Kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam và tưởng niệm 155 năm danh nhân Đặng Huy Trứ đưa nghề ảnh về Việt Nam
29/03/2024Tham dự buổi lễ có ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; bà Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam; ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế. Về phía lãnh đạo địa phương, có ông Đỗ Ngọc An, Thị ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Hương Trà; ông Nguyễn Tiến Giang, Bí thư Đảng ủy phường Hương Xuân. Cùng với sự có mặt của đại diện các cơ quan, ban, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế; Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế; câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ; bà con họ tộc và nhân dân phường Hương Xuân.
Năm 1869, tại phố Thanh Hà, Hà Nội, danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ đã khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường - hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam. Ông được coi là “ông Tổ” của nghề ảnh tại Việt Nam.
Ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147-SL thành lập “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam. Ngày 15/3 được lấy là Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng vào nhiệm vụ tuyên truyền, phục vụ Tổ quốc và nhân dân; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế… Bên cạnh đó, nhiếp ảnh giúp lưu giữ những thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước, nhiều tác phẩm đã trở thành di sản, tài sản vô giá./.
Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024) và dâng hương tưởng niệm 155 năm danh nhân Đặng Huy Trứ đưa nghề ảnh về Việt Nam (1869 - 2024):
Nguồn: Phòng Nhiếp ảnh