Đào Hoa Nữ - Như cánh chim hải âu không biết mỏi

Vào những ngày đầu tháng 10 năm 1964, hoạt động Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra một sự kiện khá hấp dẫn, đó là việc thành lập Câu Lạc bộ Nhiếp ảnh Nghệ thuật nữ Hải Âu và “trình làng” một triển lãm Ảnh Nghệ thuật được xem là khá bắt mắt; do sáng kiến của nữ nghệ sỹ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ, dưới sự bảo trợ tích cực và lâu dài của Nhà văn hóa Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh...

Vào những ngày đầu tháng 10 năm 1964, hoạt động Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra một sự kiện khá hấp dẫn, đó là việc thành lập Câu Lạc bộ Nhiếp ảnh Nghệ thuật nữ Hải Âu và “trình làng” một triển  lãm Ảnh Nghệ thuật được xem là khá bắt mắt; do sáng kiến của nữ nghệ sỹ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ, dưới sự bảo trợ tích cực và lâu dài của Nhà văn hóa Phụ Nữ  TP. Hồ Chí Minh. Đây là Câu lạc bộ nhiếp ảnh nghệ thuật nữ đầu tiên được thành lập ở Việt Nam. Buổi đầu, Câu Lạc bộ chỉ có 8 thành viên nòng cốt với những bút danh bước đầu đã trở nên quen thuộc trong bạn đọc và công chúng yêu mến nghệ thuật nhiếp ảnh, đó là Đào Hoa Nữ, Phạm Thị Thu, Nguyễn Thị Sin, Thi Thơ, Hồng Nga, Đỗ Ngọc, Nguyễn Kim Thanh, Lý Thị Thuận... Từ đấy, ảnh của các chị xuất hiện liên tục trên các báo, tạp chí ở Trung ương cũng như địa phương và mỗi năm đều đặn trình làng bằng một triển lãm, sau đó là in vựng tập dưới dạng sách ảnh để bán. Riêng Đào Hoa Nữ đã mạnh dạn tổ chức triển lãm ảnh  nghệ thuật cá nhân đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và Huế - quê hương chị.

 

NSNA Đào Hoa Nữ


Đào Hoa Nữ sinh ra và lớn lên tại Cố đô Huế vào năm Ất Dậu (1945). Năm 1959 theo cha mẹ vào Sài Gòn làm ăn sinh sống. Năm 1964, cô gái Huế Đào Hoa Nữ 19 tuổi, được tiếp nhận vào làm việc, chuyên hát tại Ban Ca nhạc Đài phát thanh Sài Gòn và làm thêm công việc ca sỹ phòng trà để kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ.

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đào Hoa Nữ vẫn tiếp tục làm việc ở Ban ca nhạc Đài phát thanh Thành phố Hồ Chí Minh, trong nhóm giới thiệu những ca  khúc mới sáng tác của các nhạc sỹ nổi tiếng như Phạm Trọng Cầu, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Diệp Minh Tuyền... Năm 1979, Đào Hoa Nữ chuyển sang lĩnh vực nhiếp ảnh với công việc tiếp nhận các vật tư ngành ảnh như phim, giấy ảnh, các loại máy ảnh để cung cấp cho các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ. Đây là dịp tốt để Đào Hoa Nữ có điều kiện tìm hiểu tính năng tác dụng của các loại phim, giấy ảnh, thuốc ảnh, cấu tạo và tính năng tác dụng của các loại máy ảnh và cũng từ đó Đào Hoa Nữ bắt đầu cầm máy. Đối tượng bước đầu là đề tài phong cảnh, kế tiếp mới chụp thử đề tài thiếu nhi, các lớp mẫu giáo, những sinh hoạt trên đường phố và nhất là đề tài phụ nữ. Vừa chụp, vừa rút kinh nghiệm trong cách in, tráng phim, phóng ảnh. Năm 1983, trong chuyến đi sáng tác đầu tiên ra miền Bắc tại Hạ Long, được tiếp cận với thiên nhiên kỳ thú, Đào Hoa Nữ như mê đi. Chị bấm máy không hề tiếc phim, làm ảnh  không cần tiết kiệm giấy và cũng chính năm ấy chị mạnh dạn gửi dự thi cuộc Liên hoan ảnh Nghệ thuật lần thứ 5 của Thành phố Hồ Chí Minh và đoạt luôn Giải Nhất (HCV) với tác phẩm ảnh phong cảnh của Hạ Long mang tên Lúc chiều về cùng hai Giải Khuyến khích và nhiều ảnh đẹp về Hạ Long được chụp trong chuyến đi ấy như: Phơi lưới, Bồng bềnh, Êm đềm, Những cánh buồm trắng...

