VAI TRÒ CỦA PHÊ BÌNH NGHỆ THUẬT ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG
Mối quan hệ giữa đại thi hào Baudelaire với thị trường nghệ thuật
Charles Baudelaire, đại thi hào người Pháp, dù không nắm địa vị cụ thể nào trong thị trường nhưng vẫn là hình mẫu của một phê bình gia nghệ thuật cự phách. Cho tới trước thế kỷ XX, Baudelaire và tất nhiên, cả Denis Diderot một thế kỷ trước đó, đã thực sự là những nhà phê bình nghệ thuật có ảnh hưởng nhất. Không chỉ có những bài điểm báo sắc sảo trên các tạp chí văn học nghệ thuật, mà hơn thế, hò còn có những đóng góp lớn lao về mặt tri thức cùng tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với nghệ thuật thị giác, thơ ca, sân khấu, v.v… Diderot đã viết tác phẩm nổi tiếng Salons đăng trên tờ Thư tín Văn học (Correspondance Littéraire), do nhà bách khoa Melchior Grimm, bạn ông, làm chủ biên, có số lượng phát hành cực kỳ hạn chế, chính xác là 15 bản. Mười lăm độc giả, những người đặt tờ Thư tín Văn học thường xuyên, khi đọc Salons của Diderot là được ‘đọc’ những tác phẩm nghệ thuật mà họ hầu như không thể nhìn thấy, và do đó, có thể nảy ra ý định mua tác phẩm. Trong số những bạn đọc hạn chế khác của tờ Thư tín Văn học có Catherine Đại đế và những vương tôn quý tộc của nước Đức. Các bậc trí thức khai sáng của nhóm biên soạn Bách khoa toàn thư (Encyclopédie) có lẽ cũng đã được đọc những văn bản quý hiếm này. Thời điểm Diderot viết Salons (về các cuộc triển lãm tại Paris) cho Thư tín Văn học, hầu như đại đa số dân chúng đều còn mù chữ và hầu hết những người có thể đọc được thì lại không thích đọc những bài viết về hội họa và điêu điêu khắc, do đó, độc giả của mỹ thuật rất hạn chế.
Gustave Courbet, Studio của họa sỹ, 1854 - 1855, sơn dầu trên vải, 361x598 cm. Bảo tàng D’Orsay, Paris
Baudelaire [một thế kỷ sau đó] đã có lượng độc giả đông hơn nhiều khi ông công bố các bài viết về mỹ thuật trên báo hàng ngày hoặc đăng theo thể nhiều kỳ (feuilleton). Nhiều nhà phê bình khác cũng viết như ông, và nhiều người trong số họ đã tranh luận công khai về những bài ông viết giới thiệu các cuộc triển lãm. Theo ông, làm phê bình nghệ thuật là phải đam mê, phải có tính luận chiến và có cả yếu tố chính trị - hàm ý rằng ‘cần phải có lập trường khi làm phê bình nghệ thuật’. Đây là thời kỳ nước Pháp có nhiều cuộc cách mạng và đảo chính liên tục nổ ra, Các nhà phê bình lúc này cũng xông ra tuyến đầu cùng với các văn nghệ sỹ. Baudelaire là một trong những thủ lĩnh quan trọng nhất của phái Lãng mạn chống lại nghệ thuật Tân Cổ điển. Hình mẫu nghệ sỹ tiêu biểu được ông ngưỡng mộ là Eugène Delacroix; về sau, tên ông còn gắn liền với Chủ nghĩa Hiện thực của Gustave Courbet. Bài luận vô cùng nổi tiếng, “Họa sỹ của đời sống hiện đại”, của Baudelaire viết về Edouard Manet, người mà ông cũng có mối quan hệ khá gần gũi, nhưng thực ra lại giới thiệu về họa sỹ minh họa tài năng Constantin Guys. Bài luận này đã bác bỏ những trường phái hội họa salon bảo thủ, cứng nhắc. Ông đề nghị không nên có thêm những tấm thân trần truồng gượng ép và những nàng Vệ nữ được lý tưởng hóa, không nên có thêm những hình tượng Chúa bị đóng đinh câu rút hay những quang cảnh chết chóc - thể loại tranh lịch sử đã đi vào dĩ vãng. Thay vào đó, phải là chủ nghĩa anh hùng của đời sống hiện đại, là vẽ về phố xá Paris, hoặc các buổi hòa nhạc, về công nghiệp, về giải trí – tất thảy những gì đang diễn ra trong đời sống hiện đại.
