Họa sỹ Nguyễn Hiêm - Những điều chưa biết

Đã nhiều năm quen biết với họa sỹ Mai Khanh, chuyện trò cũng không ít, nên thấy chị khá giống với người cha yêu quý của chị - họa sỹ Nguyễn Hiêm. Là người con duy nhất, được gần gũi và được ba yêu thương hết mực nên mỗi khi nhắc đến ông, chị luôn bùi ngùi xúc động...

Đã nhiều năm quen biết với họa sỹ Mai Khanh, chuyện trò cũng không ít, nên thấy chị khá giống với người cha yêu quý của chị - họa sỹ Nguyễn Hiêm. Là người con duy nhất, được gần gũi và được ba yêu thương hết mực nên mỗi khi nhắc đến ông, chị luôn bùi ngùi xúc động. Tính chị hiền lành, chân thật, luôn khiêm tốn và được mọi người yêu mến, cũng say mê sáng tạo nghệ thuật như người cha của mình. Qua cuộc trò chuyện, lần đầu tiên chị đã kể về những kỷ niệm và những điều được nghe cha kể lại. Những câu chuyện làm người nghe càng hiểu hơn về Nguyễn Hiêm một người đam mê nghệ thuật và luôn sống chân tình, yêu thương gia đình và mọi người.

 

Họa sỹ Nguyễn Hiêm


Họa sỹ Nguyễn Hiêm sinh năm 1917, (thực tế ông sinh năm 1915, vì khai sinh muộn hơn thực tế là chuyện thường xảy ra trước đây) và mất năm 1976 tại Tp Hồ Chí Minh. Nguyễn Hiêm có năng khiếu và đam mê nghệ thuật từ lúc còn nhỏ khi chưa được học mỹ thuật ngày nào. Ngày ấy, ông thường tự lấy đất sét nặn những con trâu, con nghé nhỏ để làm phần thưởng cho các bạn cùng chăn trâu. Nên khi lớn lên ông đã tự đăng ký thi vào trường Mỹ thuật Gia định để thỏa ước mơ.

Năm 1936, khi thi vào Trường Mỹ thuật Gia Định - Sài Gòn, hoàn cảnh khó khăn không thể mua các loại màu tốt và đẹp như nhiều bạn cùng thi, nhưng Nguyễn Hiêm đã thi và trúng tuyển ngay lần đầu thi. Niềm vui thật lớn khi ước mơ được học mỹ thuật từ bao lâu đã thành hiện thực. Đề thi năm đó Phỏng vẽ con gà trống. Với năng khiếu bẩm sinh, Nguyễn Hiêm đã phóng bút rất nhanh con gà trống chỉ bằng một màu đen trên nền giấy trắng. Khi kết quả được thông báo, ông đã rất vui mừng thông báo cho cha mẹ, trong khi đó nhiều bạn có màu đẹp đã vẽ rất công phu kiểu trang trí thì không có trong danh sách trúng tuyển.

 

Nguyễn Hiêm, Thư tiền phương, sơn dầu, 1968

 

Nguyễn Hiêm, Hành quân đêm (qua cầu khỉ), sơn dầu, 1956-1957


Năm 1940, Nguyễn Hiêm đã tốt nghiệp và bắt đầu con đường sáng tạo nghệ thuật với hành trang là khối kiến thức thầy cô trao cho cùng khả năng thiên phú. Vừa ra trường, Nguyễn Hiêm đã sang Campuchia và vẽ rất nhiều tranh, ký họa về các công trình kiến trúc cổ ở đất nước chùa tháp. Suốt thời gian ở đó, phong cảnh thiên nhiên, những chùa tháp với những tác phẩm điêu khắc lớn, các mảng chạm nổi phong phú về đề tài và vừa mạnh mẽ vừa mềm mại của các khối, nét, hình ảnh của các nhà sư… đã khiến hoạ sỹ trẻ Nguyễn Hiêm làm việc không ngơi nghỉ. Ông đã kể lại với con gái về việc lần đầu tiên gửi tranh tham gia triển lãm. Thông qua bạn bè, ông biết và đã gửi cho Triển lãm  mỹ thuật ở Ấ Độ toàn bộ tranh và ký họa vẽ tại Campuchia. Ông đã rất buồn vì toàn bộ số này sau đó họ không trả lại, coi như mất sạch, mà chả biết đòi ai.  

Vì đam mê sáng tạo và quí trọng những thành quả lao động của mình, họa sỹ Nguyễn đã từng bị kỷ luật chỉ vì khi có lệnh tập kết ra Bắc năm 1954, dù bị cấm, Ông đã trốn chèo thuyền về một nhà dân, nơi ông gửi các ký họa vẽ trong kháng chiến chống Pháp để lấy mang theo ra Bắc. Rất may, khi ông đến nơi, vì sợ liên lụy nên người ta đã lấy ký họa ra khỏi khẩu Azoka mà ông đã cẩn thận cuộn kỹ lưỡng để đốt sạch. Đây là những ký họa rất đẹp và là nguồn tư liệu sáng tác của họa sỹ cho những tác phẩm về thời kỳ kháng chiến chống như  Hành quân đêm qua cầu khỉ, Nước ra trận địa, Dân quân Hàm Rồng - Nam ngạn, Bộ đội gặt lúa giúp dân… Trong đó số suýt bị đốt đó có  tác phẩm Trận Tầm Vu nổi tiếng.

