Hồ sơ trường Mỹ thuật Đông Dương: “Chương trình giảng dạy tổng quát” từ năm 1924"
Sự nghiệp giáo dục nghệ thuật và những đóng góp lớn lao của họa sỹ tài ba, nhà sư phạm lỗi lạc Victor Tardieu đối với nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại và quá trình giao thoa văn hoá Pháp-Việt trong tiến trình lịch sử cận đại cho đến nay đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập, tuy nhiên, vẫn cần có nhiều khảo cứu quy mô và chi tiết hơn nữa mới xứng với tầm vóc văn hoá và lịch sử của ông. Là người sáng lập và hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, theo chúng tôi, một trong những di sản lớn nhất mà Victor Tardieu để lại cho nền học thuật mỹ thuật Việt Nam là đường lối giáo dục kết hợp truyền thống với hiện đại.
Trong Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp Ảnh số tháng 7 năm 2018, chúng tôi đã đề cập phần nào di sản này qua việc công bố Tờ trình của quyền Giám đốc Nha Học chính Đông Dương ký ngày 10/10/1924, gửi Toàn quyền Đông Dương đề nghị phê chuẩn “Dự thảo Nghị định” thành lập Trường MTĐD. Tờ trình này cũng đã nêu qua đường lối đào tạo của ngôi trường sắp thành lập là “không chối bỏ nghệ thuật truyền thống”, đồng thời học hỏi “các quy tắc cơ bản về thẩm mỹ học phổ biến ở tất cả mọi nơi trên hoàn cầu”.
Để bạn đọc có thêm thông tin, ngõ hầu đánh giá khách quan và chính xác hơn nữa vai trò của Victor Tardieu - nhà sáng lập Trường MTĐD - cùng chủ trương đào tạo được ông đề xướng ngay từ năm 1924 khi ngôi trường vừa mới thành lập, nay chúng tôi xin công bố toàn văn “Chương trình giảng dạy tổng quát” của Trường MTĐD - bản Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định thành lập Trường MTĐD (Toàn quyền Đông Dương ngày 27/10/1924, được đăng toàn văn trên Journal Officiel de l’Indochine Française, 29 October 1924, p.2083/Công báo Đông Dương ngày 29/10/1924, trang 2083-2086). Những phần được chúng tôi gạch chân trong bản chuyển ngữ tiếng Việt lần đầu tiên công bố dưới đây của “Chương trình giảng dạy tổng quát” là để nhấn mạnh.
Công báo Đông Dương ngày 29/10/1924 (trang 2084-2086) đăng “Chương trình giảng dạy tổng quát” – là phụ lục của Nghị định thành lập Trường MTĐD [1].
+++
TRƯỜNG MỸ THUẬT
CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY TỔNG QUÁT
1. Đồ họa, hội họa và điêu khắc.
A) Nghiên cứu hình khỏa thân dựa trên mẫu thật (50 giờ một tháng).
B) Nghiên cứu thực vật (18 giờ một tháng).
Đảm bảo để những khuynh hướng nghệ thuật khác nhau của sinh viên xoay quanh hai trục lớn là hội hoạ và điêu khắc.
Liên quan tới hội hoạ, đó là:
- Vẽ trang trí;
- Vẽ trên vải, đồ ren, đồ thêu;
- Thực hành sơn mài;
- Thiết kế đồ nội thất;
- Trang trí bề mặt gốm sứ;
- Khắc gỗ và khắc kim loại.
Quy tụ quanh điêu khắc, có:
- Điêu khắc trang trí;
- Điêu khắc gỗ;
- Phù điêu gốm;
- Đồ chạm;
- Đồ nữ trang;
- Đồ kim hoàn.
Các tác phẩm của sinh viên khóa 1 và 2 Trường Mỹ thuật Đông Dương trong phòng vẽ của Trường, Khoảng 1930 [3]
Do đó, điều cần thiết là mỗi sinh viên phải làm thử với tất cả các bài mẫu, và khi họ bắt đầu làm chủ bản dessin của mình, giáo viên có thể hướng từng sinh viên đi theo một trong những hướng lớn nói ở trên.
Không có chương trình cố định nào có thể chi phối các bài tập của các sinh viên năm thứ nhất, thứ 2 hoặc thứ 3. Mỗi cá nhân phát triển theo tiến độ riêng của mình, tuỳ thuộc vào giáo viên là người phân định chương trình dạy dành cho từng người, để phát triển năng lực riêng của họ, và việc này có thể được thực hiện dễ dàng nhờ số lượng sinh viên hạn chế.
