Ngồi Hà Nội nhớ Hội An: Nhớ biển hàng, biển hiệu
Hội An không phải là nơi tôi sinh ra và lớn lên, cũng không phải là nơi tôi có nhiều năm gắn bó. Thậm chí, tôi mới đến Hội An hai lần. Lần đầu và lần mới đây, cách nhau đúng 12 năm. Sau lần trở về Hà Nội này, tôi bất chợt muốn sửa lời bài hát Nhớ về Hà Nội của nhạc sỹ Hoàng Hiệp:
“Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hội An…”
Lý giải về sự ám ảnh của Hội An, từ góc độ của một người làm nghề, người viết nhận ra rằng, đó là sự thành công của thiết kế đô thị (Urban design). Kết quả là từ kiến trúc cảnh quan, quy hoạch đô thị, kiến trúc, kỹ thuật dân dụng và kỹ thuật đô thị của Hội An đều có nhất quán, tạo dựng nên gương mặt của một thương cảng cổ xưa, náo nhiệt mà vẫn thâm trầm cổ kính.
Tác giả bài viết trước cửa Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An. Ảnh: Trần Trung Hiếu
Nhớ về biển hàng, biển hiệu Hội An
Khi lang thang trên những con phố, lững thững tản bộ mà ngắm nhìn vào các tấm biển từng cửa hàng cửa hiệu ở Hội An, tôi đã nhớ đến Thạch Lam. Ngay từ chương mở đầu ký sự Hà Nội 36 phố phường, Thạch Lam đã bắt đầu về biển hàng Hà Nội. Nhà văn tài hoa từ thủa ấy đã than rằng: “cái “nghệ thuật biển hàng” ở Hà Nội đã mất. Ngày xưa, cái biển hàng còn là một cái gì hơn không chỉ là một cái biển hàng mà thôi. Đó là một bộ gì liền với cơ nghiệp và số vận của người buôn, cái biển hiệu thực hiện của những cố công nhẫn nại và những đức tính ngay thật của chủ hàng.” Có lẽ nghệ thuật biển hàng ở đất Thăng Long - Kẻ Chợ mà mô tả của Thạch Lam đã và đang hiển hiện ở đây, trên mảnh miền Trung nắng gió Hội An. Ngắm những tấm biển Quân Thắng Sạn, Chấn Nam Hưng, Tường Lan, Minh Đức Đường… trên tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Trần Quý Cáp ta lại nhớ đến đoạn văn mô tả của Thạch Lam: “Đề biển phải chọn ngày tốt, phải xin chữ của những người viết giỏi có tiếng, và người ta thận trọng giữ gìn như một thứ của gia bảo ở những cái biển cũ đã tróc sơn, mà gió mưa bao nhiêu năm đã làm lạt cả vàng son, những nét chữ mạnh mẽ và rắn rỏi vẫn còn như nguyên mớị.”
Biển hiệu khách sạn Hà An. Nguồn: Yên Thế
Biển từ đường họ Phan đặt cạnh biển cửa hàng bán đồ lưu niệm Hưng Thái. Nguồn: Sưu tầm
Vẻ xưa cũ, cổ kính của những tấm biển không chỉ thể hiện trên những thể chữ (đa phần là chữ Hán), mà nó còn được biểu hiện trên chất liệu, được thấy qua kỹ thuật chế tác truyền thống. Rất nhiều tấm biển vẫn được làm từ gỗ. Gỗ phủ sơn, quét màu cánh dán hay để mộc khoe vân gỗ. Đã có những tấm biển như thế trên 200 năm tuổi. Có thể lý giải văn hóa bảng hiệu này từ truyền thống thương mại xứ Đàng Trong xưa. Từ hàng trăm năm trước, trên thương cảng Faifo đã tụ hội nhiều thương nhân người Việt, người Hoa, người Nhật, người Hà Lan, phố xá tấp nập, nghệ thuật biển hiệu vì thế cũng phong phú, thịnh đạt.
Nhưng truyền thống nếu không được phát huy, được tiếp nối thì sẽ nhanh chóng bị mai một. Ở đây xin được nói thêm về bàn tay vô hình của các nhà quản lý. Trong văn bản số 1253/ UBND của thành phố Hội An (năm 2015) đã quy định khá chi tiết về vị trí lắp đặt, chất liệu, màu sắc, kích thước của các bảng hiệu. Chẳng hạn với khu vực I, II A thì chất liệu: gỗ, mây tre, nứa; màu nền: đà, nâu; màu chữ: vàng, vàng đồng. Với khu vực II B và các khu vực khác, chất liệu khuyến khích sử dụng các chất liệu truyền thống gỗ, giả gỗ, mây tre hoặc có thể dùng các chất liệu khác như tôn, bạt hiflex, alu, mêca... Màu nền, chữ: Có thể dùng nhiều loại màu khác nhau nhưng không dùng màu đỏ làm nền. Trong văn bản này cũng khích lệ sự sáng tạo như: riêng về hình dáng biển hiệu có thể lựa chọn các kiểu dáng sao cho thẩm mỹ, phù hợp với từng địa, điểm kinh doanh.
Có rất nhiều ví dụ về ấn tượng biển hiệu ở Hội An. Nhưng tôi xin bắt đầu từ căn biệt thự du lịch trên đường Lê Thánh Tông. Đường Lê Thánh Tông không nằm trong khu vực phố cổ. Tòa biệt thự này cũng mới được xây. Chiểu theo quy định của thành phố Hội An, biệt thự Hiên Thượng này hoàn toàn có thể sử dụng hình thức tân kỳ như khác như tôn, bạt hiflex, alu, mêca…Nhưng cũng như rất nhiều biển hiệu ở Hội An, chủ nhân của tòa villa này đã chọn chất liệu và hoa văn truyền thống. Tấm biển xinh xắn, nền nã, treo dưới hiên nhà góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp trang nhã cho tòa biệt thự này.
