Huỳnh Văn Thuận người họa sỹ năng động và đa tài
Người vừa nhẹ nhàng ra đi sau gần một thế kỷ sống và nhiệt thành đóng góp cho nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông là cựu sinh viên chính thức có bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã từ giã thế giới nghệ thuật muộn nhất (sau đây vẫn còn lác đác vài cụ khác từng học ngôi trường kể trên, nhưng họ đều chưa tốt nghiệp thì trường đã tan năm 1945). Điều kỳ lạ nhất suốt cuộc đời ông là sự năng động với vô số hành trình xuyên Bắc - Nam. Điểm đặc sắc nhất trong nghệ thuật của ông là sự đa dạng về chất liệu và hầu như đều đạt tới đỉnh cao hoặc chí ít cũng để lại dấu ấn khó phai nhòa trong nền Mỹ thuật hiện đại nước ta. Xin điểm lại cuộc đời và các thành tựu mỹ thuật đặc biệt của ông…
1. Chàng trai Nam Kỳ và hành trình xuyên Bắc - Nam suốt cả cuộc đời
Xin được dùng chữ Nam Kỳ vì khi ông sinh ra thì miền đất ấy được định danh như thế (mãi sau năm 1945 mới đổi thành Nam Bộ). Quê ông xưa là miệt vườn ven thành Gia Định cũ, nay đã là quận Bình Thạnh với các đường phố hiện đại. Mê vẽ từ nhỏ, năm 15 tuổi, ông thi đỗ và học Trường Vẽ Gia Định (tên nôm na mà người Việt gọi Ecole de Dessin de Gia dinh, do Pháp thành lập từ 1913, trước cả Trường Mỹ thuật Đông Dương, từ 1925). Trường cũng không xa làng ông là mấy nên hàng ngày ông có thể đi bộ tới lớp. Ông học giỏi, hình họa vững nên mới được mấy năm đã có ý định phấn đấu lên bậc cao hơn.
Vậy là năm 1939, vừa tròn 18 tuổi, học hết năm thứ 3, ông ra Bắc, thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Ecole des Beaux-Arts de l”Indochine) danh tiếng. Điều kỳ lạ thứ nhất đã tới mà ông đâu ngờ: kể từ đây ông sẽ định cư tại Hà Nội, đồng thời sẽ phải thực hiện vô số hành trình xuyên Bắc - Nam rồi cuối đời lại về yên nghỉ tại quê nhà. Ra Bắc học, ông từng ở trọ bên ngoài trường, vì tuổi còn trẻ, đôi khi ông cao hứng ca mấy bài vọng cổ và cũng chẳng ngờ đã làm say mê cô con gái ông chủ trọ - người sau này thành bạn đời của ông - có lẽ đây cũng thêm một nguyên nhân nữa khiến ông ở lại đất Bắc sau khi tốt nghiệp năm 1944.
