Phản ánh sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam

Phỏng vấn PGS. NGND. Họa sỹ Lê Anh Vân - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Hội họa, Đồ họa, Video Art Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015

Phỏng vấn PGS. NGND. Họa sỹ Lê Anh Vân - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Hội họa, Đồ họa, Video Art Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015


PGS. NGND. Hoạ sỹ Lê Anh Vân


PV: Thưa họa sỹ Lê Anh Vân, cảm xúc của ông như thế nào khi lần thứ 2  ông nắm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam?

HS. Lê Anh Vân: Tôi cảm thấy vinh dự đi cùng với trách nhiệm. Triển lãm năm nay chỉ lựa chọn số lượng tác phẩm bằng một nửa so với Triển lãm năm 2010, tuy nhiên chất lượng tác phẩm khá đồng đều nên Hội đồng Nghệ thuật phải làm việc nỗ lực hơn. Các thành viên trong Hội đồng đều được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn, có kinh nghiệm và năng lực thẩm định tốt. Tuy mỗi người một quan điểm nhưng trong quá trình làm việc chúng tôi rất khách quan, tranh luận cởi mở để đi đến thống nhất.PV: Qua 2 kỳ Triển lãm trên cương vị Chủ tịch, ông có đánh giá gì về những bước phát triển của Mỹ thuật Việt Nam?HS. Lê Anh Vân: Từ kì Triển lãm trước tôi thấy một điều là anh em nghệ sỹ đã có nhu cầu, có được những tác phẩm tiếp cận được với nghệ thuật đương đại hơn. Tuy chưa có tác phẩm như mong đợi nhưng đấy là một tín hiệu đáng mừng. Qua 5 năm, các triển lãm đã dần xuất hiện các nhân tố mới trong tư duy và cách thức biểu đạt nghệ thuật. Đó là một quá trình vận động không ngừng để đến Triển lãm lần này chúng ta đã có nhiều tác phẩm mang cái mới, đặc biệt là có sự tham gia của các loại hình Sắp đặt, Video art, Performance art (nghệ thuật trình diễn). Tuy số lượng khiêm tốn, như Video art có 11 tác phẩm gửi đến, hay về Trình diễn chỉ có 2 tác phẩm, ngoài ra có nhiều tác phẩm không đáp ứng tiêu chí về nghệ thuật nên cũng chưa xuất hiện được. Tuy nhiên để thấy một điều quan trọng là Ban Tổ chức và các nghệ sỹ đều muốn bộc lộ cái khả năng cao nhất, cái mà mình mong muốn được thể hiện nhất để đáp ứng được nhu cầu xã hội. Triển lãm lần này đã phản ánh khá đúng sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam.


Huy Chương Bạc: Tác phẩm Lên đồng, sơm mài của Trần Quốc Giang

 

Huy chương Bạc: Tác phẩm Chiều biên giới, sơn dầu của Trần Huy Oánh.

 
PV: Theo ông vì lý do nào để các nghệ sỹ trẻ có cơ hội cũng như động lực sáng tạo như vậy?

