Tượng Di Lặc thời Lý, nhìn từ Phật viện Đồng Dương Cham Pa
Trong bài viết Một hình dung về tượng Phật Di Lặc thời Lý qua tư liệu văn hiến và nghệ thuật Phật giáo thời Lý tham gia Hội thảo khoa học quốc tế nghệ thuật và văn hóa thời Lý ở Việt Nam (2017), tôi có đưa giả thuyết cho rằng pho tượng đá chùa Phật Tích hiện nay chính là đức Phật Di Lặc. Ngoài dạng thức trên, liệu đức Phật Di Lặc còn có hình thức nào khác. Vì hiện nay, ở các ngôi chùa Việt đang lan truyền với tốc độ chóng mặt hình tượng hình tượng Di Lặc Bố Đại hòa thượng thời Tống (TQ). Trong bài viết này, chúng tôi có một tiếp cận nghiên cứu khu vực để có thể hình dung chính xác hơn về những pho tượng Di Lặc kích thước lớn thời Lý, Trần.
Phật viện Đồng Dương trong trưng bày của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nguồn: Trần Trung Hiếu
Khái quát về đức Phật Di Lặc
Phật Di Lặc, trong tiếng Phạn được gọi là Maitreya, tiếng Pali là Metteya. Về danh xưng của ngài theo sách Dictionary of Pali Proper names (Từ điển chuyên về tên gọi trong tiếng Pali) có một số lưu ý, Ajita là tự danh của đức Phật Metteya trong lần sinh cuối cùng ở cõi Đâu suất. Ajita được phiên âm thành阿逸多(A Dật Đa). Metteya có nguồn gốc từ chữ maitrĩ trong tiếng Sanskrit có nghĩa là tình thương nên khi dịch sang tiếng Hán có tên là 慈氏 (Từ Thị). Theo kinh điển Pali Mahãvastu trong Trong lần sinh cuối cùng, ngài là một thái tử dòng dõi Bà la môn - đẳng cấp của tăng lư và học giả. Tương truyền ngài có lòng từ bi với sinh linh vạn vật nên ăn chay từ trong bụng mẹ. Phật Từ Thị sẽ là hiện thân của Trí tuệ và Tình thương.
Trong thế giới đồ sộ của nghệ thuật Phật giáo, hình tượng đức Di Lặc có lẽ kỳ vĩ nhất và có nhiều dạng thức, phong cách tạo hình. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi, mùa xuân năm 1041, sau khi vua đến Phật viện Từ Thị ở núi Tiên Du về cho xuất 7.560 cân đồng trong kho để đúc tượng phật Di Lặc. Trong những pho tượng Phật lớn nhất thời Lý Trần thì pho tượng đồng do thiền Nguyễn Minh Không đúc ở chùa Quỳnh Lâm là một trong những tứ đại khí. Bức tượng Di Lặc này có thể đã bị giặc Nguyên Mông hủy hoại. Sang đến thời Trần, ngài Pháp Loa cho đúc lại pho tượng này. Pho tượng này sang đến thế kỷ XV thì lại bị quân xâm lược nhà Minh cướp về Nam Kinh. Qua văn bia thời Lý, chúng ta cũng biết ở chùa Sùng Thiện Diên Linh, Minh Tịnh (Thanh Hóa) cũng có tượng Di Lặc ngồi trên nghê tòa. Tượng nay không còn, đó là những tổn thất văn hóa to lớn.
Bản nét tượng Di Lặc ở Phật viện Đồng Dương, nguồn: tác giả
Tượng Di Lặc ở chùa Phật Tích, nguồn: sưu tầm
Ở Trung Hoa, chỉ đến thời Tống, mới bắt đầu phổ biến hình ảnh “Di Lặc béo” hay cũng gọi là ông Phật cười. Thực ra đây là hình ảnh của hòa thượng Khiết Thử sống vào cuối đời Đường, đầu đời Ngũ Đại, ở Phụng Hóa tỉnh Triết Giang. Vị hòa thượng này có danh xưng Bố Đại vì tương truyền hay mang một cái túi vải bố theo người, vân du nay đây mai đó. Tương truyền trước khi viên tịch để lại một bài kệ cho biết mình chính là hiện thân của Di Lặc. Hình ảnh sớm nhất là bức phù điêu chạm trên vách núi chùa Linh Ẩn Tự tại Hàng Châu, Triết Giang, thế kỷ XI. Hình ảnh Di Lặc Di Lặc Khiết Thử - Bố Đại hòa thượng này là một sản phẩm rất đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa. Hình ảnh Di Lặc mang kiểu thức Trung Hoa này hoàn toàn trái ngược với truyền thống tiếu tượng của đức Phật Metteya. Những điểm trái ngược đó thể hiện qua bảng so sánh (1)
Bảng so sánh (1)
Thực ra Di Lặc trong quá trình phát triển hình tướng của mình trong hàng nghìn năm có rất nhiều kiểu thức, có đứng, có ngồi, khi để đầu trần, khi đội vương miện. Trang phục của Di Lặc có lúc hết sức quyền quý sang trọng với nhiều chuỗi ngọc đeo trên người nhưng có khi lại hết sức đơn giản. Có thể nói việc sáng tạo ra đức Di Lặc Bố đại hòa thượng là một sáng tạo của Phật giáo Trung Hoa, nhưng nó đi ngược lại biểu tướng căn bản của Di Lặc, đức Đại Trí và Đại Bi của Phật giáo Ấn Độ và Trung Á.