 

Nguyễn Hiêm, Trận Tầm Vu, thuốc nước, 1948


Năm 1954, khi Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội,  bạn bè, đồng nghiệp kêu gửi tác phẩm, họa sỹ Nguyễn Hiêm đã không chịu vì thấy có nhiều họa sỹ nổi tiếng nhất lúc bấy giờ tham gia. Ông cho rằng mình con non kém, chưa đủ thể tham gia cùng các họa sỹ thành danh. May nhờ nghệ sỹ Lê Minh Hiền (chuyên gia phim hoạt hình) đã tự lôi các tranh của Nguyễn Hiêm nhét dưới gầm giường đi nộp. Trong triển lãm đó Toàn bộ tác phẩm gồm 30 bột màu, màu nước, ký họa của Nguyễn Hiêm đã được trao giải Nhất cùng họa sỹ Tô Ngọc Vân. Là người Nam bộ vốn mộc mạc, chân tình, giản dị, lại là người luôn quan tâm, lo lắng cho gia đình, Ông đã đổi cái huy chương vàng thành tiền mặt. Những năm kháng chiến chống Mỹ khó khăn, sống ở Hà Nội cùng vợ và ái nữ Mai Khanh, ông không ngại ngần cùng vợ nuôi heo để cải thiện cuộc sống gia đình và thết đãi bạn bè và cũng để an tâm công tác và sáng tạo nghệ thuật.

Sau kháng chiến chống Pháp, ông trở về sống và sáng tác tại Hà Nội với bao ký ức, tư liệu còn nóng hổi từ những miền ông đã đi qua trong khách chiến chống Pháp và cuộc sống sôi động của thời chiến ở hậu phương. Năm 1958, họa sỹ Nguyễn Hiêm được trao Giải Nhất của Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc với tác phẩm Hành quân đêm qua cầu khỉ và sau đó ông còn được trao Giải thưởng Lớn tại Triển lãm Nghệ thuật Tạo hình các nước Xã Hội Chủ Nghĩa tại Matxcơva năm 1959 cũng với tác phẩm này.

 

Nguyễn Hiêm, Kìa đi nhanh lên chứ, sơn dầu, 1960-1963


Sau năm 1975, trở về quê hương, sống bên bờ sông Sài Gòn, họa sỹ Nguyễn Hiêm chỉ chuyên tâm sáng tác và sống hạnh phúc bên gia đình nhỏ. Biết con gái có năng khiếu và say mê nghệ thuật nên khi còn nhỏ ông cũng đã cho con gái học vẽ tại nhà họa sỹ Phạm Viết Song và nhà điêu khắc Phước Sanh như giờ ngoại khóa. Khi con gái học xong năm thứ nhất trường Đại học Y khoa, bỗng bỏ ngang để thi vào Đại học  Mỹ thuật ông cũng bằng lòng theo ý con. Ông hài lòng và cũng luôn như người thầy của con gái trong nghề vẽ. Ông luôn nhẹ nhàng, nói ít nhưng luôn nhận xét, góp ý cho con gái một cách chính xác, cởi mở. Tưởng rằng hạnh phúc sẽ trọn vẹn sau bao năm đi theo cuộc trường chinh của dân tộc, nay đất nước thống nhất, ông sẽ được thỏa thích theo đam mê sáng tạo nghệ thuật cùng con gái, nhưng họa sỹ Nguyễn Hiêm đã ra đi thật đột ngột khi đang ngồi nói chuyện với một đồng nghiệp tại nhà. Ông kêu mệt, lên giường và ra đi chỉ trong vòng mấy phút. Một mất mát quá lớn không chỉ đối với gia đình mà còn với nền mỹ thuật Việt Nam, đúng như nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Trần Thức viết trong  Lời giới thiệu cuốn sách Họa sỹ Nguyễn Hiêm:

“Chân thật, giản dị, hiền hòa nhưng sống động đã làm nên phong cách, bút pháp, tài năng, cá tính Nguyễn Hiêm trong nghệ thuật. Kính trọng đồng bào, đồng nghiệp, đồng đội. Yêu thương quê hương, gia đình, bạn bè đồng chí - là nhân cách sống trung thực, đôn hậu của Nguyễn Hiêm.

Hài hòa giữa nghệ thuật và cuộc sống đã tạo nên một Nguyễn Hiêm họa sỹ - chiến sỹ có phẩm chất văn hóa, có lý tưởng, có cách nhìn thẩm mỹ mà suốt đời ông hướng tới, xả thân trong lao động, sáng tạo vì cái đẹp”[1,tr.4].

Vì những cống hiến cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, năm 2000 họa sỹ Nguyễn Hiêm được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên. Nhiều tác phẩm của ông vẫn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ và trong các sưu tập cá nhân trong ngoài nước.

 

T.C (Số 8, tháng 8/2019)

 

Tài liệu tham khảo

1. Hội Mỹ thuật Việt Nam( 2009), Nghệ sỹ tạo hình Việt Nam hiện đại, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội 2009.

2. Nhà xuất bản văn hóa Thông tin (2011), Họa sỹ Nguyễn Hiêm, NxB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.

3. http://ape.gov.vn/luoc-su-cac-trien-lam-my-thuat-viet-nam-ds726.th

4. http://ape.gov.vn/luoc-su-cac-trien-lam-my-thuat-toan-quoc-viet-nam-1945-2010-d704.th

SEMOGA SUKSES OKE TA