Tuy nhiên, một số bài tập sẽ được áp dụng cho tất cả sinh viên, chẳng hạn như:
Trong khi thực hiện một bài vẽ theo mẫu người thật, sinh viên sẽ phải vẽ mô phỏng bộ xương, rồi vẽ các khối cơ bắp bên ngoài, và các khớp nối của chúng, đó là phần vẽ hình giải phẫu thực hành cơ thể thực mà họ đã học ở các giờ học lý thuyết.
Đặc biệt nhấn mạnh các bài luyện trí nhớ thị giác, ví dụ: với bài vẽ thiên nhiên (mẫu người thật hoặc cây cối) được hoàn thành và nộp cho giáo sư, sinh viên phải thực hiện ở nhà thông qua trí nhớ. Các bài luyện trí nhớ thị giác có tầm quan trọng đặc biệt, một điều thường bị coi nhẹ trong giáo dục nghệ thuật.
Các bài tập được giao cho sinh viên để họ làm ở nhà, như bài tập về bố cục, bài luyện trí nhớ thị giác,v.v ... sẽ được chấm điểm, và điểm trong suốt 3 năm học sẽ được gộp lại, và căn cứ vào đó để xếp hạng sinh viên khi ra trường.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng mẫu người thật, khi sinh viên đã thành thạo vẽ theo trí nhớ, các chuyến đi [dã ngoại] sẽ được tổ chức và sinh viên sẽ được yêu cầu nộp các bài thu hoạch bằng tranh [sau chuyến đi] để họ làm quen với việc mô tả lại những ấn tượng của mình một cách chính xác chứ không chỉ là những ký ức mơ hồ.
Trong một giờ học của Ban Kiến trúc, Trường Mỹ thuật Đông Dương, khoảng 1930 [3]
Một giờ học vẽ hình họa của sinh viên Trường MTĐD, khoảng 1930 [3].
Không thể có các bố cục/tác phẩm mà không có sự quan sát trước đó. Do đó, sinh viên được khuyến khích tăng cường vẽ trực họa và vẽ phác hoạ trên đường phố: những người làm công, thợ thuyền đang làm việc, động vật. Sau đó, sinh viên được yêu cầu dựng lại khung cảnh này hoặc khung cảnh kia của cuộc sống hàng ngày với kích thước và hình dạng cụ thể.
Thực sự không có các quy tắc nào về bố cục, mà chỉ có sự tương hợp, và thực hành vẽ trang trí là một trong những bài luyện bố cục tốt nhất, bởi vì nó tập cho người vẽ quen với vấn đề phân bố trí [các thành phần] trên bề mặt [tranh]; các tác phẩm do sinh viên trình bày sẽ được [giáo viên] nhận xét và người vẽ sẽ được cho biết họ cần phải chỉnh sửa lại chỗ nào trong các phác thảo của mình để làm lại theo hướng đã được vạch ra.
Ở xứ này, nơi còn thiếu các bảo tàng, chương trình giảng dạy sẽ chú trọng vào việc nghiên cứu, giảm bớt phần nào lối dạy cũ, mà đi sâu tìm hiểu thiên nhiên nhiều hơn, để người vẽ vận dụng được tối đa khung cảnh đời sống đẹp như tranh của An Nam: cảnh đường phố, các nghi lễ, những tấm thân trần [của người lao động] trong công xưởng hoặc trên đồng ruộng, các bộ trang phục.
2. Trang trí (60 giờ mỗi tháng).
Giáo trình trang trí nâng cao nhằm mục đích dạy cho sinh viên trở thành người sáng tạo, dạy họ sáng tác theo hướng dàn dựng. Tóm lại, đó là mục tiêu thực sự của trường, là kết quả cuối cùng của tất cả những điều đã được trình bày ở trên.
Một nửa ngày sẽ được dành cho bố cục trang trí – Cách điệu, ứng dụng thực hành, dựa trên các phác hoạ và giải thích; 1. - vật liệu sử dụng: đá, gỗ, kim loại, da, sơn mài, vải; 2.- cách thức và công cụ áp dụng trong những trường hợp chế tác khác nhau.
Bài trang trí giúp cho mọi sinh viên có cơ hội trình bày các đồ án của mình, trong một số trường hợp nhất định, hoặc là vẽ màu hoặc nặn tượng, và đó sẽ là bằng chứng xác thực để giáo viên đánh giá đúng năng lực thực tế của các sinh viên.
