Sự phát triển của nghệ thuật sắp đặt trong điêu khắc Việt Nam (qua hai triển lãm toàn quốc năm 2003 và 2013)

Trong bối cảnh nghệ thuật đương đại, điêu khắc đã thay đổi rất nhiều về hình thức và chức năng nghệ thuật. Những thay đổi lớn về chất liệu, phương tiện, kỹ thuật thực hành nghệ thuật những năm gần đây ở Việt Nam đã đem lại cho điêu khắc một sức sống hoàn toàn mới, mang đậm tinh thần thời đại.

Trong bối cảnh nghệ thuật đương đại, điêu khắc đã thay đổi rất nhiều về hình thức và chức năng nghệ thuật. Những thay đổi lớn về chất liệu, phương tiện, kỹ thuật thực hành nghệ thuật những năm gần đây ở Việt Nam đã đem lại cho điêu khắc một sức sống hoàn toàn mới, mang đậm tinh thần thời đại.

Các đặc điểm của nghệ thuật đương đại đều được tìm thấy trong thực hành điêu khắc của các nghệ sỹ Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt chúng biểu hiện rõ nét trong khoảng thời gian giữa hai kỳ triển lãm điêu khắc toàn quốc, từ năm 2003 đến năm 2013. Nếu như trước đây, khi nói đến điêu khắc, chúng ta đều hình dung tới loại nghệ thuật hình khối được biểu hiện dưới hai dạng tượng tròn và phù điêu với các chất liệu phổ biến như gỗ, đá, xi măng, đồng, nhôm. Ngày nay, những hình dung đó đã và đang bị thách thức bởi các điều kiện và khả năng sáng tạo mới trong sáng tác điêu khắc. Bằng các chất liệu và hình thức mới, điêu khắc ngày nay có thể chuyển tải, phản ánh các khía cạnh khác nhau của đời sống một cách rất đa dạng và phong phú, trực tiếp và mạnh mẽ qua nhiều phong cách, phương thức biểu đạt khác nhau. Bên cạnh đó, điêu khắc không chỉ được chiêm ngưỡng ở dạng một tác phẩm độc lập. Nó đã trở nên một thực thể đa thành phần có tác động thị giác và cảm xúc rõ rệt qua tương tác với môi trường xung quanh và với người xem dưới nhiều biểu hiện khác nhau của hình thức sắp đặt trong nhà hay ngoài trời. Khi kết hợp với môi trường xung quanh và với các yếu tố khác (âm thanh, ánh sáng), tổ hợp hình khối bằng một hay nhiều chất liệu đã có một đời sống khác, đa dạng và đa nghĩa, có thể kể câu chuyện rộng hơn, sinh động hơn, phức tạp hơn. 

 

slide0015_image053

 

Văn Thư, Nhà tù, 2012

 

Trong mười năm từ 2003 đến 2013, điêu khắc Việt Nam có những bước tiến quan trọng và đột phá về hình thức cũng như vai trò nghệ thuật. Một thập niên giữa hai kỳ triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ 4 và lần thứ 5 cho thấy điêu khắc Việt Nam đã tạo cho mình những giá trị mới thông qua sự đa dạng và phong phú về phương thức biểu đạt, qua những tìm tòi, khám phá mới về chất liệu và hình thức trưng bày, qua tần suất tích cực và hiệu quả của các mô hình hoạt động khác nhau. Toàn bộ quá trình phát triển của điêu khắc 10 năm qua đã để lại nhiều dấu ấn trong tiến trình hội nhập của mỹ thuật Việt Nam với khu vực và thế giới. Những kết quả ấy, theo tôi, chính là sự biểu hiện rõ nét của sự phát triển ngày một sâu rộng các yếu tố và hình thức của nghệ thuật đương đại trong thực hành điêu khắc. Với giới hạn của mình, bài viết này sẽ tập trung đề cập đến sự phát triển các yếu tố, đặc điểm về hình thức của nghệ thuật sắp đặt – một dạng nổi bật của thực hành nghệ thuật đương đại, trong điêu khắc Việt Nam 10 năm trở lại đây thông qua xem xét trường hợp hai kỳ Triển lãm Điêu khắc Toàn quốc.
Vựng tập Triển lãm Điêu khắc Toàn quốc (TLĐKTQ) năm 2003, một tư liệu ghi nhận chính thống, tôi cho rằng chỉ có hai tác phẩm mang tinh thần của nghệ thuật sắp đặt có mặt tại triển lãm này. Đó là Đất và Nước, chất liệu tổng hợp, của Vương Văn Thạo (Hà Nội) và tác phẩm Lời của biển, thép, đá, của Phạm Ngọc Lâm (Hải Phòng). Trong hai trường hợp này, tác phẩm của Vương Văn Thạo mang đầy đủ các tính chất của một sắp đặt với thành phần: túi nilon chứa nước và bóng đèn điện màu đỏ treo rủ xuống từ phía trần nhà, tập hợp chữ cái màu trắng sắp xếp theo hình xoáy chôn ốc trên lớp đất khô trải trên mặt đất. Với việc chiếm lĩnh không gian mỗi chiều 3 mét, tác phẩm này không những hàm chứa tính kết hợp, tương tác rõ nét giữa các đối tượng vật thể và không gian xung quanh để tạo thông điệp nội dung mà đồng thời còn mời gọi người xem tương tác. Tác phẩm của Phạm Ngọc Lâm chỉ chiếm không gian theo chiều dài và rộng là chính, không gian chiều sâu ở đây khá mỏng. Có thể nói đây là một tác phẩm điêu khắc có yếu tố sắp đặt. Sự liên kết giữa các hình xương cá do các vật thể có sẵn (thìa, dĩa, muỗng và dụng cụ nấu ăn bằng inox) tạo nên và những thành phần khác nhau như: mảnh vỡ của lọ sành, đá cuội, cục vỏ sò vôi hóa, trong một khung thép không gỉ đang kể câu chuyện vừa buồn, vừa chua sót về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Qua hai trường hợp trên, chúng ta thấy bản thân mỗi tác phẩm đều có nội dung phản biện các vấn đề xã hội – một trong những tính chất điển hình của nghệ thuật đương đại. Một mặt, hai tác phẩm vừa nêu cho thấy sự có mặt dè dặt của điêu khắc đương đại ở sự kiện này. Mặt khác, chúng chứng minh sự xâm nhập của nghệ thuật sắp đặt vào điêu khắc Việt Nam đã bắt đầu, qua đó phản ánh sự giao thoa gianh giới giữa hai loại hình, thậm chí cả việc chấp nhận sắp đặt trong triển lãm điêu khắc.