Tiếp đến là những tấm biển phố, biển báo di tích, biển chỉ đường ở Hội An cũng mang vẻ cổ xưa. Đặc biệt là ở những khu phố cổ. Thật tâm đắc với những văn bản quy định của Hội An trong lĩnh vực này đã khuyến khích sự sáng tạo cho các nhà thiết kế, cho các nghệ nhân. Chúng tôi đã phải dừng lại bên tấm biển di tích đình An Mỹ. Tấm biển thực sự đậm chất mỹ thuật với tạo tác trên một phiến đá (cố tình phá bỏ sự vuông vức đơn điệu thường thấy ở tấm biển di tích). Chất Hội An không chỉ có tấm biển ở Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An mà ngay cả phòng bán vé tham quan làng gốm Thanh Hà, nhà đón tiếp khách và trưng bày sản phẩm mộc truyền thống Kim Bồng.
Biển hiệu biệt thự Hiên Thượng. Nguồn: Yên Thế
Hội An và tương lai của Hà Nội
Tôi không biết vì lý gì mà Thạch Lam, ngay từ thời đó đã cho rằng “nghệ thuật biển hàng” ở Hà Nội đã mất. Nhưng từ hàng phố trong văn chương của Thạch Lam, thơ ca của Nguyễn Đình Thi đến phố trong hội họa của Bùi Xuân Phái (mà ta vẫn quen gọi là phố Phái) quả thực rất khác. Phố phường Hà Nội của Thạch Lam, Nguyễn Đình Thi tấp nập, rộn ràng, kẻ bán người mua thì đến phố Phái lại đìu hiu tê tái, vắng lặng, buồn bã. Phố Phái là những phố Hàng đã chết. Hay đúng hơn chỉ còn xác phố, không còn thấy lô xô những biển hiệu, ngồn ngộn hàng hóa. Đó là phố phường thời chiến tranh, thời Bao cấp, mang những vết thương của công cuộc cải tạo tư sản. Và như thế, phải đến thời của Phái, nghệ thuật biển hàng ở Hà Nội mới coi như chết hẳn. Chỉ tới thời Mở cửa mới hồi sinh trở lại, nhưng biển hàng lại trở nên xô bồ, phô trương và hỗn tạp hơn, gây nên vấn nạn ô nhiễm thị giác đô thị.
Chính bài học thành công thiết kế cảnh quan đô thị Hội An giúp Hà Nội khu 36 phố phường tìm lại hướng đi cho mình. Nói như vậy, không có nghĩa là ở Hà Nội không có những biển hiệu đẹp. Nhớ Hội An, kỳ thực là nhớ về hồn cốt Hà Nội xa xưa, cứ đang vơi dần nhạt dần do chúng ta không có chiến lược xây dựng chiến lược xây dựng thương hiệu cho khu phố cổ của Hà Nội. Biển hiệu cũng là một phần thương hiệu. Đi dọc trên phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, ngước mắt nhìn các biển cửa hàng cửa hiệu, hầu như còn lại rất ít các biển hiệu sử dụng chất liệu và kỹ thuật cổ truyền. (duy nhất chỉ có tấm biển bằng gỗ của khách sạn Oriental Suites số 58 phố Hàng Đào Như được thiết kế tinh tế). Chúng ta biết, phố Hàng Đào, Hàng Ngang (trước là phố Hàng Lam) xưa chuyên bán hàng tơ lụa, nhiễu, đoạn, gấm sa…tức là một trong những tinh hoa bậc nhất của nghề thủ công, nhưng nhìn mỏi mắt vẫn không thấy tấm biển nào thực sự có cách sáng tạo trong thiết kế, công phu, kỹ lưỡng trong thể hiện. Chất liệu phổ biến là nhôm nhựa, kính sắt. Các tấm biển thường chạy dài suốt chiều mặt ngang của các cửa hàng. Và hầu hết treo mặt ngoài ban công chứ không treo dưới hiên như từng thấy ở Hà Nội trước đây và cách thường thấy ở Hội An hôm nay.
Tấm biển di tích đình An Mỹ. Nguồn: Yên Thế
Mấy cảm nghĩ thay cho lời kết
Câu chuyện Hội An một thành phố nhỏ bé mà tôi cảm thấy xúc động, không chỉ ở những tài khéo, tinh hoa của nghệ thuật biển hàng (chữ của Thạch Lam) mà ở chiều sâu văn hóa, sức sống của truyền thống lâu bền không bị làn sóng toàn cầu hóa cuốn trôi. Hội An nhắc cho Hà Nội đã từng rất thanh tao và lịch lãm, không nhôm nhựa lòe loét vô hồn nơi mặt phố. Sau những tấm biển hàng ở Hội An tôi như thấy những giọt mồ hôi, những tiếng đục tiếng cưa ở làng mộc Kim Bồng, tiếng búa ở làng kim hoàn Phước Kiều, làng đá Non nước, tiếng đập đất ở làng gốm Thanh Hà. Phía sau các phố Hàng ở Hà Nội cũng là cơ man những bàn tay tài hoa ở làng mộc Phú Xuyên, La Khê, làng đúc đồng Đại Bái, làng gốm Bát Trang, làng lụa Vạn Phúc, mây tre Chương Mỹ… Có ai cấm các biển phố hàng không được làm từ chất liệu đồng, gốm, mây tre, lụa là… Có ai cấm Hà Nội trở thành Hà Nội như nó đã từng có, đã từng say lòng các thương nhân ngoại quốc, các du khách bốn phương bởi di sản 36 phố phường.
Phố Hàng Đào hôm nay. Nguồn: Sưu tầm
T.H.Y.T