Bất ngờ với triển lãm "Sketch +" tại Hà Nội
Lần đầu tiên, triển lãm "Sketch+" với hơn 100 tác phẩm của 9 họa sĩ và 1 nhà sưu tập, ở các thể loại sẽ được trưng bày tại Hà Nội từ ngày 15 – 19/6.
Theo họa sĩ trẻ Nguyễn Minh (Phố), Sketch là những bản phác thảo, bản ghi chép như là tài liệu để xây dựng những tác phẩm. Đó có thể là bản ký họa, phác thảo đen trắng hay màu hoặc những ghi chép nhanh các chi tiết hoặc toàn bộ hình ảnh của sự vật. Hiểu theo nghĩa rộng và gợi mở hơn thì Sketch còn có thể gồm những tác phẩm trực họa nhanh, bản ký họa sâu (thâm diễn)… và nếu tốt thì hoàn toàn đủ để nâng tầm thành tác phẩm hoàn chỉnh...
Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Minh (Phố).
Và lần đầu tiên, tại Hà Nội sẽ có triển lãm "Sketch+" với hơn 100 tác phẩm ở các thể loại. Tham gia triển lãm có Doãn Hoàng Lâm, Dương Tuấn, Khổng Đỗ Duy, Hải Kiên, Nguyễn Minh Tú, Đoàn Đức Hùng, Trịnh Quế Anh, Nguyễn Minh (Phố) và đặc biệt 2 khách mời là họa sĩ Chu Thảo - họa sĩ đã dành nhiều thời gian ký họa thời chiến và nhà sưu tập Phong Lê - người đang lưu giữ khá nhiều bản ký họa quý của họa sĩ Lưu Công Nhân.
"Sketch+" là triển lãm đầu tiên có sự tương tác giữa các họa sĩ ở các thế hệ và nhà sưu tập để mang đến cho công chúng cái nhìn đa chiều về Sketch, về mối quan hệ tương hỗ giữa họa sĩ và nhà sưu tập. Các bức ký họa, phác thảo, trực họa với các chất liệu phong phú như chì, bút sắt, mực nho, màu nước, acrylic, sơn dầu…
“Trong dòng chảy hội họa Việt Nam, đâu đó thấy thấp thoáng những triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm đã chạm đến Sketch, nhưng vẫn đang dừng lại ở triển lãm trưng bày chuyên về ký họa và phác thảo của một thời kỳ nào đó chứ chưa chạm đến các bài trực họa hoặc ký họa đạt ở mức tác phẩm. Bởi vậy, triển lãm lần này sẽ là dịp để tôn vinh Sketch theo nghĩa rộng hơn”, họa sĩ Nguyễn Minh (Phố) chia sẻ.
Tác phẩm của hoạ sĩ Chu Thảo.
Tại buổi giới thiệu triển lãm, họa sĩ khách mời Chu Thảo chia sẻ: “Là họa sĩ và là phóng viên Báo Lao Động, tôi nhập ngũ năm 1968, vào chiến trường đầu năm 1969. Những cảnh vật, con người tôi gặp gỡ, tiếp xúc trên đường Trường Sơn và chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long lập tức cuốn hút tôi trong các ký họa trên mọi bước đường công tác, chiến đấu. Chiến trường không cho ta chần chừ, chọn lựa. Những gương mặt người chiến sĩ chỉ đủ cho người vẽ phác họa nhanh cái thần thái của người chiến sĩ trẻ, có khi vẽ xong chưa kịp ghi tên đã chia tay để hôm sau quay lại thì đã hy sinh”.
Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm cho biết, ký họa hay trực họa không làm lại được, khoảnh khắc ấy không quay lại, cảm xúc tức thì và có giá trị đặc biệt. “Sketch (ký họa) với tôi là thể loại độc lập, không phải bản nháp vì nó mang đầy đủ các yếu tố của hội họa như đường nét, hình khối, sắc độ, màu và chất cảm. Bên cạnh đó, nó có lợi thế là ghi lại được rất nhanh những cảm xúc mà đôi khi không thể có lại”, anh nhấn mạnh.
Tác phẩm của họa sĩ Dương Tuấn.
Họa sĩ Dương Tuấn cho rằng: “Sketch là những bức vẽ nhanh mang đậm chất ngẫu hứng, đối tượng vẽ phong phú. Có thể là chân dung một ai đó, một khung cảnh thân quen và ấm cúng hay những điều tôi ấn tượng trong cuộc sống hằng ngày. Những điều đó là nguyên liệu mà dường như sẵn có trước mắt, tôi không phải mất công tìm kiếm mà chỉ cần để ý một chút và thể hiện bằng bút pháp chân thành của mình”.
Họa sĩ Hải Kiên lại yêu thích và lựa chọn lối vẽ hiện thực, lựa chọn cách ghi lại cảm xúc của mình về mọi thứ gần gũi xung quanh: “Tôi ưa những không gian hẹp, những câu chuyện nhỏ, những đồ vật thân thuộc...”.
Một số tác phẩm tại triển lãm diễn ra từ ngày 15/6 đến ngày 19/6 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội:
Nguyễn Hằng