Huỳnh Văn Thuận, Trâu cày người bừa, 1952, khắc gỗ
Thực ra, hồi mới ra Hà Nội học mỹ thuật, ông luôn về quê các dịp hè. Nhưng sau khi tốt nghiệp, ông đã ở lại đất Bắc, chủ yếu vì những biến chuyển vận mệnh quốc gia kể từ 1945 trở đi. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông không những ở chiến khu Việt Bắc mà còn vào công tác ở Nghệ An. Đặc biệt hơn, ông còn dũng cảm vào vùng địch hậu Thái Bình để hoạt động và vẽ ký họa. Sau 1954, tưởng rằng ông cứ ở yên thủ đô nhưng trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông lại đi xuyên dọc đường Trường Sơn những 4 lần vào các năm 1968, 1969, 1971 và đầu 1975 (thời ấy người ta gọi là đi B). Ngay sau ngày 30/4/1975 ông lại được biệt phái vào công tác tại Sài Gòn mới giải phóng. Kể từ đó ông có điều kiện về thăm quê nhiều lần. Năm 2015, sau khi cụ bà mất vài năm, ông đã chuyển hẳn về quê sống với gia đình con trai thứ và 2017 ông đã ra đi ngay tại quê hương. Cả cuộc đời ông là những hành trình xuyên Bắc - Nam nhiều không kể xiết…
2. Người họa sỹ đa tài với thành công bậc nhất về tranh sơn khắc
Trong giới mỹ thuật nước nhà, hễ nói đến Huỳnh Văn Thuận là ai cũng biết ông vẽ giỏi rất nhiều chất liệu, nhưng đồng thời ai cũng nhớ ngay đến bức tranh sơn khắc nổi tiếng “Thôn Vĩnh Mốc” (1m x 1,5m), hoàn thành năm 1958, đoạt Giải Nhất của cuộc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1958 và hiện là một trong các tác phẩm trụ cột của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông khắc kỹ lưỡng cả một làng chài ven biển với nhiều nóc nhà tranh, cây cối, cổng chào, vô số nhân vật, thuyền bè, chài lưới, giàn bí, khung cửi, cối xay lúa, cờ đỏ sao vàng.v.v… Nhưng còn hơn thế nữa, bức tranh tỷ mỷ này toát lên sức sống phơi phới của một miền quê với tâm hồn dân dã nồng hậu, trong sáng. Vẽ kỹ đến đâu cũng sẽ có người bắt chước được nhưng cái hồn - cái tình trong tranh thì chỉ có loại họa sỹ cao cường như ông mới thành công. Trước ông, người ta cứ tưởng phải vẽ nhanh thì cảm xúc mới tuôn trào. Ông đã chứng minh ngược lại: vẽ cực kỳ chậm và kỹ mà vẫn tràn đầy cảm xúc! Kể từ đó ông làm khá nhiều tranh sơn khắc rất tinh tế, được chính giới mỹ thuật ghi nhận như: “Làm sạch thóc nộp kho” (1981, 45 x 60cm), “Ngày mùa ở Vĩnh Kim” (1960 - 1997, 80 x 120cm), “Vết xích xe tăng giặc” (1998), “Kéo bừa thay trâu” (1954 - 2016)… Trước ông, ở Việt Nam chưa có ai thành công đến thế về tranh sơn khắc.
Vết tích xe tăng giặc, 1998, sơn khắc
3. Người vẽ tỉa sớm nổi danh nhất Việt Nam
Sở dĩ ông làm tranh sơn khắc thành công như vậy vì ngay từ thời còn là sinh viên ông đã nổi tiếng vì vẽ kỹ. Các bạn học cùng khóa Mỹ thuật Đông Dương với ông (1939 - 1944, gồm Nguyễn Sỹ Ngọc, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Trọng Hợp…) từng ôn lại kỷ niệm cũ rằng cuối năm 1941, khi danh họa Nhật Fujita (khi đó đã nổi tiếng tại Pháp) sang thăm Trường Mỹ thuật Đông Dương, ghé qua lớp chỉ định xem lướt nhưng rồi đã phải dừng lại, đeo kính vào, nhìn như soi bức vẽ cảnh bằng chì của sinh viên Thuận và thốt lên: “Terrible!”, tạm dịch là “Kinh khủng!” mà người trong nghề hiểu đó là lời khen về mức độ công phu của các nét vẽ tỉa.
Huỳnh Văn Thuận, Hồn quê hương, 1998, sơn khắc
Sau này, năm 1975, khi ông bày triển lãm các ký họa chì vẽ đường mòn Hồ Chí Minh thì các đồng nghiệp và sinh viên mỹ thuật lại một lần nữa phải thán phục khi xem ông tỉa rừng cây trụi lá tầng tầng, lớp lớp với vô số cành nhỏ xíu chĩa lên trời, như minh họa cho câu thơ của Tố Hữu hồi đó “Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh”. Vẽ tỉa tinh vi và đầy hiệu quả đã trở thành thương hiệu của ông!