Chân dung Charles Baudelaire ở mé phải tranh
Sự khởi đầu của lương tri phê bình nghệ thuật
Baudelaire không phải là người mở đường của phê bình nghệ thuật, nhưng ông là người đại diện tiêu biểu cho sự khởi đầu của cái lương tri của chúng ta về phê bình nghệ thuật. Thời cổ đại cũng từng có phê bình nghệ thuật. Pliny Già, trong một tác phẩm bàn về lịch sử nghệ thuật Hy Lạp, đã viết “Và thế là nghệ thuật khựng lại” (Deinde ars cessavit). Đó là đoạn ông đề cập đến nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp sau cái chết của Lysippus. Trong thời Phục Hưng, thi thoảng cũng xuất hiện những người làm phê bình nghệ thuật với các phong cách và thái độ khác nhau, song họ chung một đặc điểm: không bao giờ đả động tới công chúng. Phê bình nghệ thuật lúc đó là thứ gì đó trùng hợp với tính hiện đại, và ra đời cùng lúc với nhiếp ảnh - thứ khiến cho hội họa dường như mất đi vai trò truyền thống trong việc mô tả hiện thực, buộc phải đổi mới để tồn tại, dẫn tới sự xuất hiện của nghệ thuật avant-garde.
Clement Greenberg tại hội thảo Emma Lake Artist Workshop, 1962. ©University of Regina Archives & Special Collection
Tại sao Clement Greenberg quan trọng?
Vâng, có lẽ quan trọng nhất là ông đã ủng hộ và cổ vũ Jackson Pollock và trường phái New York. Ông đã xem cuộc triển lãm đầu tiên của Pollock tại phòng triển lãm Nghệ thuật của Thế kỷ do Peggy Guggenheim tổ chức, và ngay lập tức, chỉ trong một đoạn văn ngắn của một bài viết đánh giá về cuộc triển lãm tại phòng trưng bày của Guggenheim, Greeberg đã chỉ ra cái khác biệt độc nhất vô nhị của Pollock. Sau đó, ông đồng hành cùng Pollock trên mọi nẻo đường sự nghiệp, ví dụ như triển lãm Số Một (Number One ) tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại hay Nhịp Mùa Thu (Autumn Rhythm) ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Khi nghĩ về một bức tranh của Pollock, ta luôn nghĩ tới một thứ hội họa Pollock với những đặc tính độc đáo nhất. Chắc chắn Greenberg không phải là người phát hiện ra Pollock, mà Peggy Guggenheim hoặc trợ ký của bà, Howard Putzel, có lẽ mới xứng với danh hiệu này. Nhưng xét về mặt quảng bá và viết bài phê bình cho nghệ thuật của Pollock thì ông là nhà vô địch. Greenberg cũng là người có ảnh hưởng lớn tới rất nhiều nghệ sỹ. Ông đã viết một bài phê bình mang tính lịch sử về cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của Willem de Kooning năm 1948. (Về sau, ông không còn thích tranh của de Kooning nữa khi họa sỹ quay về với phong cách biểu hình).
Ảnh hưởng của Clement Greenberg đối với thị trường nghệ thuật
Ban đầu, không có thị trường cho nghệ thuật của Pollock và trường phái New York. Họ rất khó tiếp cận công chúng. Hầu như không có gallery nào sẵn sàng trưng bày tác phẩm của họ; còn những gallery trưng bày tranh của họ thì thường chỉ có vài chục khách xuất hiện tại các buổi khai trương. Tuy nhiên, Pollock cuối cùng đã trở thành một ngôi sao ngay trong thời của ông.
Greenberg chắc chắn đã gây dựng được những mối quan hệ nhất định với tất cả các bảo tàng quan trọng và các nhà sưu tập quan trọng, ví dụ như Rockefellers chẳng hạn. Họ sẵn sàng mua bất kỳ tác phẩm nào được ông phán là ‘đáng mua’.Ông cũng có ảnh hưởng đối với các bảo tàng Mỹ và các nghệ sỹ khác như Kenneth Nolands, Morris Louises, Anthony Caros, Helen Frankenthalers và một số người nữa - những người ông cũng luôn ủng hộ và cổ vũ. Các sưu tập gia quan trọng mua những tác phẩm được Greenberg đề cập tới bởi lẽ ông có một tiếng nói vô cùng uy lực mà cho tới nay vẫn chưa ai sánh được.
David Sylvester là ai?
David Sylvester là nhà phê bình nghệ thuật người Anh nổi bật của nửa sau TK XX. Ông chơi rất thân với Francis Bacon trong suốt một thời gian dài, và ông cũng là người cổ xúy cho Bacon mạnh mẽ nhất. Sylvester đã tiến hành một số cuộc phỏng vấn nổi tiếng với Bacon - những cuộc phỏng vấn có giá trị để đời, để hậu thế hiểu được Bacon và hội họa của ông. David cũng đóng một số vai trò nhất định trong việc tiếp tục phổ biến tác phẩm của Bacon. Là người ủng hộ Bacon hết lòng, ông luôn tìm kiếm những cơ hội mới để trưng bày các tác phẩm của Bacon cũng như để chứng minh Bacon là một nghệ sỹ vĩ đại và quan trọng không kém gì Picasso.