3. Kiến trúc
Việc giảng dạy bộ môn Kiến trúc, xây dựng, toán học,v.v. không có trong chương trình của Trường Mỹ thuật vì ở Trường Công chính đã có ban Kiến trúc, cho nên các khóa học về nghệ thuật kiến trúc Viễn Đông và bố cục trang trí kiến trúc sẽ được giảng dạy bởi một kiến trúc sư thông thạo các loại hình và kiểu xây dựng của An Nam, chẳng hạn một kiến trúc sư của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp.
Tất cả các sinh viên của Trường Mỹ thuật, học vẽ và học điêu khắc, bắt buộc phải tham gia các khóa học [về kiến trúc], bởi vì tất cả mọi thứ trong nghệ thuật hội hoạ đều tuân thủ những yêu cầu của kiến trúc. Các sinh viên Trường Kiến trúc Công chính cũng nên theo học các khoá này, vì họ có thể tiếp thu các nguyên tắc chung để rồi chủ trì việc xây dựng và trang trí cho vô số các công trình di tích kiến trúc cổ quan trọng. Đón nhận các nhu cầu hiện đại với thị hiếu và biện pháp [tốt] thì rốt cuộc sẽ bắt mạch được truyền thống, cho phép xứ này bảo tồn được bản sắc độc đáo của mình.
Các sinh viên [ban] kiến trúc sẽ phải đề xuất các đồ án, có bản thiết kế mặt bằng, bản vẽ mặt cắt và bản vẽ trắc diện của công trình trong đó phần trang trí điêu khắc và tranh ảnh sẽ được giao cho các sinh viên hội họa và điêu khắc, và qua đó, sẽ dạy họ làm quen với sự hợp tác nhằm thực hiện một công trình [kiến trúc] duy nhất.
Các ký hoạ cảnh sinh hoạt đường phố của Lê Văn Đệ, khoá 1 Trường Mỹ thuật Đông Dương, vẽ năm 1929 [4].
A.Mỹ học và lịch sử nghệ thuật
(30 bài giảng một năm).
Vấn đề đặt ra là làm sao không chỉ đào tạo các sinh viên trở thành những nghệ sỹ xuất sắc và nhà thực hành có học thức, mà còn phải nâng cao tâm hồn của họ, để đánh thức ở họ các ý tưởng; để kích thích sự nhiệt tình của họ bằng cách làm cho họ hiểu được sứ mệnh cao cả của người nghệ sỹ trong xã hội.
Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua các bài giảng về mỹ học: có thể là nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật phương Tây, nhất là nghệ thuật Pháp và nghệ thuật vùng Viễn Đông.
Những khóa học về mỹ học và lịch sử nghệ thuật này sẽ được mở rộng cho cả công chúng, bởi vì cùng với việc đào tạo các nghệ sỹ, chúng ta cũng không được bỏ qua việc giáo dục công chúng.
Các ký hoạ đường phố của sinh viên Lê Phổ, khoá 1 Trường Mỹ thuật Đông Dương, vẽ năm 1929 [4].
Các ký họa đường phố của Vũ Cao Đàm (trên) và Mai Trung Thứ (dưới), sinh viên khoá 2 và 1, Trường Mỹ thuật Đông Dương, vẽ năm 1929 [4].
B. Giải phẫu cơ thể
(30 bài giảng một năm).
Vẽ giải phẫu cơ thể là bắt buộc khi nghiên cứu mẫu người thật, một dẫn giải thiết yếu về hình thể con người. Thông qua kiến thức chuyên sâu và thực hành về cấu trúc cơ thể, họa sỹ có thể tự giải phóng mình khỏi người mẫu.
Những bài giảng này bao gồm các dữ liệu đầy đủ từ cái gọi là Giải phẫu học nghệ thuật, tức là dữ liệu tổng quát về cấu trúc cơ thể con người, nghiên cứu bộ xương và vẻ bề ngoài của các khối cơ, và tiếp đó là các bài vẽ để sinh viên nghiên cứu [các bộ phận] xương riêng biệt, nghiên cứu toàn bộ bộ xương, và [cấu trúc] bộ xương trong khi vận động.
(Viện Giải phẫu sẽ cung cấp cho sinh viên các sinh phẩm giải phẫu để làm học cụ).
Một loạt các bản vẽ khái lược mà sinh viên sẽ phải sao lại sẽ giúp họ ghi nhớ cơ chế hoạt động của cơ bắp.
C. Phối cảnh
(30 bài giảng một năm).