4. Người vẽ mẫu tiền xuất sắc
Một dấu ấn đặc sắc nữa trong cuộc đời năng động của ông là vẽ mẫu tiền. Kể từ thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến giờ đã có nhiều mẫu tiền do nhiều tác giả vẽ. Nhưng in đậm nhất vào trí nhớ dân gian có lẽ là tờ tiền 10 đồng màu đỏ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành năm 1958 (có tài liệu khác cho rằng ông vẽ năm 1962). Đó là tờ tiền có mệnh giá cao nhất trong đợt đổi tiền thời ấy mà tác giả lại là họa sỹ Huỳnh Văn Thuận. Ký ức thời thơ ấu của chúng tôi vẫn còn ghi nhớ tiếng lóng ngoài chợ gọi là “tờ Cụ mượt”, trả giá cao nhất thời ấy chỉ việc nói: “Một Cụ mượt!” là dân gian hiểu ngay. Ấy chính bởi tác giả đã vẽ chân dung Cụ Hồ nhìn nghiêng quá giống với các nét tỉa hết sức mượt mà, tinh tế vô cùng khiến nét mặt lãnh tụ oai nghiêm mà đầy tình cảm chứ không cứng nhắc. Trong nghề vẽ ai cũng biết: vẽ chân dung lãnh tụ bao giờ cũng khó bội phần vì ai cũng biết mặt, vẽ Cụ Hồ lên tờ tiền càng khó nữa vì dân cả nước sẽ chiêm ngưỡng và phán xét. Chân dung Cụ Hồ trên tờ tiền 10 đồng đỏ hồi ấy được toàn dân đánh giá cao. Bấy lâu nay, bây giờ nghĩ lại, chúng tôi thấy đó là chân dung đồ họa bằng nét về lãnh tụ kính yêu kỹ lưỡng nhất, tinh tế nhất, hiện thực nhất và giống nhất! Tất nhiên ông còn vẽ các mẫu tiền 5 hào và năm 1979 cũng vẽ mẫu tiền 10 đồng màu tím, nhưng đều chưa ấn tượng bằng tờ 10 đồng màu đỏ.
5. Người vẽ mẫu biểu tượng tài ba
Điều này báo chí đã đề cập nhiều: ông là tác giả mẫu Huy hiệu Đoàn Thanh niên, được chính Bác Hồ duyệt. Sau hơn nửa thế kỷ, đến nay, huy hiệu này vẫn giữ nguyên hình hài, chỉ thay đổi chữ theo sự đổi tên của Đoàn Thanh niên mà thôi. Đó là một huy hiệu đẹp thuộc loại phổ biến nhất của Việt Nam. Mẫu huy hiệu đã đạt được tất cả những yêu cầu thiết yếu nhất của lĩnh vực này: ý đồ rõ ràng, biểu tượng nổi bật, mảng miếng đơn giản, ít màu nhưng phải rực rỡ, đường nét khỏe khoắn, dễ in ấn và phát hành. Trông thì đơn giản và dễ hiểu vậy mà không phải họa sỹ nào cũng làm được: cần có người chuyên đồ họa như ông. Ngày nay có vẻ việc này không mấy khó nhọc vì đã có đồ họa vi tính nhưng hồi ấy, trên chiến khu, giấy bút thông thường còn thiếu, mà ông phải vẽ tay hết. Kết quả như ta đã thấy: mẫu huy hiệu đã tồn tại bền vững sau bao nhiêu đổi thay là một minh chứng tuyệt vời cho tài nghệ của tác giả.
Sau này ông còn từng đoạt Giải Nhất cuộc thi vẽ Biểu tượng phòng chống SIDA.