Biểu tướng Di Lặc từ cái nhìn khu vực học
Trong kho tàng nghệ thuật Chăm Pa, pho tượng bồ tát ở Phật viện Đồng Dương hiện còn một pho tượng bồ tát được tạc bằng đá sa thạch. Cho đến nay, đây cũng là pho tượng tròn lớn nhất hiện còn ở Đồng Dương, tượng cao 158cm. Trong các nghiên cứu trước đây, một số học giả định danh là bồ tát, hiện theo chú thích của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng thì etiket chú thích là tượng bồ tát. Tuy vậy trong sách Điêu khắc Chàm của Viện Đông Nam Á (1988) trang 58 xác định danh xưng của pho này là đức Phật. Nếu tiếp cận theo phương pháp loại hình, đối chiếu pho tượng Chăm kể trên với loại hình tượng Di Lặc, chúng ta dễ dàng nhận ra đây là pho Di Lặc chứ không phải là một vị bồ tát nào khác. Hình thức bồ tát ngồi trên ghế chân buông thõng xuống mà không phải là tư thế liên hoa tọa ngụ ý rằng ngài đang ở lại cõi ta bà để cứu độ chúng sinh. Tượng thể hiện ngài với dung mạo quý tộc nhưng được tạo tác hết sức khúc triết, giản lược, mạch lạc toát ra phẩm chất quý phái và một uy lực mạnh mẽ.
Tượng Bố Đại hòa thượng (1486) Bảo tàng British, nguồn: Mike Peel (www.mikepeel.net).
Mặc dù, không biết pho Di Lặc (mà tôi phỏng đoán) ở Phật viện Đồng Dương có ảnh hưởng nào tới những pho tượng cùng loại ở Đại Việt không? Chúng ta cũng không rõ tượng Phật Di Lặc ở Giao Châu có ảnh hưởng gì tới Phật giáo Chăm Pa. Nhưng với sự hiện diện của thiền sư Thảo Đường đầu thời Lý đi từ Chăm Pa sang thì pho Di Lặc mà thiền sư Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không rất có thể có ít nhiều sự tương đồng.
Với nguồn gốc xuất thân như vậy nên về hình thức tiếu tượng của Phật Di Lặc luôn được mô tả với tướng mạo hết mực cao sang, quyền quý. Dung nhan vô cùng anh tuấn, trẻ trung. Như đã nói ở trên, tượng Di Lặc phổ biến trong nhiều nền văn hóa Nam Á và Đông Nam Á. Ngài được thờ phụng trong cả Phật giáo Đại Thừa và Tôn thờ. Trong kho tàng nghệ thuật Phật giáo Thái Lan, Myanmar, Khmer, Indonesia chúng ta đều thấy rất hiều hình tướng hoàn toàn khác với hình dung một ông lão bụng to đầu hói như kiểu thức Di Lặc Bố đại hòa thượng rất phổ biến hiện nay. Ví dụ như pho tượng Di Lặc được tìm thấy ở phía đông Thái Lan, cao nguyên Khorat (vương quốc Chanasa), thế kỷ VIII-IX. Bồ tát Di Lặc có dáng vẻ những người khổ hạnh trẻ trung, mảnh khảnh chân tay, mặc quần áo đơn giản, toát ra niềm vui an lạc, niềm vui của sự cảm thông và bình đẳng. Nhưng dù bình dị tới đâu thì những yếu tố siêu phàm thể hiện trên bốn cánh tay và phẩm cách cao quý được thể hiện ở những búi tóc được sắp xếp công phu cũng không thể thiếu được.
