Tạo dựng Nghệ thuật bởi Nguồn lực Cộng đồng

Phỏng vấn nghệ sỹ Ưu Đàm Nguyễn nhân tác phẩm đa phương tiện License2Draw trưng bày trong triển lãm “Ranh giới Vô định - Undefined Boundaries” tại Heritage Space, tháng 3/2017, giám tuyển bởi Hye Young Kim và Nguyễn Anh Tuấn. Triển lãm được tổ chức bởi Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam và Heritage Space...

Phỏng vấn nghệ sỹ Ưu Đàm Nguyễn nhân tác phẩm đa phương tiện License2Draw trưng bày trong triển lãm “Ranh giới Vô định - Undefined Boundaries” tại Heritage Space, tháng 3/2017, giám tuyển bởi Hye Young Kim và Nguyễn Anh Tuấn. Triển lãm được tổ chức bởi Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam và Heritage Space.

 

 

Cảnh sắp đặt License2Draw trong gallery của Heritage Space, triển lãm “Ranh giới Vô định - Undefined Boundaries”, tháng 3/2017.

 

Anh có thể giải thích về cấu trúc tác phẩm và cách hoạt động của hệ thống này không?

Ưu Đàm: Năm 2013, ý tưởng về License2Draw (L2D) được hình thành, tôi bắt đầu thực hiện và làm việc cùng các kĩ thuật viên phần mềm và phần cứng. Ý tưởng đến từ những cuộc chiến căng thẳng đang diễn ra ở Afghanistan và Pakistan. Tôi quan tâm tới việc con người có thể sát hại người khác từ một khoảng cách rất xa mà không cần có mặt ở đó. Đó là những thứ mà công nghệ cho phép người ta làm, không cần có sự tham dự của phi công lái máy bay nữa. Đó là ấn tượng đầu tiên và làm tôi rùng mình khi nghĩ về cách các cuộc chiến đang diễn ra. Nhưng tôi nghĩ nếu có thể gây ra chiến tranh từ xa, vậy tại sao không làm nghệ thuật từ xa.

Khi ý tưởng đó đến, tôi bắt đầu làm dự án nghệ thuật L2D - để mọi người vẽ hoặc tương tác bằng laser L2D robot với sự kết nối từ khoảng cách rất xa. Giả sử bạn đang ở New York và bạn vẫn có thể vẽ ở Singapore, hay vẽ ở TP. Hồ Chí Minh, hay bắn tia laser đang được đặt tại Heritage Space, Hà Nội.

 

Đây có phải là một dự án anh vẫn còn tiếp tục? Anh còn có những triển lãm khác và tôi muốn hỏi về sự khác nhau trong cách dựng tác phẩm so với các phiên bản trước?

Ưu Đàm: L2D được hoàn thành vào năm 2014 và lần đầu tiên được trưng bày tại Koganecho Bazaar thuộc thành phố Yokohama, Nhật Bản. Ở thời điểm mọi thứ đều mới mẻ, chúng tôi đã tạo ứng dụng đầu tiên thử nghiệm cho iPhone, chuyển lên kho của Apple và Google. Mọi người đều có thể tải nó về. Chúng tôi (hack) bẻ khoá cácô-tô điều khiển để dùng cho mục đích này. Các L2D robot có thể kết nối mạng và phản hồi tới ứng dụng mà ta đang sử dụng, tức License2Draw. Đó là bước đầu tiên. Và sau đó tôi có thể mang toàn bộ cấu trúc này tới nước Nhật trưng bày.

Lần thứ hai là ở Brisbane (Australia), nơi họ đưa ra phiên bản điện tử của L2D cho trẻ em. Năm 2016, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Factory* ở TP. Hồ Chí Minh, với lời mời của curator/artist Trong Gia Nguyen, tôi thể hiện nó với quy mô đầy đủ hơn, với 1 tấm canvas rất to 6x6m trải dưới mặt sàn cho việc vẽ. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thể nghiệm việc tương tác bắn laser và nó hoạt động rất tốt. Tia laser bắn lên các tấm tranh vẽ đó là phần bổ sung mới cho L2D. Cho đến dịp trưng bày tại Heritage Space lần này, tôi đẩy ý tưởng xa hơn khi tăng gấp đôi quy mô súng laser và 1 dàn CCTV camera chất lượng cao của Bosch để trực tiếp quan sát từng súng laser và từng mục tiêu. Cùng thời gian này, trong triển lãm Imaginarium, tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore**, tôi đã có cơ hội trưng bày robot L2D với quy mô tốt hơn tất cả mấy lần trước với các Bosch CCTV camera đặt trên robot có thể quay theo và theo dõi các chuyển động của robot vẽ L2D. Ngoài ra, tôi cũng phát triển thêm bản đồ thế giới L2D trực tuyến, cho phép theo dõi ai ở đâu đang “chơi” với ứng dụng L2D. Một chấm đỏ sẽ hiện lên trên bản đồ quốc gia khi có ai từ đó tham gia. Sự nâng cấp này làm tôi vô cùng hào hứng.

