Điêu khắc nhân văn và tạo dựng không gian ở Thành Phố Hồ Chí Minh

1. Quan niệm (hay tư tưởng chỉ đạo) về phát triển điêu khắc công cộng (ĐKCC) ở thành phố chúng ta đến nay có một điều tích cực là không đơn giản hóa nó thành nghệ thuật tuyên truyền dễ dãi

1. Quan niệm (hay tư tưởng chỉ đạo) về phát triển điêu khắc công cộng (ĐKCC) ở thành phố chúng ta đến nay có một điều tích cực là không đơn giản hóa nó thành nghệ thuật tuyên truyền dễ dãi, không chạy theo phong trào càng to càng nhiều càng tốt như một số địa phương khác. Chúng ta may mắn chưa có các công trình khổng lồ lấn át không gian, lãng phí tiền bạc, chất lượng kém. Việc xử lý kích thước và chất lượng nghệ thuật với tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh của thành phố mang tên Bác trước UBND và bến Nhà Rồng là hợp lý và thận trọng. Tôi nghĩ đó là chiến lược đúng đắn của lãnh đạo và quy hoạch. Kể cả với hai tượng đài đang dự kiến cũng nên thận trọng, kỹ càng, không tư duy nhiệm kỳ mà chỉ khi thi tuyển đạt chất lượng mới thực hiện. 

- Quan niệm xuyên suốt cho ĐKCC của thành phố nên là điêu khắc nhân văn, mang đậm tính nhân đạo, gần gũi tình cảm con người, thân thiện với môi trường thiên nhiên, đô thị lấy việc tạo dựng, bổ sung nâng cao chất lượng sinh hoạt công cộng của người dân làm mục tiêu chính. Môi trường kênh rạch và bờ sông nên là không gian văn hóa - sinh hoạt chính của người dân thành phố và của ĐKCC. Nếu giúp để lại ấn tượng về một thành phố với nghệ thuật ven kênh rạch thì điêu khắc sẽ có công tạo dựng thương hiệu thị giác và thẩm mỹ cho thành phố.- Quan niệm thứ hai là điêu khắc cần kết hợp hữu cơ với design đô thị và kiến trúc tạo các dấu nhấn cục bộ theo các tuyến nước và mảng xanh hiện đang được chỉnh trang và quy hoạch. Như vậy điêu khắc có thể là design công năng và trang trí, không quá nặng về nội dung chính trị,tuyên truyền tức thời.


Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trước UBND TP. Hồ Chí Minh của tác giả Lâm Quang Nới


- Quan niệm thứ ba là chưa thể đưa điêu khắc can thiệp mạnh, nhanh vào các không gian công cộng ở khu trung tâm, các trục chính mới mở. Khó tưởng tượng một tác phẩm điêu khắc nào có thể chiếm chỗ trên đường Nguyễn Huệ, trước Hội trường Thống Nhất hay trên trục đường Lê Duẩn mà không làm hỏng không gian ở đó. Việc này cần có các nghiên cứu sâu sắc về văn hóa, lịch sử và cảnh quan đô thị. Tôi thực sự lo sợ nếu chúng ta quá quyết tâm, hăng hái trong việc đưa điêu khắc vào các không gian truyền thống vốn đã định hình diện mạo văn hóa thành phố. Không có sự “cấp thiết” nào ở đây cả. Mà ngược lại! Nên chăng ta hãy làm các thử nghiệm đưa điêu khắc vào không gian công cộng đông đúc ở các khu mới, quận mới như Thủ Thiêm, Thủ Đức, Quận 2, Quận 7, Quận 9… mà trước tiên cũng chỉ nên là trong các khuôn viên đại học, công sở, các công viên hoặc khu dân cư. Như vậy điêu khắc có cơ hội đồng hành ngay từ đầu với quy hoạch, kiến trúc và design đô thị, tham gia xây dựng không gian sống hiện đại cho “Sài Gòn mới”.

 
2. Thực trạng ĐKCC cần nghiên cứu sâu sắc làm cơ sở cho các dự án mới.

Chúng tôi chỉ xin nêu vài cảm nhận cụ thể .- Ấn tượng tốt nhất là các tượng ở các trục và công trường có trước 1975. Nơi đặt để  đắc địa, quy hoạch không gian xung quanh và quy mô hợp lý. Duy có điều chất lượng các tượng cụ thể chưa cao. Tượng “Thánh tổ truyền tin” trước chợ Bến hành vô tình trở thành biểu tượng ĐK và thị giác của thành phố: rất phóng khoáng hào sảng và giầu  khát vọng hòa bình. Tượng Công nhân ở Ngã Bẩy ngược lại có thể là một tượng đẹp đặt tại một vị trí rất đẹp nhưng hai thứ đẹp này không ăn nhập với nhau nên ấn tượng chỉ là một khối bê tông xám gồ ghề chắn tầm mắt và khó nhớ. Nên có dự án lâu dài chỉnh trang loạt tượng đài này bằng cách thi sáng tác, nâng cấp (cùng các tác giả) các pho tượng hiện có (Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng…) về mặt chất liệu và tạo hình.

