của Jean Dunand. Ảnh chụp năm 1925.


Bà Nam được coi là người thợ giỏi nhất về làm vóc ở xưởng Dunand. Trong số thợ lành nghề còn có Dang Bui*(Bùi Đặng hay Bùi Đăng, Bùi Đằng…?)* không những chỉ là thợ được tuyển sang Pháp hành nghề, ông còn được truyền nghề sơn mài cho một họa sĩ nổi tiếng của Pháp Gaston Suisse (1896-1988). Chính ông đã đem tặng Gaston Suisse một lọ sơn mài để khai tâm sơn mài cho họa sĩ này. Gaston sau trở thành một họa sĩ sơn mài nội thất nổi tiếng như Dunand. Có lẽ Đang Bui là người duy nhất trong đám thợ sơn mài Việt qua Pháp được ghi lại đôi dòng trong bài giới thiệu tiểu sử họa sĩ Gaston Suisse khi nói về kỹ nghệ tranh sơn mài. Và chính Dang Bui đã làm sơn mài cho bìa cuốn sách của Paul Bonet, dựa theo tranh của tác giả. Thời đó đóng bìa sơn mài là thú chơi sách thời thượng của giới quý tộc. Công việc làm bìa rất khó, và đòi hỏi thời gian vì thế không phát triển chỉ làm theo đơn đặt hàng. Do đó cuốn này chỉ có 150 ấn bản bìa sơn mài đặc biệt.

  


Bìa sơn mài cuốn sách của Paul Bonet do Dang Bui là phủ sơn mài (ảnh trên mạng).

 

 

Ảnh 3 :J. Dunand đang dạy làm sơn mài trong xưởng 


Ông Dunand không chỉ sáng tác, mà còn truyền nghề sơn mài cho người châu Âu. Nhiều học trò của ông đã nổi tiếng và thành công trong sơn mài mỹ thuật nội thất. Bernard Dunand, con trai đầu của ông tiếp tục sự nghiệp của ông quản lý xưởng nội thất khi ông qua đời.  

Jean Dunand đã thành công đưa kỹ nghệ sơn mài vào trang trí nội thất theo motif hiện đại được người châu Âu ưa chuộc. Ông chính là tác giả của nội thất con tàu nổi tiếng Normandie.

 

« Vô đề », tranh sơn mài của Jean Dunand (Ảnh trên mạng).

 

« Chân dung danh ca Joséphine Backer », 1926. (Sơn mài của Jean Dunand và Jean Lambert Ruski - Ảnh trên mạng).


Năm 1954, Pháp thua ở Điện Biên Phủ, các công ty Pháp ở Đông Dương hầu như hoàn toàn đóng cửa (nhất là ở miền Bắc Việt Nam). Do vậy, sơn mài Việt tạm ngừng chu du ra thế giới một thời gian. Và đại chiến thế giới thứ Hai cùng Điện Biên Phủ làm giảm sút lớn nền kinh tế Pháp, nên nghệ thuật trang trí nội thất Pháp bằng sơn mài cũng tạm ngưng. Xưởng sơn mài của Dunand cũng buộc đóng cửa.

Đám thợ Đông Dương lưu lạc về đâu ? Câu chuyện này hẳn sẽ là một nghiên cứu thú vị. Từ 1954-1975 sơn mài Việt không nhập được vào Pháp nhưng nhiều họa sĩ từng là lính thợ luôn khát vọng giới thiệu sơn mài hội họa Việt như họa sĩ Lê Bá Đảng, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Sao...  

Trong số hậu duệ của thợ sơn mài có những người nổi tiếng trong kỹ nghệ làm đồ trang sức ở Pháp như Jean Dinh Van (sinh 1927 ở Boulogne sur Seine – nơi có xưởng sơn mài Đông Dương). Ông đã học nghệ thuật trang trí nội thất và làm trang sức ở xưởng Cartier nơi cha ông cùng 15 người thợ sơn mài Việt từng làm ở đó. Ông đã tạo ra một thương hiệu Dinh Van có mặt ở những khu vực sang trọng ở Paris, New York, Hà Nội, được báo chí Pháp nhắc đến như bậc thầy làm đồ trang sức ở Pháp.

 

Trần Thu Dung

Paris, tháng 8/2017

 


* Do tài liệu từ các lưu trữ của Pháp, nên việc đề tên Việt không có dấu. Để tôn trọng nguyên gốc, tôi để nguyên tên ghi trong văn bản (trừ những trường hợp biết chắc chắn) để giúp các nhà nghiên cứu tiện sưu tầm tiếp.

- Ảnh 1,2,3 trích trong cuốn « Jean Dunand cuộc đời và tác phẩm » của Marcilhac Félix, Nxb Amateur, 1991.