 

 

Nghệ sỹ Ưu Đàm Nguyễn giới thiệu về tác phẩm L2D với ông Park Sang Sik, Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam


Bây giờ tác phẩm của anh sẽ có mặt ở Singapore, từng có mặt ở Nhật Bản, Việt Nam, Australia. Vậy địa điểm và các nhóm khán giả có ảnh hưởng tới kết quả của cuộc thử nghiệm tác phẩm?

Ưu Đàm: Nó không hề ảnh hưởng tới dự án. Lần đầu tiên ở Nhật Bản tôi ở khu lưu trú Koganecho Bazaar. Đó là nơi được cải tạo từ một nhà chứa của khu đèn đỏ Yokohama. Điều này khá thú vị bởi bạn vẫn có thể nhìn thấy dấu vết của quán bar và đồ đạc được in dấu dưới sàn. Việc tôi làm lúc đó là đặt một tấm toan vẽ lên trên sàn, khi L2D robot được điều khiển chạy tới chạy lui cùng với những chiếc bút màu, nó khiến cho dấu vết của quán bar cũ với các đồ đạc trên sàn trở nên hiển lộ. Rõ ràng khi bạn cọ sát, xóa một mảnh giấy hay một tấm toan sẽ khác với việc cọ sát một mảnh đá hay một mặt sàn, bạn sẽ nhận ra các kí tự hay những dấu tích cũ nằm trên đó. Năm 2017 tôi lại có dịp đem L2D tới Gallery Yamamoto Gendai tại Tokyo và thiết lập song song hệ thống ở 3 quốc gia cùng chạy một lúc là Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Thật tuyệt khi thấy tác phẩm thật sự chứng tỏ khả năng toàn cầu của nó.

Kích thước không gian cũng rất quan trọng. Đối với không gian rộng, bạn có thể làm tác phẩm có quy mô lớn với kích thước mà bạn nghĩ nó phù hợp với tác phẩm của bạn. Không gian thực địa luôn cho phép bạn đưa ra một quyết định nhanh hơn và cho bạn những phát kiến mới. Đó là điều tôi luôn hứng thú khi làm việc với các không gian khác nhau.

 

Thông điệp đằng sau đó là gì? Điều gì anh muốn chia sẻ cùng khán giả và điều gì anh muốn khán giả nhận được từ tác phẩm với những tia laser và khả năng tương tác từ khoảng cách cực xa này?

Ưu Đàm: Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên mọi người có thể đến cùng nhau và tạo nên những điều có thực trong một không gian rất xa với họ. Cho dù họ ở đâu trên thế giới, họ vẫn có thể thực hiện được việc “vẽ” qua điện thoại bằng kết nối mạng. Hãy hình dung Jackson Pollock có thể vẽ ở xưởng của ông ấy bất cứ lúc nào, dù ông ấy đang chu du tới chốn xa xôi mà vẫn có thể vẽ như ở nhà. Tôi nghĩ thông điệp L2D là một thế giới mới, nơi mọi người có thể tương tác cùng nhau. Điểm phức tạp chỉ nằm ở hệ thống L2D mà tôi dựng lên, rồi mọi người đến và hoàn thiện nó - một dạng nguồn lực cộng đồng theo cách nào đấy. Có thể coi đây là một nguồn sáng tạo cộng đồng trên khắp thế giới trong một không gian luân chuyển, và không gian đó là Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, Heritage Space hoặc nơi nào đó trong tương lai.

 

Cái đẹp, mỹ học và triết thuyết của sắp đặt này là gì? Tôi nghĩ có rất nhiều vẻ đẹp trong dự án này, nhưng tất nhiên sẽ tốt hơn nhiều nếu được nghe quan điểm của anh.

Ưu Đàm: Tôi rất hứng thú với cái đẹp. Mặc dù ở L2D, đó là vẻ đẹp ẩn sau từng bộ phận máy móc thiết bị, như các hệ thống cáp mạng chồng chéo nằm sâu dưới đại dương và không được nhìn thấy hay là các vệ tinh bay trong không gian. Hầu hết chúng đang diễn tiến không song song với sự hiểu biết của ta về chúng và khi những bộ phận này hoạt động, chúng ta không biết gì về tất cả những điều xảy ra đó. Chúng ta chỉ nhìn thấy kết quả của nó nằm trong hàng ngàn đường vẽ màu trên mặt tấm toan ở nơi bày. Đó là cái đẹp dấu kín nằm trong các bộ phận, từng phần.