- Các công viên còn vắng tượng, nếu có lại mang tính tuyên truyền nên xa cách với sinh hoạt vui chơi, thể thao, giải trí của người sử dụng.Cần từ bỏ quan niệm ĐK chỉ để thờ cúng, thắp nhang, chào cờ. Khu vườn tượng trong Tao Đàn giống như một triển lãm hơn một vườn điêu khắc (Bảo tàng ngoài trời các tác phẩm xuất sắc) ít người xem mà vui chơi giải trí bên tượng cũng không tiện lợi. Giá như các tượng này được phân tán một cách rải rác, ‘khiêm tốn’ hơn gần gũi hơn trong Tao Đàn hay các công viên khác thì người dân dễ chấp nhận và tiếp cận hơn. - ĐKCC có chủ đề văn hoá, các danh nhân văn hóa còn bị bỏ quên. Nên có một dự án dài hạn cho tượng danh nhân (quy mô vừa và nhỏ nhưng chất lượng cao) cho các không gian xanh. Lịch sử từ Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Văn Duyệt tới Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh hay Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Vũ Bằng, Nguyễn Hiến Lê… sẽ trở nên gần gũi người dân qua các tác phẩm thân gần, nhỏ nhẹ mà sâu sắc nơi họ sinh hoạt

.- Kênh rạch và bờ sông là báu vật, là di sản thiên nhiên quý gía nhất của thành phố chúng ta. Trước đây hơn 10 năm chị Phan Gia Hương cùng tôi đã trình một ‘ý tưởng’ về dải điêu  khắc ven các kênh, cụ thể trước tiên là Nhiêu Lộc Thị Nghè. Sau này cùng NĐK Bùi Hải Sơn và KTS Bạch Anh Tuần chúng tôi có đưa ra ý tưởng GAS (Green Art Space) nhằm đưa điêu khắc nhân văn vào các dải xanh ven bờ nước, tuyến Hoàng Sa, Trường Sa.vv. Nếu sắp tới quy hoạch các bờ kênh sông còn lại đưa được các con đường vào sâu cách bờ nước khoảng 100-200m. Phía trong là các dẫy mặt tiền sầm uất. Sát nước là các vườn cây với các tượng nhỏ và  đa dạng. Trên mặt nước là các cây cầu thiết kế nghệ thuật độc đáo (hiện nay các cầu đẹp nhưng design thành cầu quá sơ sài, xấu tùy tiện, cần có sự hợp tác Điêu khắc - Design để làm đẹp các cây cầu này, coi chúng như các tác phẩm nghệ thuật, các vật mang giá trí văn hóa) thì dải không gian xanh ven bờ nước có nghệ thuật  đó sẽ là chuỗi ngọc văn hóa trên ngực “người đẹp Sài thành” - góp phần nhỏ tô điểm cho Hòn Ngọc Viễn Đông  xưa hay Cổng Ngọc của ASEAN hiện đại.Điêu khắc đẹp chưa chắc đã làm đẹp cho thành phố nhưng điêu khắc xấu chắc chắn sẽ làm xấu đô thị.Việt Nam chúng ta đã có nhiều bài học về sự làm xấu này.

3.Trại sáng tác quốc tế 2015 không nên ảo tưởng, dễ dãi


Tượng của Nguyễn Thân tại khu Công nghệ cao Thủ Đức, TP. HCM

 

Đào Châu Hải, Vòng tay mẹ, đá, tại Công viên Tao Đàn, TP. HCM


- Hết sức hoan nghênh việc tổ chức Trại sáng tác Điêu khắc quốc tế (TSTĐKQT) TP. HCM 2015 và ước mong nó có thể trở thành một hoạt động quốc tế tuần kỳ (4 năm ở quy mô nhỏ hơn). Nghiên cứu phần mục đích và ý nghĩa của đề án  TSTĐKQT tôi thấy nhất chí phần ý nghĩa với song phần mục đích  xin có một số phản biện như sau:

- Trại sáng tác là sự kiện  tạo điều kiện để phát huy sáng tạo của nghệ sỹ, giúp họ có điều kiện thực hiện tác phẩm, gúp họ đưa được tác phẩm đến với công chúng và giúp công chúng tiếp cận nghệ thuật, tạo không khí sáng tạo nghệ thuật trong thành phố, rút kinh nghiêm cho các hoạt đông quốc tế sau này (Trại sáng tác không phải một đơn đặt hàng lấy sản phẩm). Mục tiêu cốt lõi này chắc chắn đạt được.- Các mục tiêu khác: “Có những tác phẩm có giá trị cao…