Huỳnh Văn Thuận, Không lời, 1984, bột màu
6. Một sự nghiệp tranh cổ động chuyên nghiệp và đầy hiệu quả.
Sự nghiệp mỹ thuật của họa sỹ Huỳnh Văn Thuận có một mảng rất quan trọng: ông vẽ tranh cổ động không ngừng nghỉ suốt từ năm 1945 đến khi tay đã không còn cầm nổi bút nữa, nghĩa là gần 70 năm. Số tranh cổ động của ông chưa ai thống kê nổi và chắc sẽ không thể thống kê vì có những bức vẽ trực tiếp lên tường trên những chặng đường kháng chiến. Chỉ có những bức được in ấn thì còn có thể thống kê. Và không ít trong số đó tạo được ấn tượng mạnh, thậm chí được những giải thưởng hạng nhất- nhì. Tất cả các sách về tranh cổ động Việt Nam đều không thể thiếu tranh của ông. Ngôn ngữ đồ họa cổ động của ông đầy hiệu quả: cô đọng, mạnh mẽ, nổi bật, mà vẫn chân phương, dễ hiểu với đại chúng. Hơn nữa tranh ông lại kiệm màu để dễ in ấn trong suốt thời chiến tranh đầy gian khó.
Thực ra ở Việt Nam, thời chiến đã rất nhiều người vẽ tranh cổ động nhưng ông chuyên nghiệp hơn nhiều về số lượng tranh dồi dào, về thời lượng vẽ hầu như suốt đời nghệ thuật của bản thân, về số lần triển lãm chuyên tranh cổ động và có lẽ duy nhất ông có sách in riêng về tranh cổ động… Tranh ông thì nhiều nhưng in đậm vào tâm trí khán giả thời đó là các tranh có chân dung Bác Hồ, ví dụ như bức “Việt Nam trường tồn, Hồ Chí Minh sống mãi”, 2 bức không lời về bảo vệ hòa bình (bức đầu vẽ đôi cánh tay lực lưỡng - một dìm quả bom xuống, một nâng bổng con chim bồ câu, bức sau vẽ bàn tay chặn quả bom và trên tay đậu con chim hòa bình), bức “Trần Thị Tâm bám đất, bám dân, dũng cảm kiên cường” (1972). Năm 1985 ông có bức “Độc lập Tự do” (79 x 54cm) đoạt Giải Nhì Triển lãm tranh Cổ động toàn quốc.v.v…
7. Tác giả đồ họa tạo hình đa dạng
Ngay năm 1946 ông đã làm triển lãm tranh khắc gỗ chung với họa sỹ Lê Phả về đề tài “Chống giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm” (theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch), bày tại Hà Nội và Hải Phòng. Rất tiếc vì hoàn cảnh chiến tranh mà hầu hết các tranh khắc gỗ này đều đã không còn lưu giữ được. Trong kháng chiến chống Pháp ông làm nhiều tranh in đá để làm phụ bản cho báo chí mà vài bức hiện còn treo trong phòng thời Kháng chiến chống Pháp 1945-1954 của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các năm 1992 - 1994 ông đã 2 lần làm triển lãm chung với họa sỹ Lê Huy Trấp về chuyên đề tranh đồ họa độc lập. Tiêu biểu trong các tranh khắc gỗ hiện còn của ông là tranh “Trâu cày, người bừa” (1952, 22 x 34cm). Các tranh của ông bằng chì, mực nho và màu nước cũng đều được coi là những tranh đồ họa mẫu mực về hiệu quả và mức độ hoàn thiện.
8. Một tác giả tranh biếm họa - đả kích và bưu thiếp phổ biến ngay từ thời kháng chiến chống Pháp
Để phục vụ cuộc Kháng chiến chống Pháp, trong hoàn cảnh khó khăn trên chiến khu, ông đã vẽ nhiều tranh dạng phổ biến - tuyên truyền, được in ra phát cho chiến sỹ và nhân dân hồi đó, cỡ chỉ 9 x 12cm. Loại tranh phổ biến này hồi ấy ông vẽ rất nhiều với cách diễn hình giản lược (để dễ in ấn) và đầy dí dỏm, tranh nào cũng có lời bên dưới kiểu hò vè dân gian.Tiêu biểu trong số đó là các tranh có phụ đề “Ngày mai voi quyết bắn phèo đồn Tây”, vẽ pháo ta đang vươn nòng nhằm hướng đồn giặc; “Hôm nay vất vả leo đèo”, vẽ 2 chiến sỹ dắt ngựa ta cõng voi (tượng trưng cho pháo) leo đèo; “Đôi ta như bóng với hình/ Đồng tâm diệt địch, chúng mình mến nhau” vẽ đôi bạn chiến sỹ - một chính quy cầm pháo và một cầm mác đâm giặc. Những tranh này ông ký bút danh Tú Anh… Đến thời bao cấp, ông vẽ khá nhiều tranh biếm họa lên án những thói hư tật xấu thời ấy như “Làm chủ hè phố”, “Phạt 15.000đ”, “Hè phố thủ đô (ngàn năm văn vật)” với cách vẽ đơn giản, dễ hiểu mà rất trào phúng.