 

 

slide0006_image025

Vương Văn Thạo, Đất và Nước, tổng hợp, 2003

 

Đến TLĐKTQ năm 2013, sự có mặt của các tác phẩm điêu khắc mang yếu tố sắp đặt đã nhiều hơn đáng kể. Tuy nhiên, những tác phẩm mang đậm tính chất của nghệ thuật sắp đặt như Đất và Nước của Vương Văn Thạo lại thiếu vắng. Tại TLĐKTQ 2013 có 10 tác phẩm hàm chứa yếu tố sắp đặt hoặc có thể gọi là sắp đặt điêu khắc như: Tuổi thơ, 2013, gỗ, đất, thủy tinh, của Hà Mạnh Chiến; Những con chim, 2012, nhôm, gỗ, tre, của Thái Nhật Minh; Ngóng III, 2010, silicon, tre, chiếu cói, màn, vải…và Ươm mầm, 2013, composite, tre, chiếu cói, vải, của Trần Văn Thức; Vô đề, 2013, dây sợi, gỗ, của Nguyễn Duy Mạnh; Làng trong phố, 2009, composite, của Vương văn Thạo; Thế…, gỗ sơn, sợi, nhựa, ánh sáng màu, của Đỗ Quốc Vỵ; Chuyện quê, 2013, gỗ sơn, sắt, của Kù Kao Khải; Cây cầu vồng, 2013, gỗ, sắt, của Nguyễn Ngọc Lâm và Nhà tù, 2012, gốm, của Văn Thư. Trong số kể trên, các tác phẩm của Trần Văn Thức, Hà Mạnh Chiến, Vương Văn Thạo, Thái Nhật Minh có tiếng nói của nghệ thuật sắp đặt mạnh mẽ hơn cả. Ở đó các thành phần của tác phẩm được kết hợp trong không gian mang tính tương tác khá cao. Những điêu khắc của Trần Văn Thức luôn kéo người xem lại gần, thậm chí như mời ngồi cạnh đối tượng chính của tác phẩm trong Ngóng III. Còn Ươm mầm đã khai thác được yếu tố tương tác giữa tác phẩm với môi trường xung quanh. Ở đây, gió trời đã trở thành yếu tố tạo nên sự hoàn chỉnh cho tác phẩm, nó tạo ra những nhịp sóng luôn thay đổi của tấm vải che phía trên các khối điêu khắc. Như vậy, gió đã trở thành một phần của tác phẩm và làm rõ hơn ý tưởng nội dung của nó. Trong Những con chim của Thái Nhật Minh, ba khối giàn tre với hơn 100 hình thù những con chim vừa thực, vừa khái quát, trừu tượng có thể thay đổi vị trí, xoay hướng được rõ ràng mang tính tương tác cao. Hơn nữa, giữa các khối đó là không gian để người xem có thể đi lại, xem và liên hệ các hình thể với nhau, thông qua đó câu chuyện của những chú chim được lắng nghe kỹ hơn. Điều này cũng góp phần nâng cao tính tương tác và làm rõ thông điệp của tác phẩm. Với tác phẩm của Vương Văn Thạo, không gian trở nên khá quan trọng, đóng vai trò như chất kết nối giữa các khối hình và giữa chúng với người xem. Trường hợp cụm tác phẩm Vô đề của Nguyễn Duy Mạnh, ngoài cái mới về chất liệu, chúng ta còn thấy ở đó một trong những đặc tính quan trọng của nghệ thuật sắp đặt: gắn với không gian xác định. Với hình thức như một mạng nhện, Vô đề 1 của Duy Mạnh chỉ nói hết được tiếng nói của mình khi được bố trí trong không gian giới hạn bởi ba mặt phẳng giao nhau (cụ thể ở đây là trần nhà góc hành lang). Nó hoàn toàn mất giá trị khi bị treo dàn trải trên một mặt phẳng (như ảnh trong vựng tập). Người viết bài tin chắc rằng, về mặt logic, Vô đề 1 và Vô đề 2 chỉ là một tác phẩm, bởi chỉ có như vậy thì thông điệp của tác giả mới có thể hiểu và cảm nhận được. Ngoài các tác phẩm vừa đề cập, đa phần các tác phẩm còn lại phản ánh sự ảnh hưởng của nghệ thuật sắp đặt tới việc kết cấu và trình bày điêu khắc, ở đó tổ hợp các hình thể độc lập được liên kết với nhau để tạo nên một chỉnh thể mang ý nghĩa và chỉ có thể được thưởng thức từ bên ngoài, người xem không thể xâm nhập vào không gian bên trong của chúng. 

