Hoàng Đình Tài, một vóc dáng hội họa
Sau những uể oải, khô quạnh từ “đám đông đáng sợ” tôi vẫn thường tìm đến họa sỹ Hoàng Đình Tài. Sự khoáng đạt chân thành và kiên nhẫn của ông không khoan nhượng đẩy nhanh những ù lì, thụ động, lười biếng dễ ẩn nấp ra khỏi. Câu chuyện về đời sống, về nghệ thuật với Hoàng Đình Tài vì thế bao giờ cũng cởi mở, bùng nổ đánh thức một cách tốt nhất sự tự do trong sáng tạo và trách nhiệm sống.Tiếp xúc với ông, không ít người đồng cảm để thức nhận ra một giá trị: Người nghệ sỹ không được chối bỏ thân phận mình nếu muốn đạt đến sự tinh lọc. Với hội họa, sự sáng tạo trước tiên là thấy được thân phận họa sỹ trong mình. Văn hào người Pháp, Emile Zola có một câu nói rất hay: “Trước một bức tranh, tôi luôn tìm kiếm và yêu mến người họa sỹ ẩn sau đó”.
Hoàng Đình Tài, Nhảy múa, sơn mài
Sức quyến rũ nhất trong hội họa Hoàng Đình Tài là chất ảo bay bổng của hiện thực. Nét vẽ cuộn lên, tinh lọc, khái quát để đạt đến cường độ đó mà không rơi vào làm dáng hay sự quen tay mệt mỏi, phải có lực rất táo bạo, tự do, tênh tang.Đi ra từ chiến trường (từ năm 1966 đến năm 1974), 5 năm học Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1974 -1979), sự khảng khái đã sớm cho họa sỹ Hoàng Đình Tài sự mạnh mẽ, không dậm chân lạc hướng, sáng tạo trong sự thôi thúc tự thân. Thái độ nghệ thuật ấy cho ông dõng dạc khi phải đối mặt với sự sâu thẳm của thế giới nội tâm, của tiềm thức hay những xung đột của thế giới hiện đại ngày càng buồn chán với con người ngày càng cô độc hơn, trong khi không ít người cầm cọ cùng thế hệ và sinh sau còn lúng túng và ngượng ngùng.Chiếm lĩnh trong việc tìm tòi và mê hoặc với họa sỹ là sơn mài, hành trình thời gian với tranh sơn mài cho ông đi qua việc tìm kiếm thông thường để đạt tới sự phát hiện trong từng bức vẽ mà bay thoát.
Hoàng Đình Tài, Nắng, sơn mài, 2000
Hoàng Đình Tài, Phong cảnh làng quê, sơn mài
Hồn vía của cuộc sống, thiên nhiên, con người lan tỏa trong tác phẩm. Bảng vàng những tác phẩm xuất sắc của ông minh chứng cho bộc bạch của danh họa Paul Gaugain (1848-1903): “Một bức tranh đẹp bao giờ cũng tự tìm lấy được giá của nó”.Tinh thông trong nhận thức, rút ruột từ đời sống xứ sở sinh thành, tác phẩm của Hoàng Đình Tài là một khối đồ sộ những đề tài được khai triển nhiều tầng lớp: Những cánh rừng Trường Sơn đồng hiện; bước chân học trò tới trường; hội làng cổ xưa tiếng trống, bát âm; nhạc cảm chan hoà điệu múa, day dứt câu ca quan họ, Tây Nguyên bi tráng đất badan, thiếu nữ trẻ thơ trong vườn ngọc của cỏ cây…Con người, thiên nhiên, cảnh vật… quấn quýt, chuyển động trong những giai điệu trầm bổng, tạo thành những bờ vực của đường nét, màu sắc thăm thẳm (Chiều Trường Sơn, Tới trường, Làng tôi, Miền quan họ, Nhảy múa, Đất Ba dan, Khát vọng, Trong vườn…).Những mù loà, trì trệ đâu đó trong đời sống thường ngày vẫn chưa thôi làm cho ông phẫn nộ. Câu chuyện về cuộc sống, về nghệ thuật với Hoàng Đình Tài luôn có hậu, bởi niềm tin yêu ngay thẳng trong suốt họa sỹ vào sự vĩnh hằng của cái đẹp trước sự tấn công của đồng tiền và cái tầm thường dễ thấy của cuộc sống.Ai đó đã nói, mỗi nghệ sỹ là một ông vua, không phải vì có nhiều quyền lực, mà vì có trách nhiệm lớn. Tư tưởng và tác phẩm sẽ tạo ra một bầu không khí tinh thần. Trong sạch hay vẩn đục là trách nhiệm của người nghệ sỹ.Tôi gặp Hoàng Đình Tài từ cái tinh thần giản dị ấy.
C.H.T
(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 10/2015)