 

Biển cạn


Sau gần mười năm cầm máy lên rừng, xuống biển, đến với vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, Sông Cửu Long, Củ Chi đất thép, Cố đô Huế, Thủ đô Hà Nội, Hoa Lư - Ninh Bình, với hàng nghìn ảnh chụp từ các vùng đất để chọn lựa ra tập sách ảnh “Việt Nam quê  hương tôi” để rồi ông nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường  hạ bút ghi những dòng cảm tác: “Điều làm tôi thán phục trước tài năng của Đào Hoa Nữ là sự tiếp cận giữa nhiếp ảnh và hội họa. Trong ảnh nghệ thuật Đào Hoa Nữ, người ta tìm thấy thật nhiều bút pháp và “chất liệu” của hội  họa. Có thể nghĩ tới chất mạnh mẽ và rực rỡ của sơn dầu (qua tác phẩm Về chuồng, Được mùa); sự  mượt mà của tranh lụa (tác phẩm Mùa đông, Suối Yến Chùa Hương); sự mênh mông của tranh thủy mặc (tác phẩm Nơi rừng gặp biển, Mây mù Tây Bắc); sự chất  phác của tranh dân gian (Vọng tiếng đàn xưa). Và nếu những ảnh như Chợ ngựa Bắc Hà, Bản làng dưới trăng rất gần với phong cách đồ họa thì nét mong manh của khối, cảnh ánh trăng và trong Cơm chiều, Chiều sông Hương lại mang dấu ấn của hội họa ấn tượng;  Cất vó lại là một tác phẩm ký họa bậc thầy;  Cây gạo quê em là một tiểu cảnh bon sai; trong khi Trôi dạt lại là linh hồn sâu thẳm của mỹ học Thiền... Có thể nói, Đào Hoa Nữ  là một họa sỹ giỏi tay nghề của nhiều trường phái, chỉ có khác là chị “vẽ” bằng máy ảnh...”.

 

Nét cổ Hội An


Đó là ý kiến của nhà văn, nhà nghiên cứu nghệ thuật Hoàng Phủ Ngọc Tường. Còn đánh giá về phẩm hạnh, tài năng của Đào Hoa Nữ, Tổng Thư ký Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam hồi đó là Hoàng Tư Trai đã viết: “Trước khi xem ảnh của chị, tôi chợt nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao, nhà thơ, danh nhân văn hóa thế giới và cũng là người thợ ảnh năm xưa đầy kính yêu của chúng ta đã nói về phẩm chất của Phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đảng”. Trên phương diện hoạt động lao động nghệ thuật, với tư cách nghệ sỹ, công dân, tôi nghĩ rằng chị có thể tự hào và tìm thấy chỗ đứng của mình trong câu nói nổi tiếng đó...”.

Những bậc thầy lớn trong “làng” Nhiếp ảnh Nghệ thuật như Võ An Ninh, Nguyễn Mạnh Đan cũng đánh giá cao tài năng và tác phẩm của Đào Hoa Nữ.

Đồng nghiệp, người quản lý trực tiếp - Nghệ sỹ Lâm Tấn Tài có những nhận xét mang tính khái quát mà độc đáo: “... Tác phẩm của Đào Hoa Nữ toát lên chất thơ lãng mạn, chất nhạc bay  bổng, có phải chính nền thơ ca và thiên nhiên của đất mẹ đã cất cánh cho chị? Phải chăng những kiến trúc cổ kính của sông Hương núi Ngự là những ấn tượng của thời trẻ đã ảnh hưởng đến đường nét, màu sắc, bố cục trong tác phẩm của chị? Nhưng bằng tâm hồn, tình cảm của một người mẹ, người chị, sự yêu quí và lòng nhân hậu đối với người đời, tác phẩm của chị đã lắng đọng trong lòng người xem...” (Lâm Tấn Tài, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh).