Tạo không gian nghệ thuật hài hòa… ở khu trung tâm thành phố và các tuyền đường trọng điểm… Sẽ tạo nên những  phẩm điêu khắc có giá trị cao về nghệ thuật, mang nét đặc trưng của điêu khắc ngoài trời phù hợp với không gian khu trung tâm kích thích du lịch… văn hóa đối ngoại… quảng bá hình ảnh Việt Nam và TPHCM… Tạo thành một quần thể điêu khắc ngoài trời, điểm tham quan du lịch hấp dẫn tại trung tâm thành phố và tuyến du lịch đường sông…” là ảo tưởng và không khả thi. Nó còn nguy hiểm vì nếu mặc địch kết quả Trại  như vậy sẽ dẫn tới dễ dãi trong nghiệm thu, chưa đẹp chấm là đẹp, không phù hợp ép là phù hợp rồi đặt để sử dụng mà sau này không chữa chạy được. Chỉ nên đặt mục tiêu là hy vọng chọn được một hay hai ba tác phẩm đáp ứng được các chí trên.- Thực tế là không một trại điêu khắc nào trên thế giới cũng như ở VN (từng) có thể đạt được các mục đích tương tự. Cũng chưa thấy thành phố nào Singapore, Jakarta, London, Paris, Berlin hay Bắc Kinh… đặt mục tiêu tương tự cho ngành điêu khắc nói chung chứ chưa nói với một Trại sáng tác duy nhất ! Giả sử ta đưa hai dẫy tượng ở Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM, những tượng tinh hoa nhất Việt Nam hơn 40 năm qua, ra đường Nguyễn Huệ hay khu trung tâm chắc chắn cũng không đạt yêu cầu nêu ra. Giả sử đưa 40 tác phẩm của trại sáng tác lần trước, hiện ở Tao Đàn vào các tuyền chính khu trung tâm cũng sẽ thấy khó chấp nhận được. Đã có kinh nghiệm cay đắng của một trại điêu khắc ở Hà Nội với các tượng nhỏ quanh Hồ Gươm, hoàn tòan phản tác dụng may mà các tượng rất nhỏ và  dẹp bỏ được.Chúng ta có đội ngũ tác giả mạnh, sẽ chọn được 30 tác giả ưu tú nhất. Song tác phẩm tốt nhất của một tác giả hiếm khi là sản phẩm của một trại sáng tác ngắn trong 30 ngày. Huống chi chúng ta có thể ước lượng khá rõ chất lượng nghệ thuật cao hay không cao của các tác giả Việt Nam, những người còn ít kinh nghiệm và chưa được thử thách với loại hình điêu khắc công cộng là bao, mặc dù chúng ta tin tưởng vào họ và khích lệ họ sáng tác hết mình. Còn 10 tác giả nước ngoài là ai. Tất nhiên không phải cứ “nước ngoài” là hơn ta, là đảm bảo chất lượng. Mặt khác  mời được tác giả danh tiếng không đễ. Tự lo đi về, nhận 30 triệu đồng là điều kiện khiến ta chỉ mời được các tác giả ham sáng tạo, chưa định danh hoặc thích giao lưu văn hóa. Thành phố không thể dễ dãi trông chờ, trao cho họ viêc ‘tạo không gian nghệ thuật chất lượng cao’ cho mình thậm chí quảng bá hình ảnh Việt Nam hộ mình!Tôi thiết tha kêu gọi sự khiêm tốn, tránh bệnh thành tích và cẩn trọng trong việc sử dụng 40 bức sẽ được làm ra


Nguyễn Quân, Tĩnh vật đô thị, đá, tại Công viên Tao Đàn, TP. HCM


.-Thực tế cho thấy thông thường kết quả lý tưởng của một trại sáng tác quốc tế luôn là 1/3 tốt, 1/3 trung bình và 1/3 yếu. Như vậy việc tuyển chọn đặt để tác phẩm là rất cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nhất là phải tránh khu trung tâm và các tuyến đường chính. Tuy nhiên do các tác giả đã được tuyển chọn, các  phác thảo đã được duyệt, đã được hỗ trợ thi công nên tòan bộ các tác phẩm sẽ đạt một tầm chất lượng  đáng trân trọng. Vì vậy nên có triển lãm ngoài  trời dài hạn toàn bộ các tác phẩm  thí dụ: Triển lãm đợt  I rải rác tại khu trung tâm, trong 3 hoặc 6 tháng. Triển lãm đợt II cũng 3 hoặc 6 tháng trên tuyến kênh  Hoàng Sa-Trường Sa. Sau một năm với các phản hồi và tác động cụ thể  ban nghiệm thu mới đưa ra phương án lắp đặt lâu dài các tác phẩm. Rút  bài học tượng “mẹ bồng con” trước Nhà Hát TP, biểu tượng cổng chào i-nox đường trên  Trường Sơn vào trung tâm… rất vô thưởng vô phạt mà rất  khó thay đổi. Cuối cùng ưu tiên đưa đa số tác phẩm vào dải Hoàng Sa Trường Sa. Tôi cũng nghĩ sau triển lãm ngoài trời có thể đưa một số tượng tới mặt tiền hay khuôn viên của các công sở như Sở Du lịch, Sở Thuế, Hải Quan, Sở GDĐT, Sở Công An, Tòa Án… là nơi người dân giao dịch đông đúc với công quyền, làm ‘mềm’, thân thiện hóa các không giàn này. Đây sẽ là một thử nghiệm thú vị.

N.Q

(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 9/2015)

404 Not Found

Not Found

The requested URL was not found on this server.

Additionally, a 404 Not Found error was encountered while trying to use an ErrorDocument to handle the request.