Tinh thần gắn kết cộng đồng trên chạm khắc kiến trúc đình làng
Giai đoạn thế kỷ XVII - XVIII, tập trung vào nửa đầu thế kỷ XVII, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ở Đàng ngoài có hai phong trào kiến thiết xây dựng đáng chú ý. Giới quý tộc, quan lại nhà Lê - Trịnh đua nhau tôn sùng đạo Phật, bỏ tiền của xây dựng nhiều chùa tháp. Như Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc vợ vua Lê Thần Tông đã rời bỏ cung thất về tu hành tại chùa Bút Tháp (Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh). Bà cùng con gái là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên (Diệu Tuệ) bỏ tiền của, ruộng lộc ra công đức để xây lại ngôi chùa, đến năm 1647, chùa mới được làm xong. Đầu thế kỷ XVII, Bà Nguyễn Thị Ngọc Dệu vợ Thanh đô Vương Trịnh Tráng (1623 - 1657) đã bỏ tiền xây dựng lại chùa Mía (Đường Lâm, Bà Vì, Hà Nội). Cùng vào thế kỷ XVII, Dĩnh quận công cùng nhiều phụ nữ trong hoàng tộc bỏ tiền trùng tu chùa Thày (Quốc Oai, Hà Nội) hiện trong chùa còn lưu lại nhiều bia hậu Phật niên đại 1652, 1673, 1683, 1684 khắc họa chân dung các bà hoàng có công xây dựng chùa Thày.
Đi săn, trang trí kiến trúc đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Nhưng với kiến trúc đình làng, chủ yếu nửa cuối thế kỷ XVII hầu như do sự đóng góp công sức, tiền của của các thành viên trong cộng đồng làng xã để làm nơi tổ chức sinh hoạt tinh thần chung cho cả cộng đồng, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.
Đình làng có công năng chủ yếu là ngôi nhà chung của cộng đồng, là nơi gắn kết tất cả mọi người trong trong làng với nhau. Vì vậy, kiến trúc đình làng đã có một số đặc điểm đáp ứng được công năng của nó, như không gian kiến trúc mở, phát triển theo chiều ngang tạo sự thân thiện gần gũi, dễ hòa nhập. Để đáp ứng công năng sử dụng, các nghệ sỹ điêu khắc xưa đã linh hoạt trong hình thức trang trí kiến trúc, họ biết cách lồng ghép hình ảnh rồng, mây, muông thú với hình ảnh con người, hoặc sử dụng đề tài và cách tạo hình trong trang trí. Trong đó rồng là một linh vật mang yếu tố huyền thoại, đã tạo nên sức sống và tinh thần chung cho cả cộng đồng, mà trên chạm khắc đình làng rồng luôn là hình ảnh gắn liền với con người, tạo nên mối quan hệ bền chặt.
Trên kiến trúc, các mảng chạm khắc trang trí hầu như chỗ nào cũng sử dụng hình ảnh của rồng, mây… Rồng xuất hiện thành ổ, rồng chầu mặt trời, rồng quấn quýt với muông thú… Rồng đã được dân gian hóa, chứa đựng tín ngưỡng của văn minh nông nghiệp. Ý nghĩa về rồng được mở rộng, vì vậy người ta đã không ngại ngùng khi đặt con người bình dân cùng với hình rồng, bất kỳ mảng chạm khắc nào cũng có hình ảnh rồng được lồng ghép với con người như rồng với các tiên nữ, rồng với đấu vật, đánh cờ, đi săn, uống rượu, rồng với ca hát, lễ hội, thậm chí rồng còn xuất hiện trong cả cảnh trai gái vui đùa, tình tự… Tính chất cao sang của rồng đã được dân dã, nhưng vẫn tạo ra sự linh thiêng, chứa đựng trong nó các quan niệm tín ngưỡng dân gian. Rồng trong chạm khắc trang trí kiến trúc đình làng giai đoạn này trở thành “chứng nhân” song hành cùng với con người, nó hết sức thánh thiện và gần gũi với người lao động.
Chèo thuyền, trang trí kiến trúc đình Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc
Bắt hổ, trang trí kiến trúc đình Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc
Dù chỉ là bé nhỏ trên mảng chạm khắc ngồn ngộn những rồng mây thì hình ảnh con người luôn là điểm nhấn giá trị tạo sự cân bằng giữa thế giới siêu nhiên và dân dã. Nếu các mảng chạm thuần hình ảnh rồng, thú, mây lửa thì không gian đình làng sẽ khô khan, thế giới Thần và Nhân (thần thánh và con người) sẽ tách rời, nhưng sự xuất hiện con người trong mảng chạm nó đã làm cho đình làng trở nên gần gũi, thế giới Thần và Nhân được xích lại gần nhau. Điều này khác hẳn với một số ngôi đình XIX chạm khắc trang trí kiến trúc không có hình ảnh con người, phần nào đã tạo ra khoảng cách nhất định giữa con người với thần linh.
Tiên cưỡi rồng, trang trí đình Thổ Hà, Việt Yên, Bắc Giang
Tiên nữ cưỡi rồng, trang trí kiến trúc đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Đình làng là công trình của cộng đồng làng xã, do vậy trên trang trí kiến trúc người “nghệ sỹ” đã chạm khắc các đề tài gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân lao động, bỏ qua các phép tắc lễ giáo, ít thấy sử dụng đề tài mang tính giáo lý cực đoan. Bước vào không gian kiến trúc, người ta dễ thích thú với những hoạt cảnh vui nhộn, hóm hỉnh như cảnh cánh đàn ông trêu ghẹo phụ nữ, cảnh đi săn, cảnh uống rượu… Các mảng chạm khắc trang trí đình làng đã khiến người ta như được hòa mình trong các hoạt cảnh. Bởi các đề tài trang trí có nội dung gần gũi đời sống hàng ngày, không qua xa lạ với mỗi người. Như vậy đã tạo ra sự tương tác giữa con người - kiến trúc - cộng đồng, tạo ra mối liên kết gắn bó giữa các thành viên của cộng đồng làng xã.
Đá cầu, trang trí kiến trúc đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Nam nữ tình tự, trang trí đình Phù Lão, Lạng Giang, Bắc Giang
Con người được chạm khắc trên kiến trúc có hình thức thể hiện đơn giản, đại lược, phóng túng nhưng rất “thô mộc” phù hợp với tâm lý và thẩm mỹ của người Việt. Các nhân vật lược bỏ các chi tiết rườm rà, chú trọng đến các đặc điểm động tác làm nổi bật câu chuyện. Dường như con người trên chạm khắc chỉ mang tinh thần chung của cả cộng đồng chứ không phải là con người có tính cách cụ thể. Vì vậy, có thể cảm nhận được trên khuôn mặt của các nhân vật, đặc biệt là các mảng chạm khuôn mặt con người thiếu vắng đôi mắt. Đặc điểm con người trên chạm khắc đình làng thiếu mắt, đã tạo ra sự khái quát chung về tính cách cộng đồng chứ không chú ý lột tả cá tính, tính cách của một con người cụ thể nào. Con người cụ thể, tính cách cụ thể, tâm hồn cụ thể thông qua ánh mắt của nhân vật dường như đã bị triệt tiêu trong chạm khắc đình làng, chỉ còn lại tinh thần của cả cộng đồng. Điều này cũng phù hợp với thời kỳ phong kiến luôn ý thức đề cao vai trò cộng đồng hơn là đề cao vai trò cá nhân.
N.Đ.B (số Xuân 2019, tháng 1+2/2019)