 

khai ku kao - chuyen que - ninh binh - k8b

 Kù Kao Khải, Chuyện quê, gỗ+sắt, 2013

 

Qua một số thống kê và phân tích ở trên, chúng ta phần nào thấy được sự phát triển của nghệ thuật sắp đặt trong điêu khắc Việt Nam từ TLĐKTQ 2003 đến TLĐKTQ 2013. Theo tôi, đó là thành công, là cái mới khá quan trọng tạo nên diện mạo đương đại cho điêu khắc nước ta. Tuy nhiên, số lượng các tác phẩm mang yếu tố sắp đặt hay sắp đặt điêu khắc tham gia hai kỳ triển lãm là rất ít so với thực tế. Số lượng đó không thể phản ánh đúng mức toàn bộ diễn trình phát triển của nghệ thuật sắp đặt trong thực hành điêu khắc 10 năm qua với khá nhiều hoạt động triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm và các sự kiện, dự án nghệ thuật đương đại trên cả nước. Qua 10 năm giữa hai kỳ TLĐKTQ, có thể nói mối quan hệ giữa nghệ thuật điêu khắc và sắp đặt đã đặt ra một số vấn đề như: khái niệm sắp đặt điêu khắc ở Việt Nam là gì, điêu khắc và sắp đặt có gì giống nhau, khác nhau về quan niệm và hình thức, liệu đưa các tác phẩm sắp đặt vào triển lãm điêu khắc có phải là vấn đề... Để làm sáng tỏ các khía cạnh trên cần nhiều hơn nữa những bàn luận học thuật và cần xem xét chúng trong bối cảnh quan niệm nghệ thuật quốc tế. Việc làm rõ các vấn đề ấy đến đâu thì đều có lợi cho sự phát triển của nghệ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng, đặc biệt là đối với công tác quản lý, tổ chức triển lãm có quy mô lớn, trong đó có việc xác định nội hàm triển lãm. 

Các tác phẩm kể trên được xem xét từ góc độ nghệ thuật điêu khắc và từ một số đặc tính của nghệ thuật sắp đặt như tính tương tác, tính gắn kết với không gian trưng bày (site-specific) - tính chất có mối tương đồng nhất định với điêu khắc. Giới nghiên cứu nghệ thuật trên thế giới cho rằng, nghệ thuật sắp đặt xuất thân từ điêu khắc và được hình thành trên nguyên tắc lắp ghép, xếp đặt và chuyển đổi, liên kết và chia tách, sử dụng các đối tượng và trưng bày chúng như một thể thống nhất tạo hiệu quả ý nghĩa. Nghệ thuật sắp đặt cùng lúc vừa bao trùm, vừa chống lại và dung hòa các định nghĩa một cách lạ thường. Nó là dạng mở nhất trong toàn bộ các dạng thực hành nghệ thuật đương đại, thậm chí có thể làm thay đổi các trật tự đã định hình.
Nhìn lại 10 năm phát triển của nghệ thuật điêu khắc qua trường hợp hai TLĐKTQ 2003 và 2013, rõ ràng sự tham gia, ảnh hưởng của nghệ thuật sắp đặt vào loại hình này là khá rõ, thể hiện là thành quả đáng kể nhất. Thành quả ấy phản ánh xu hướng phát triển chung của nghệ thuật đương đại là phá bỏ các ranh giới loại hình, thể loại, làm cho nghệ thuật trở nên đa dạng, đa nghĩa, phản ánh sâu sắc hơn mọi mặt của đời sống.

N.N.P

(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 4/2014)

SEMOGA SUKSES OKE TA