HS. Lê Anh Vân: Theo tôi trước hết đó là do vấn đề Hội nhập quốc tế. Các loại hình tôi đã đề cập không phải là mới trên thế giới nhưng chỉ khi chúng ta thực hiện Đổi mới, mở cửa, cùng với những bước phát triển mạnh mẽ về Công nghệ thông tin ở ta thì các loại hình đó du nhập vào Việt Nam. Vậy thì chính lớp trẻ sẽ là người tiếp thu nhanh nhất vì họ nắm bắt đươc Công nghệ thông tin, nên thế hệ đi trước tuy cũng có nhu cầu đổi mới nhưng nhiều người đứng ngoài cuộc chơi cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra phải kể đến các hoạt động giao lưu văn hóa như của Viện Goethe, L’espace… đã tạo môi trường cho các nghệ sỹ được trao đổi, mở mang và học hỏi được nhiều kĩ thuật hiện đại. 5 năm qua là cả một quá trình tìm tòi, thể nghiệm và trong Triển lãm này chúng tôi hoan nghênh những sáng tạo đó.PV: Vậy còn các tác giả của thế hệ đi trước thì sao?HS. Lê Anh Vân: Nói như vậy không phải là các tác giả đó đứng im, không có sự sáng tạo gì. Họ vẫn lao động bền bỉ và tìm tòi trên những giá trị cả đời họ theo đuổi. Đặc biệt như họa sỹ Phan Kế An đã 92 tuổi vẫn gửi tranh đến triển lãm. Hay như các họa sỹ Trần Huy Oánh, Đinh Trọng Khang, Lê Thị Kim Bạch, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đều đã trên dưới 80, sức khỏe không còn nhiều nhưng vẫn còn đam mê cống hiến, khẳng định giá trị bản thân và các tác phẩm của họ đều đạt chất lượng rất tốt. Đấy là chưa kể nhiều tác giả không gửi tranh đến dự thi nhưng họ vẫn lao động và sáng tạo âm thầm chứ không phải họ không chuyển biến. 
PV: Ông có ấn tượng gì về các tác phẩm tham dự năm nay?

HS. Lê Anh Vân: Thật sự phải nói như thế này, ấn tượng đầu tiên là các tác phẩm khá đồng đều, ấn tượng tốt, nhưng chưa thấy trội lên. Và tôi nghĩ rằng cái đó cũng phản ánh được thực tế là nghệ sỹ cũng rất cố gắng phấn đấu vượt lên chính mình và cũng chủ động giao lưu quốc tế, lao động hết mình để đưa ra được những tác phẩm phản ánh đời sống xã hội cũng như cá tính của nhân vật, cá tính của nghệ sỹ. Chẳng hạn các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo như “Lên đồng” của Trần Quốc Giang, “Đức tin” của Võ Việt Dũng, phản ánh công nghệ đã làm cho con người trở nên thờ ơ với cuộc sống trong bức “Tuổi teen” của Phạm Hồng Như. Giai đoạn vừa qua có rất nhiều vấn đề ở biển đảo thì trong kỳ triển lãm này cũng xuất hiện nhiều đề tài này. Hay là những vấn đề mà chúng ta cảm thấy rất nặng nề là vấn đề tham nhũng, những xấu xa trong xã hội cũng được nghệ sỹ phản ánh nhưng tất nhiên nó phản ánh bằng nghệ thuật. Về ngôn ngữ thể hiện phải nói là thể hiện một khả năng làm việc ngày càng chuyên nghiệp, mà rất mừng trong đó có nhiều người rất trẻ. Triễn lãm lần này này có nhiều bạn trẻ đạt được nhiều điều mà tôi cho là rất đáng mừng.


Giải Khuyến khích: Tác phẩm Hà Nội! Hà Nội!, sơn mài của Trần Tuấn Long

 
PV: Vậy với những tác phẩm mang chất liệu truyền thống như sơn dầu, sơn mài, lụa có nhiều nhận xét đang đi vào lối mòn thì với triển lãm lần này ông có đánh giá gì với những sáng tác trên chất liệu ấy?