David Sylvester và Henry Moore tại Tate Gallery 1968. © Martine Franck / Magnum Photos
David Sylvester luôn tin rằng Bacon là một chủ đề thú vị, và niềm tin đó có thể đóng một vai trò nào đó đối với thị trường. Không hẳn nhờ có ông mà Bacon đã có những thành công về mặt thị trường, song rõ ràng khi Sylvester bắt đầu quen biết Bacon, Bacon vẫn chưa có thị trường và Sylvester cũng rất nghèo (hoặc cũng có thể Bacon đã có thị trường rồi, nhưng không phải làm giàu bằng bất kỳ giá nào?!). Ngay từ giai đoạn đầu trong sự nghiệp của Bacon, trước khi ông làm nên tên tuổi với bộ tranh “Ba bức khảo họa về những nhân vật dưới chân thập giá” vào giữa thập niên 1940, Sylvester đã chạy đôn chạy đáo khắp London để cố bán được tranh cho Bacon với giá 50 bảng một bức. Cảm động về sự tận tâm này, Bacon đã tặng ông một bức tranh. Nhiều năm sau, Khi David Sylvester hỏi: “Cậu có buồn không nếu tớ bán bức tranh này” Bacon đã trả lời: “Cậu cứ làm gì cậu muốn”, và thế là ông đã bán nó và thu được rất nhiều tiền. Ông cũng là bạn của de Kooning, và cũng có tranh của de Kooning, những ký họa có lời đề tặng của họa sỹ. Ông là người bênh vực số một cho nghệ thuật Biểu hiện Trừu tượng Hoa Kỳ, thường xuyên viết bài ca ngợi công khai trên tạp chí Sunday Times, trong lúc rất ít người ở Anh đánh giá trào lưu này một cách nghiêm túc.
David chưa bao giờ viết về những người ông không yêu thích, không phải vì ông là người có xu hướng hoài nghi, mà ông muốn nhận được thứ gì đó đáng giá hơn là những đồng xu ít ỏi mà một nhà phê bình thường vẫn nhận được. Rất nhiều nghệ sỹ đã tặng ông tác phẩm của mình. Có lẽ ông muốn nói với chính mình, hoặc sau lưng các hoạ sỹ: “Tôi muốn có một bức tranh... Tôi muốn một bức màu nước... Tôi muốn một tác phẩm nào đó”. Vấn đề là ông biết được giá trị bản thân và công việc mình làm, cảm thấy mình xứng đáng được đền bù - bằng cách này hay cách khác.
Vị thế của các nhà phê bình nghệ thuật ngày nay
Ngày hôm nay, vai trò của các nhà phê bình nghệ thuật thật đáng hoài nghi, và không có gì gọi là khả quan cả. Có những người viết bài rất tốt trong Artforum, và cũng có rất nhiều bài viết tuyệt vời ở các tờ báo, tạp chí khác, nhưng nhìn chung, phê bình nghệ thuật ngày nay không có quyền lực gì đặc biệt ghê gớm. Nếu nghệ sỹ nào được một nhà phê bình nghệ thuật ‘chống lưng’ thì cũng giống như có thêm một công cụ tiếp thị mà thôi. Ai đó ‘khoe’ rằng “Roberta Smith thích triển lãm của tôi” hoặc “Jerry Saltz đã đến thăm xưởng vẽ của tôi” đồng nghĩa với việc anh/chị ta có “tác phẩm đáng được chú ý”, thế thôi.
Nhà phê bình Shireen Naziree trò chuyện với họa sỹ Lê Quảng Hà trong một chuyến đi tìm hiểu đời sống nghệ thuật đương đại và thị trường Việt Nam năm 2009. ©Phạm Long
Mặt khác, ngày hôm nay có rất nhiều người luôn băn khoăn với những câu hỏi: Tại sao các nhà phê bình không nên kiếm nhiều tiền hơn? Tại sao họ không nên đòi tiền thù lao cao hơn? Tại sao các cây bút thông minh và tài năng như thế mà lại chọn một nghề chẳng kiếm được mấy?
Thì đây - hẳn là một trong những đáp án: nền kinh tế liên quan tới thị trường nghệ thuật ngày hôm nay trái ngược với nền kinh tế thị trường của những năm 1940 – 1950 hay 1960; các nhà phê bình ngày nay lại quá kém, lại suy đồi, cho dù vẫn còn là một bộ phận thiết yếu của hệ thống nghệ thuật; các nhà phê bình ngày nay đã không còn xứng với cái tên cao quý là “nhà phê bình’ nữa, thậm chí nền phê bình nghệ thuật ngày nay cũng không còn xứng đáng với bốn chữ ‘phê bình nghệ thuật” nữa.
David Rimanelli (Phạm Long lược dịch)