Các bài tập [vẽ phối cảnh] sẽ giúp sinh viên làm quen với mọi vấn đề liên quan tới toán học rất có thể nảy sinh trong quá trình hành nghề sau này của họ. Ngoài ra, bài vẽ phối cảnh phải được thực hiện cả trong bối cảnh nội thất, chẳng hạn như ở đền chùa, lẫn khung cảnh ngoài trời.
Bằng quan sát, sinh viên sẽ nhận thấy hàng loạt sự việc liên quan đến phối cảnh, mà phải quan sát trong tự nhiên thì mới hiểu rõ được, chẳng hạn như tầm quan trọng của khoảng cách và độ rõ nét, để tránh làm biến dạng biểu kiến các đối tượng.
Đây là phụ lục của Nghị định
ngày 27 tháng 10 năm 1924.
Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 1924.
Toàn quyền Đông Dương,
M. MERLIN.
+++
(Hết phần dịch)
TẠM KẾT
1. Ngay từ năm 1924, nhờ vận dụng sáng tạo các chương trình đào tạo nghệ thuật của Pháp, “Chương trình giảng dạy tổng quát” của Trường MTĐD - hay nói đúng hơn là “Chương trình giáo dục nghệ thuật Victor Tardieu”, đã thực sự trở thành một chương trình giảng dạy mỹ thuật tiên tiến nhất ở Đông Dương thời bấy giờ. Với định hướng “đón nhận các nhu cầu hiện đại với thị hiếu và biện pháp tốt” nhằm “bắt mạch được truyền thống”, cho phép “bảo tồn được bản sắc độc đáo”, chúng ta càng thấy rõ Victor Tardieu đã chủ trương phải luôn kết hợp “dân tộc và hiện đại” trong giáo dục nghệ thuật, đồng thời tiếp thu các nền nghệ thuật thế giới nhưng phải gìn giữ được bản sắc độc đáo của dân tộc.
2. “Chương trình giảng dạy tổng quát” này đã sớm đề cập tới việc DẠY SƠN MÀI - một tầm nhìn vượt thời đại và chứng tỏ tác giả của Chương trình - một người Pháp - nhưng đã nhìn thấy trước tiềm năng của thứ chất liệu nghệ thuật mang tính bản địa này.
3. Không chỉ đề xuất cho sinh viên mỹ thuật được nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật phương Tây, nhất là nghệ thuật Pháp, và nghệ thuật vùng Viễn Đông, “Chương trình giảng dạy tổng quát” còn có “những khóa học về mỹ học và lịch sử nghệ thuật … mở rộng cho cả công chúng” - điều này càng chứng tỏ ý nghĩa xã hội và nhân văn lớn lao của “Chương trình giáo dục nghệ thuật Victor Tardieu” đối với sự phát triển văn hoá của xã hội Việt Nam trong tiến trình hội nhập và giao thoa văn hoá quốc tế.
Ngày hôm nay, đã 82 năm Victor Tardieu nằm xuống trên mảnh đất Việt Nam mà ông hằng yêu quý và gắn bó, đọc lại “Chương trình giảng dạy tổng quát” của Trường MTĐD do ông đề xướng ngay từ năm 1924, chúng ta càng thêm kính trọng nhân cách và tư tưởng của ông. Với người Việt Nam và cả nước Pháp, ông xứng đáng là MỘT BẬC THẦY, NGƯỜI ĐÃ ĐÓNG GÓP CHO GIAO THOA VĂN HÓA PHÁP-VIỆT THÔNG QUA VIỆC THÀNH LẬP TRƯỜNG MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG VÀ ĐƯA GIÁO DỤC VỀ MỸ THUẬT CỦA PHÁP NÓI RIÊNG, CỦA THẾ GIỚI NÓI CHUNG ĐẾN VỚI ĐÔNG DƯƠNG.
PL & VTMH (số 8, tháng 8/2019)
Tài liệu tham khảo
[1]. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Ecole des Beaux-Arts/Programme Général de l’Enseignement. Journal Officiel de l’Indochine Française, 29/10/1924, p.2084-2086. [Trường Mỹ thuật/Chương trình giảng dạy tổng quát. Công báo Đông Dương, 29/10/1924, trang 2084-2086];
[2]. Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp Ảnh, Số tháng 7/2018;
[3]. Một số tư liệu ảnh về Université Indochinoise của FRANOM;
[4]. “Les marchands ambulants et les cris de la rue à Hanoi”, Éditions de La Revue indochinoise, 1929 (Tư liệu lưu trữ của EFEO, No. 23577).