 HS. Lê Anh Vân: Thực ra đó là một nhận xét có cơ sở, nhưng cũng phải nhìn nhận thế này, trong 5 năm tìm tòi sáng tạo mà để tìm ra cái gì mới, khác lạ, bứt phá lên được thì cũng không phải dễ, vậy nên trong một quá trình như vậy xuất hiện thêm 1, 2 nhân tố cũng là đáng quý.Về lụa tôi thấy trong kì Triển lãm trước đã có nhiều tác giả khai phá ra những cái mới và từ đó đến nay họ đi rất vững vàng, không những thế còn rất nhiều khuôn mặt khác phát triển về chất liệu đó, thế là quá mừng bởi vì lụa lâu nay thật ra chúng ta đã quá quen rồi.Với sơn mài các anh em nghệ sỹ đều có cố gắng rất lớn, muốn tạo bứt phá. Tuy vậy, trong triển lãm này rất nhiều nghệ sỹ sáng tác sơn mài có chất lượng lại không tham gia triển lãm, họ không tham gia không có nghĩa là sơn mài của chúng ta tụt dốc. Sơn mài là một chất liệu công phu đòi hỏi sự đầu tư cả về kĩ năng, chất liệu và thời gian.Sơn dầu từ trước tới giờ là thế mạnh. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì sơn dầu chúng ta đã khai thác khá nhiều và rộng rồi. Đòi hỏi một sự bứt phá trong lĩnh vực này còn là vấn đề thời gian, đó là thực trạng chung. Mặt khác cũng do các hạn chế về mặt chấm qua ảnh, hoặc có những tác giả có những sáng tạo mới nhưng họ không phải là một gương mặt mới nên cũng rất khó để đánh giá khách quan.Chúng ta phải nhìn nhận ở mức độ rộng là các nghệ sỹ đã có ý thức hơn trong việc thể hiện tư tưởng và trách nhiệm của mình trong tác phẩm. Những vấn đề biên giới, biển đảo, vấn đề đời sống lao động, những vấn đề sâu xa hơn trong đời sống xã hội, phê phán cũng có nhưng bằng nghệ thuật, đó là ý thức tốt và là cái hay. Bên cạnh đó có những tác phẩm mà những tác giả đã quen thì đó cũng là chuyện bình thường vì họ không thể thay đổi hơn được nữa và họ vẫn vững vàng như thế, vẫn đẹp như thế, vẫn hay như thế.


Giải Khuyến khích: Tác phẩm Người bạn, acrylic của Nguyễn Tuấn Dũng


PV: Ông có nhận xét gì về hai tác phẩm được giải Vàng năm nay?

 HS. Lê Anh Vân: Về tác phẩm điêu khắc tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng”, đó là một quần thể lớn, là một công trình mang tính chất tổng hợp, được sáng tác trên một đề tài rất hay, ca ngợi người mẹ Việt Nam thông qua hình ảnh mẹ Thứ, một người mẹ với sự hy sinh quá lớn với dân tộc mình. Về tổng thể tượng đài là một ngọn núi sừng sững, trong một môi trường rất đẹp và tương tác tốt với người xem. Tôi đã được chiêm ngưỡng tác phẩm này tại Quảng Nam, ở đây hội tụ cả về yếu tố thẩm mỹ, văn hóa và tâm linh. Cá nhân tôi đánh giá tác phẩm này xứng đáng được giải cao.Còn về tác phẩm đồ họa, nó nhỏ thôi. Có người bảo dù sao thì sơn dầu mới khó chứ đồ họa thì đơn giản hơn…. Tôi nghĩ cái gì đạt đến cái đẹp đều khó, nên tôi không so sánh việc ấy. Bức tranh “A di đà Phật” như một lời khấn nguyện, là niềm tin vào các giá trị nhân văn của cuộc đời.  Trước hết tạo hình là chọn đen trắng và những nét khắc rất linh hoạt tạo nên những hiệu ứng thị giác rất thú vị, gây rung cảm sâu sắc, mang tính triết lý. Như tôi biết đó là mạch sáng tạo chính của tác giả từ trước tới nay. Nếu đem so sánh với các tác phẩm trong khu vực ASEAN thì tôi thấy nó rất xứng đáng. PV: Theo như ông nói thì số lượng tác phẩm được chọn để trưng bày đợt này ít hơn đợt trước. Vậy trong quá trình chấm giải Hội đồng Nghệ thuật có gặp phải khó khăn nào không?HS. Lê Anh Vân: Năm nay cũng như những năm trước đó là chúng ta lựa chọn, chấm tác phẩm qua ảnh.