Tượng Di Lặc ngồi thế kỷ thứ II, Gandhara, hiện vật Bảo tàng Indian Museum ở Kolkata, nguồn: sưu tầm
Theo Thiền Uyển tập anh, sư Không Lộ đã cùng với Giác Hải tìm đường qua nước Kim Xỉ (Miến Điện) để tầm sư học đạo. Vậy có thể suy đoán rằng, biểu tướng đức Di Lặc kiểu Miến Điện đương thời chắc chắn có ảnh hưởng tới tượng Di Lặc Đại Việt. Bảo tàng Metropolitan museum of art (Hoa Kỳ) hiện có sưu tập một pho tượng Phật Di Lặc thời kỳ Pagan thế kỷ 11-12. Pho tượng này có tư thế khá giống với pho tượng phổ biến trong tín ngưỡng Di Lặc thời Tùy Đường ở Trung Hoa. Ở Trung Quốc, Phật Di Lặc được sùng bái cực thịnh từ thời Bắc Ngụy cho tới thời Đường với hình tướng quý phái, cao sang của một bồ tát tuấn tú đang trầm tư. Dáng vẻ ngài đã mang nhiều nét nữ tính ( tượng trưng cho sự nhân từ), đầu có nhục kháo, vận lối Tào y (áo ướt), chân ngồi bắt chéo hoặc vắt chân chữ ngũ. Mẫu tượng Di Lặc trầm tư trong tư thế liên hoa tọa (Padma- sana) phổ biến khắp vùng Đông Bắc Á bao gồm Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản. Kiểu thức này đã xuất hiện trong nghệ thuật Phật giáo phong cách Gandhara vào thế kỷ thứ 2-3. Đây là phong cách chủ đạo của Di Lặc thời Tùy Đường, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo Ấn Độ và Trung Á.
Qua sách Toàn thư, chúng ta cũng biết, pho Di Lặc mà thiền sư Pháp Loa đúc là pho tượng ngồi. Loại tượng Di Lặc khổng lồ dạng ngồi rất nổi tiếng trên thế giới là pho Di Lặc Lăng Vân Đại Phật ở Tứ Xuyên. Tượng cao 71m, đầu cao 59,98m, vai rộng 28cm. Trung Quốc cũng còn lập một kỷ lục khác nữa về pho Đại Phật Di Lặc ở chùa Bình Linh, huyện Vĩnh Tĩnh, châu tự trị Lâm Hạ thuộc tỉnh Cam Túc. Pho Di Lặc này cao 27m cũng có tư thế ngồi đặt hai tay lên đùi, chân buông thẳng xuống. Mặc dù không nổi tiếng bằng pho Đại Phật Di Lặc ở Tứ Xuyên, pho Đại Phật Di Lặc ở Bình Linh được cho là sớm hơn. Pho Đại Phật Di Lặc ở núi Tu Di thành phố Tuyền Châu, khu tự trị Ninh Hạ cũng là pho tượng ngồi giống như các pho Di Lặc kể trên, tuy có thấp hơn một chút, cao khoảng 20m.
Tượng Phật Di Lặc thời kỳ Pagan thế kỷ 11-12 thuộc sưu tập của Bảo tàng Metropolitan museum of art (Hoa Kỳ) Nguồn: sưu tầm
Theo những tư liệu lịch sử ghi lại, trong nền văn hóa Phật giáo, những pho tượng Phật khổng lồ được làm từ thế kỷ thứ IV đến XI trên thế giới, tượng Di Lặc chiếm vị trí số 1. Không chỉ ở Đại Việt, mà ở Trung Hoa, Afghanistan, những pho tượng Di Lặc khổng lồ vẫn tồn tại đến nay. Tư thế tượng Phật đặt hai tay lên đùi, chân buông thẳng là tư thế của Bồ Tát hơn là tư thế của một đức Phật. Đó là tư thế vững chãi nhất, là tư thế thích hợp nhất để làm các pho tượng khổng lồ. Đó cũng là tư thế mà ta đã thấy ở pho tượng Bồ Tát ở Phật viện Đồng Dương.
Tạm kết
Năm xưa, khi Dương Không Lộ cùng Giác Hải sang nước Kim Xỉ (tức Miến Điện ngày nay) để tìm đường sáng nước Thiên Trúc (Ấn Độ), thì ngày nay, các nhà khoa học Trung Quốc và phương Tây cũng đã khẳng định có một con đường đi từ Vân Nam, tới Đại Lý thì chia thành hai nhánh, đi về phía Tây qua Myitkyina của Miến Điện để đến Bangladesh rồi tới Calcutta của Ấn Độ. Từ Đại Lý, một nhánh đi ngược lên Lijiang đi men ngược chân núi Hymalya để tới Lhasa (Tây Tạng), đi tiếp qua Bhuta để tới miền bắc Ấn Độ, Đó là con đường mang tên Tea Horse (Trà Mã). Và sự lan truyền Phật giáo cũng theo đó đi về phía Đông, đi xuống phương Nam. Nhìn Đại Việt trên tuyến giao thông con đường thương mai quốc tế phương Nam này, ta có thể chắc chắn rằng nghệ thuật Phật giáo thời Lý Trần có những ảnh hưởng từ Trung Ấ, Tây Tạng, Miến Điện là xác thực. Trong tương lai, khi phục dựng pho Đại Phật Di Lặc ở chùa Quỳnh Lâm, chúng ta có thể tham khảo tượng phong cách tượng Phật ở Đồng Dương hơn là chọn mẫu Bố Đại hòa thượng như đã làm ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), đỉnh núi Cấm (An Giang).
Pho Đại Phật Di Lặc ở núi Tu Di thành phố Tuyền Châu, khu tự trị Ninh Hạ, nguồn: sưu tầm
T.H.Y.T (số 7, tháng 7/2019)