Liên tưởng rộng hơn, như việc chúng ta không thấy bộ não hoạt động thế nào, nhưng nó điều khiển mọi hoạt động của chúng ta. Bạn chỉ nhìn thấy những hành vi hay cảm xúc, nhưng bạn không thấy được cách não tạo xung nhịp giữa các nơ-ron và khớp thần kinh để tạo nên những hành vi đó. Tôi nghĩ, khi làm tác phẩm này, tôi thực sự muốn có sự đa tầng, cũng có thể nói là sự vi tế. Và đó chính là cái đẹp ngầm ẩn trong L2D. Bạn có thể đào sâu để tìm hiểu nó, hoặc bạn vẫn có thể thưởng thức vẻ ngoài của nó nếu bạn muốn. Vẻ đẹp được tạo bởi sự đa tầng và chiều sâu ý nghĩa là mong muốn của tôi.

 

Buổi múa tương tác giữa robot laser được điều khiển của L2D với các diễn viên múa đương đại trong thời gian trưng bày triển lãm.
Ảnh trong bài: Nguồn: Heritage Space & Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam.

 

Chủ đề của triển lãm là Ranh giới vô định. Chúng ta lại đang nói rất nhiều về điểm giao, đường nối kết những nơi chốn khác nhau và những con người khác nhau. Tôi muốn hỏi, ý niệm của anh trong dự án này về từ “ranh giới” là gì? Chúng ta đang nói về sự vượt qua các lằn ranh, nối kết con người trên thế giới và làm cho các phân mảnh nghệ thuật hội lại cùng nhau. Theo cách không còn ranh giới nào nữa. Con người có thể tương tác với tác phẩm ở nhà họ hoặc ở phòng triển lãm. Vậy định nghĩa của anh về ranh giới là gì và nó định hình thế nào trong tác phẩm của anh?

Ưu Đàm: Tôi nghĩ ranh giới là cái gì đó khó định nghĩa bởi vì chúng ta luôn hiểu nó như một đường biên, nhưng chúng ta luôn trượt khỏi nó.

Nó giống như làn da của chúng ta, một ranh giới giữa thế giới bên ngoài với các mạch máu và các múi cơ bên trong. Vẫn có sự xâm nhập vào trong, tương tự như ranh giới luôn luôn cho phép và tạo nên một hàng rào mà người ta muốn vượt qua. Các đường biên cũng vậy. Bạn đang xây một đường biên và đó sẽ là điều người ta cố gắng để vượt qua. Khá thú vị khi chúng ta nói về các ranh giới.

Nhưng thực tế hiện nay, chúng ta cảm thấy những đường biên thực sự cần thiết, chúng không dễ bị xóa bỏ. Và thế giới đang tồn tại như bây giờ, như ta có thể thấy, châu Âu đang dựng lên lại nhiều đường biên - cái mà họ đã nỗ lực xóa bỏ trước đó… Tôi nghĩ đường biên luôn là một chủ đề thú vị và không thể bỏ qua. Nó chỉ có thể mất đi khi mà bạn có thể đưa chìa khóa nhà cho một người lạ trên phố không chút bận tâm. Chỉ khi nào nhà chúng ta không cần khoá cửa và đó là khi chúng ta không cần các ranh giới, những đường biên… Nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn tiếp tục sống chung với chúng mãi thôi.

Và điều đó đến trong L2D và triển lãm này, tôi nghĩ về cách mọi người được mời tham gia, nhưng về cơ bản là bạn vào Việt Nam, tới Hà Nội bằng điện thoại cảm ứng của bạn, qua một tín hiệu bạn gửi đi trong mạng internet và bạn không có bất cứ sự đồng thuận nào của các viên chức hải quan Việt Nam. Đó vô hình chung là cách bạn vượt qua biên giới Việt Nam một cách trái phép và làm công việc sáng tạo ở Hà Nội, tại Heritage Space.

Thật hài hước khi nghĩ về điều này theo cách đó. Nhưng thực tế là tên License2Draw xuất phát từ License-2-Kill, một bộ phim về máy bay không người lái. Tôi nghĩ rằng khi bạn nhấn phím “accept” trên điện thoại để tải về ứng dụng L2D, thực tế là bạn đã đồng ý tham gia vào một hệ thống. Điều đó tương tự như việc kí một tấm phép, chấp thuận vài điều khoản để “chơi” L2D. Tôi nghĩ chúng ta luôn cần là một phần của một cái gì đấy (cơ chế, tổ chức) để thực hiện một điều gì đó. Tôi chưa chắc chắn là cái gì ở đây, nhưng đó là nhu cầu với tôi để suy nghĩ và tìm hiểu.