 

Khói cơm chiều Hạ Long


Ngay từ những năm đầu bước chân vào nghề nhiếp ảnh, Đào Hoa Nữ đã liên tiếp thành đạt qua các tác phẩm đoạt giải trong nước như: Lúc chiều về (giải Nhất -1983); Trung thu của em (Giải Nhì -1985); tác phẩm Mặt trời Trị An (HCĐ-1986); Huy Chương Bạc tác phẩm Ánh sáng Trị An; Tác phẩm Lựa chọn (Giải Nhất - 1988); tác phẩm  Động Hương Tích (HCĐ-1988); tác phẩm Giờ của chúng mình (Giải B, 1989); Tác phẩm Một quả thua (HCĐ - 1988); Tác phẩm Được mùa tôm cá; Tần tảo cho con (Giải Nhất - 1991); Tác phẩm Vùng trời thương nhớ (Giải Nhì - 1992); Tác phẩm Học đạo (HCV - 1992); Giải đặc biệt do Báo Phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh bình chọn và được bình chọn là Nghệ sỹ nhiếp ảnh xuất sắc nhất liên tục từ năm 1991 đến năm 1994.

Ngoài ra chị còn giành nhiều Giải thưởng Quốc tế và có nhiều tác phẩm được tuyển chọn triển lãm tại các nước như Anh, Pháp, Nhật, Ý, Đức, Hà Lan, Srilanka, Hồng Kông, Thái Lan...

Đến với nghệ thuật nhiếp ảnh tuy hơi muộn (37 tuổi) nhưng Đào Hoa Nữ thành đạt sớm. Sau 10 năm sáng tác đã mạnh dạn ra sách ảnh với những công trình tầm cỡ như sách ảnh “Việt Nam quê hương tôi”; “Huế, quê mẹ của tôi”; “Fetival Huế”...  và nhiều công trình  khác.

Đào Hoa Nữ thử lượng sức mình qua triển lãm chung với các nữ tác giả: Trần Thị Thu Hồng, Thi Thơ, Thanh Hảo (1990); Triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn (năm 1991) và thường xuyên triển lãm với Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Nghệ thuật nữ Hải Âu mà Đào Hoa Nữ đã hơn 20 năm liên tục làm Chủ nhiệm.

 

Thân cò - giải ACCU tại Nhật Bản


Là người khởi xướng thành lập Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Nghệ thuật nữ Hải Âu (6/10/1991), lúc đầu với 8 thành viên, đến nay có 20 tay máy - những cánh Hải Âu vẫn tiếp tục bay cao, bay xa, bay  không biết mỏi; cùng với con chim đầu đàn Đào Hoa Nữ, đó  là Phạm Thị Thu, Thi Thơ, Đỗ Ngọc, Nguyễn Thị Sin... Thật đa năng: vừa viết vừa chụp, vừa vẽ lại vừa làm thơ có Hồng Nga; An Dung với những tác phẩm  nghệ thuật múa; Kim Liên với Những con đường quê, Đường Trường Sơn...

Tên tuổi, sự nghiệp của những cánh chim Hải Âu nhiều người Việt Nam biết đến; giới Nhiếp ảnh các nước trong khu vực và quốc tế biết, trân trọng và khâm phục.

Sau nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp Nhiếp ảnh Nghệ thuật, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam và tổ chức Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế đã phong tặng Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ tước hiệu: Nghệ sỹ Nhiếp ảnh xuất sắc của Việt nam (E. VAPA) và Nghệ sỹ Nhiếp ảnh xuất sắc của Quốc tế (E. FIAP).

 

Chùa Thầy - 1966


Đây là sự ghi nhận và đánh giá khách quan nhất và cũng là vinh dự nhất đối với Đào Hoa Nữ nói riêng và nền Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam nói chung. Đào Hoa Nữ, tuy tuổi không còn trẻ nhưng vẫn là những cánh chim đầu đàn, vẫn đang tung cánh bay cao, bay xa, bay không biết mỏi ngoài biển khơi, thềm lục địa, trên bầu trời các quốc gia để sáng tác, để giao lưu, để trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp về những gì mình đã cống hiến và mình đã thành đạt.

 

H.K.Đ (số 11, tháng 11/2018)

SEMOGA SUKSES OKE TA