Giải Khuyến khích: Tác phẩm Nhà xưa, sơn mài của Nguyễn Thị Loan Phương

 

Huy chương Đồng: Tác phẩm Ngày đơm hoa, lụa của Trần Xuân Bình

 


Huy chương Đồng: Tác phẩm Người ở làng, màu tự nhiên trên giấy dó của Trần Hoàng Sơn

 

Huy chương Đồng: Tác phẩm Tứ quý, acrylic của Nguyễn Đình Vũ

 

Huy chương Đồng: Tác phẩm Chuyện quê 10, gỗ, sơn của Kù Kao Khải


Điều này cũng gây hạn chế giữa ảnh và tranh là một khoảng cách lớn, đôi khi những bức tranh được mang đến chất lượng không thực như trong ảnh, hoặc ảnh làm giảm giá trị của tranh. Chấm ảnh điêu khắc là rất khó vì nó là khối nổi, nên dù có là ảnh có chụp mấy chiều, quay cả video nhưng cũng rất khó cho đánh giá. Đây là khó khăn khách quan do cần hạn chế chi phí, công sức vận chuyển.Trong 4076 tác phẩm tham gia dự thi Hội đồng chỉ chọn có 409 tác phẩm, chỉ bằng 1 nửa những kì trước, do không gian trưng bày còn nhiều hạn chế nên số lượng như vậy chúng tôi nghĩ là phù hợp hơn. Tuy vậy điều này cũng đòi hỏi Hội đồng phải nỗ lực hơn trong công tác đánh giá. Phương án tối ưu là bỏ phiếu với tên tác giả được giữ kín, tiêu chí mỗi tác giả chỉ được chọn một tác phẩm. Việc bỏ phiếu có ưu điểm là thể hiện được đa số ý kiến, tuy nhiên cũng có những hạn chế nên sẽ có tác phẩm người này người kia thích nhưng không được lựa chọn vì không đủ phiếu. Cũng đã có những tranh luận, mâu thuẫn nhưng tất cả do lá phiếu quyết định, cùng với tinh thần công tâm, khách quan, chúng tôi tin tưởng đã lựa chọn được các tác phẩm xứng đáng để giới thiệu với công chúng.
PV: Qua Triển lãm mỹ thuật Việt nam 2015, ông nghĩ chúng ta còn cần phải cải thiện những vấn đề gì để thực sự nâng cao được chất lượng Triển lãm cũng như đời sống Mỹ thuật cả nước?

 HS. Lê Anh Vân: Đầu tiên không chỉ tôi mà mọi anh em đều nhận thấy là chúng ta không có không gian trưng bày trong khi lực lượng sáng tác của chúng ta rất đông.  Đây cũng là lý do mà chúng ta phải hạn chế số lượng tác phẩm trưng bày. Không gian Triển lãm Vân Hồ không phải là không gian nghệ thuật nhưng là khả dĩ nhất ở thời điểm hiện nay. Tôi nghĩ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  nên xây dựng một trung tâm triển lãm quốc gia, có thể không phải ở Hà Nội, như tôi đã từng đề xuất ở Hà Nam hoặc khu Hòa Lạc, chúng ta tổ chức các tuyến giao thông phi lợi nhuận để người dân được đi xem Triển lãm. Đó vừa đáp ứng nhu cầu của nền nghệ thuật, vừa nâng cao đời sống và thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng. Quy mô giải thưởng tôi nghĩ cũng nên được chú trọng để giải thưởng vừa động viên, vừa giúp nghệ sỹ cải thiện được đời sống, có thêm điều kiện để sáng tác tốt hơn. Ngày nay chúng ta là một nền  Mỹ thuật đáng kể trong khu vực và được Thế giới nhìn nhận, vậy bản thân chúng ta phải có những hành động xứng đáng với các nghệ sỹ và công chúng yêu nghệ thuật.

PV (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 11+12?2015)