 

Vẫn liên quan đến triển lãm này và buổi nói chuyện. Anh đang làm điều gì đó hoàn toàn khác với nghệ thuật truyền thống, điều gì đó thực sự mới mẻ: có một ranh giới giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật cách tân; nghệ thuật truyền thống thường chỉ một nghệ sỹ, trong khi anh đưa rất nhiều người vào cùng nhau, có sự song chiếu giữa một người làm nghệ thuật và nhiều người làm nghệ thuật; bản chất của các nối kết này chúng ta đã nói trước đó, những đường kẻ, kết nối internet và cuộc chiến, những ý tưởng không tưởng của việc sử dụng những kết nối này. Anh có thể giải thích sự song chiếu của các đường biên? Anh nghĩ thế nào về những sự song chiếu này?

Ưu Đàm: Thật khó trả lời. Thế bạn nghĩ gì về sự song chiếu?

 

 

Ban đầu anh nói rằng người ta dùng máy bay không người lái và công nghệ mới để bắn vào người khác, nhưng chúng ta thực sự có thể sử dụng kết nối đó để làm nghệ thuật. Sự không tưởng thể hiện trong câu này, trong khi thực tế đang sử dụng công nghệ để làm những việc khác. Mặt khác, có giới hạn giữa hai mặt này và cũng quan trọng khi có nó và mọi người cần phải vượt qua. Thật thú vị để hiểu cách các giới hạn được sử dụng và cách chúng được phản chiếu trong tác phẩm của anh.

Ưu Đàm: Tôi hiểu điều đó theo cách không có giải pháp nào hoàn hảo cho bất cứ điều gì. Khi tôi cố gắng dùng nghệ thuật để làm cái gì đó sáng tạo thay vì bắn hạ người nào đó bằng máy bay không người lái, tôi ý thức được thực tế là tôi thực sự muốn con người nghĩ về vấn đề đó dù họ đang “chơi”/vẽ. Tôi mong muốn thế giới hướng đến điều gì đó vui và sáng tạo, như vẽ thực sự cùng nhiều người tại 1 nơi nào đó trên thế giới dùng ứng dụng L2D qua mạng…

Tác phẩm tranh vẽ L2D của tôi được tạo ra nhờ nhiều người tham dự trên khắp thế giới. Thỉnh thoảng đang ngồi trong xưởng của mình, đột nhiên tay máy của tác phẩm chuyển động làm tôi giật mình. Tôi không biết ai trên thế giới đã bấm nút làm nó chạy, nhưng đó chính xác là mục đích mà tác phẩm L2D được thiết kế. Bạn thiết lập cấu trúc nhưng sau đó nó chuyển động mà bạn không hề điều khiển. Đối với tôi, điều này thực sự tuyệt vời. Một tin tặc truy cập vào máy tính của bạn và làm điều hắn sẽ không bao giờ nói hắn sẽ làm. Tương tự với L2D, người tương tác sẽ làm dịch chuyển các L2D robot, bạn không biết ai đã làm nó, tín hiệu đến từ nơi nào. Đó là khoảng tối của internet và công nghệ điều khiển từ xa. Khi tôi bắt đầu nghĩ về những mặt tối đó của công nghệ, là khi tôi tạo ra ứng dụng các đầu laser có thể bắn chùm laser đốt cháy một mảnh giấy, tạo/ “vẽ” các lỗ trên giấy. Nếu bạn nhìn vào tia L2D laser này, nó có thể gây mù mắt và đốt da bạn. Đó là lí do tại sao mọi người không được bước vào trongtác phẩm sắp đặt L2D laser của tôi.Tôi dựng rào xung quanh, nên mọi người chỉ có thể đứng ngoài thấy giấy bốc cháy. Bạn cũng có thể ở một vài quốc gia như châu Phi hay châu Âu và nhấn nút, một mảnh giấy ở Việt Nam sẽ cháy, đó là cái gì đó về sự song chiếu.

 

Cảm ơn rất nhiều về các chia sẻ và mạch suy nghĩ của anh!

 

 

G.A (thực hiện)

Chuyển ngữ: Nguyễn Thùy Dương & Nguyễn Thùy Linh

Hiệu đính: Nguyễn Anh Tuấn

SEMOGA SUKSES OKE TA