Buổi sớm ở Hàng Xanh, 1940, màu dầu
9. Điều ít ai biết đến: khởi đầu thành công bởi tranh sơn dầu
Có lần ông tâm sự rằng danh họa Nguyễn Sáng, vì là đồng hương Nam Bộ nên hồi những năm 1960 từng bảo ông: Tại sao vẽ sơn dầu được thế mà lại bỏ sang chất liệu khác? Ông trả lời bạn là vì thời chiến sơn dầu khó mua, mắc tiền nên các chất liệu khác dễ kiếm hơn, sau đó quen dần… Thông tin này khiến chúng tôi giật mình tìm hiểu. Rất may trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn đó bức tranh sơn dầu của ông vẽ cảnh Hàng Xanh ngày xưa (trước 1945) còn là cánh đồng hoang sơ với con trâu già đang ung dung gặm cỏ (nay đó là một bùng binh - vòng xoay náo nhiệt nhất TP. HCM với nườm nượp xe cộ suốt ngày đêm). Tranh đã cũ lắm và chắc từng không được bảo quản đúng cách nên có dấu vết bợt bạt, hoen ố. Tuy nhiên khả năng biểu cảm sơn dầu của tác giả thì rất rõ nét, dù hồi đó ông còn rất trẻ (dưới 25 tuổi). Rất may chúng tôi tìm được tờ “Indochine illustré” (Họa báo Đông Dương) thời Pháp thuộc có một trang in toàn tranh sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có 2 tranh sơn dầu vẽ cảnh Huế của ông (tiếc rằng toàn ảnh đen trắng). Đáng chú ý là ông vẽ sơn dầu rất phóng khoáng, không hề tỉa tót như các chất liệu khác, hiệu quả phong cảnh rất sảng khoái, thoáng đãng. Ông kể rằng đó là 2 bức tranh mà Toàn quyền Đông Dương thời đó đã mua, giá 40 đồng Đông Dương mỗi bức (hồi đó 3 đồng/tạ gạo ngon). Với sinh viên Mỹ thuật Đông Dương - đó là một chiến công! Ông đã khao cả lớp (hồi đó 12 người) xem phim ở rạp Majestic (rạp Tháng Tám ngày nay) xong đi ăn tiệm một bữa túy lúy mà vẫn không hết tiền của một bức! Các bạn cùng khoa thời ấy rất phục tranh sơn dầu của ông.
10. Những điều chưa biết hết về sự đa tài của họa sỹ Huỳnh Văn Thuận
Sự nghiệp mỹ thuật của Huỳnh Văn Thuận còn đa dạng hơn nữa nhưng tiếc rằng chúng tôi chưa tìm đủ tư liệu nên chưa dám bình luận. Ông từng là đồng tác giả bức tranh sơn mài đề tài lịch sử “Xô viết Nghệ Tĩnh” với các họa sỹ sơn mài hàng đầu thời thập niên 1960 - 1970 như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung… Ông từng tham gia vẽ bộ tranh truyện về nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên. Ông từng vẽ nhiều mẫu tem để tham gia các cuộc thi do Công ty tem Việt Nam tổ chức các năm 1965, 1967, 1970 và từng đoạt Giải Nhì. Ông từng phóng ảnh Cụ Hồ cao 7m, rộng 5m treo trước Nhà hát Lớn để đón ngày Tiếp quản 10/10/1954 v.v… Ông là một tài năng đa dạng bậc nhất của mỹ thuật hiện đại Việt Nam!
Đ.H