“Biển trong chúng ta” những bài học vô giá & không bao giờ cũ…
Những ngày đầu xuân Kỷ Hợi, trong không khí rộn ràng khởi đầu cho những ước vọng mới, nhiều đồng nghiệp trong giới ảnh đã bất ngờ nhận được món quà gửi đến từ Đà Nẵng. Đó là công trình sách ảnh “Biển trong chúng ta” của NSNA Nguyễn Văn Mỹ (Nghệ danh Mỹ Dũng).
NSNA Mỹ Dũng
Bìa sách "Biển trong chúng ta"
NSNA Nguyễn Văn Mỹ sinh năm 1959, hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật từ năm 1984. Anh đã tổ chức 4 cuộc triển lãm ảnh cá nhân như: “Chủ đề ABC, nhìn” (2010) tại Hà Nội và Đà Nẵng; chủ đề “Tự do” (2013); chủ đề “Biển báo giao thông” (2014), và năm 2018 là triển lãm với chủ đề “Biển trong chúng ta” tại Đà Nẵng, công trình sách ảnh cùng tên cũng ra đời.
Ấn phẩm dày 140 trang, khổ 25x25cm. “Biển trong chúng ta” tựa như những trang nhật ký được ghi lại bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, chia làm 6 chương, gồm: “Ngàn đời sóng vỗ”; “Hạnh phúc”; “Thờ biển - giữ biển”; “Bám biển”; “Thiên tai biển động” và “Cả đời với biển”.
Thông qua góc nhìn chọn lọc của nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng, cuộc hành trình trải dài hơn 3.200 km bờ biển, khởi đầu từ Móng Cái (Quảng Ninh) vào tận đến Ngọc Hiển (Cà Mau)… dẫn dắt người xem tuần tự khám phá, từng bước trải nghiệm cuộc sống đa dạng, phong phú nhưng cũng đầy vất vả, gian khó của những người con vạn chài ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam đã chọn biển làm nơi sinh kế, trực diện giữa biển mùa gió Bắc - gió Nam để mưu sinh, gắn bó với biển để sống - chết, buồn - vui… Không chỉ hướng ống kính miêu tả các sinh hoạt đời thường của làng biển: cảnh đan lưới, phơi lưới, đánh bắt, chế biến hải sản, lễ cầu Ngư, lễ Nghinh Ông, mùa biển động, giây phút ngư nhàn… Sự thú vị trong thưởng lãm được tăng dần theo từng trang sách khi góc nhìn của tác giả luôn chú trọng, đi sâu vào tâm trạng từng đối tượng với các cung bậc cảm xúc tinh tế, trân trọng ở từng khoảnh khắc yêu thương...
...thuyền và biển
Ẩn khuất trong mỗi khuôn hình, nơi từng góc máy, ở mỗi gương mặt phủ đầy hơi mặn của biển là ý chí hun đúc, là nghị lực quật cường mạnh mẽ vượt qua khỏi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Những cơn bão tố, những đợt sóng thần… mặc dù rất to lớn nhưng con người đều vượt qua được bằng trí thông minh và lòng dũng cảm. Người xem không khỏi dâng lên cảm xúc khi ngư dân truyền cho nhau niềm tin, động viên nhau bám thuyền, bám biển:
“Chừng nào chim nọ lìa cành
Cá kia lìa biển, anh đành lìa quê”
Cảm khái, bùi ngùi khi gặp hình ảnh hai cụ bà móm mém ở làng biển xã Tam Tiến, huyện Núi Thành (Quảng Nam) - với câu ca dao ngợi ca lòng chung thủy, đồng thời tựa như một lời than đầy khắc khoải về thân phận:
“Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”…
Hoặc vào những năm biển động, thu hoạch mất mùa, người dân làng biển tự an ủi, vỗ về:
“Biển Đông sóng động có mùa
Giàu nghèo có lúc… được thua có hồi…”
Không khỏi chạnh lòng thương cảm cho cuộc sống vất vả của những hộ dân sống bằng nghề bốc vác nhọc nhằn, sớm khuya đối mặt với sương gió:
“Chồng em đi kéo ngao ngoài biển
Đêm khuya trời phất phưởng ngọn gió đông
Da thời lạnh ngắt như đồng,
Tay bồng con dại, cám cảnh cho chồng lắm thay…”
Cầu mong những ước vọng rất đơn sơ, cơm ăn đủ no, được đoàn tụ cùng với vợ con là đã toại nguyện:
“Ra khơi bữa có bữa không
Lạy trời đừng để tố giông cho mình…”
Rồi tâm trạng lại bừng lên hớn hở, reo vui khi chứng kiến gia cảnh đầm ấm sum họp nơi xã biển Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau):
“Chồng chài, vợ lưới, con câu
Thằng rể đóng đáy, con dâu đi nò”…
... thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn
... tháng chín mưa giông thuyền nong ghé bến / từ nơi bãi biển qua đến buổi chợ chiều nuôi con chồng vợ hẩm hiu / nhà tranh một mái tiêu điều nắng mưa
... tháng tám trời thổi gió nồm / tháng ba động bắc có làm không ăn
… Sinh trưởng ở làng chài Thọ Quang, dưới chân núi Sơn Trà, tuổi thơ của cậu bé Mỹ Dũng và đồng bạn là những ngày đầu trần, chân đất với trò đánh gậy, nhặt ốc, chọi đáo… trên những đụn cát vàng cháy. Hơn 5 năm theo đuổi đề tài “Biển trong chúng ta” là cơ hội Mỹ Dũng được trở về với ký ức của vùng trời đầy nắng và gió… bằng những tình yêu rất thật. Sử dụng góc máy trung cảnh và cận ảnh, phảng phất đâu đó nơi mỗi hình tượng là những trăn trở của nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng trong quá trình tìm kiếm chính bản thân, phát triển đam mê, hình thành nên những câu chuyện kể về biển qua lăng kính chân thực và vô cùng lôi cuốn…
Những trang nhật ký bằng ảnh “Biển trong chúng ta” không chỉ lưu giữ những “Di sản lịch sử” quý, giá trị thiết thực đối với các nhà quản lý, nhà nghiên cứu mà còn hữu ích, trợ giúp thông tin cho những ai mong muốn có được cái nhìn tương đối toàn diện về hương ước, phong tục, tập quán, những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội… chỉ có ở môi trường thường xuyên phải ứng xử với những điều kiện khắc nghiệt của đại dương như: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tục thờ mộ gió (mộ chiêu hồn) đảo Lý Sơn… được chiêm nghiệm, sáng tạo, đúc kết, lưu truyền qua nhiều thế hệ trong tiến trình sinh tồn và phát triển...
... lấy chồng nghề ruộng em theo / lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm
... không có gì bằng cơm với cá / không có gì bằng má với con
\
... khơi thu,ngừ, nục lộng ve,đục xòe
Bình dị nhưng đầy tâm huyết, bức thông điệp nối liền giữa con người với thiên nhiên nơi “Biển trong chúng ta” của nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị của tài nguyên; môi trường biển - đảo; lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền vùng trời và vùng biển của Tổ quốc… Muôn đời bí ẩn và rộng lớn, biển cả luôn cho ta những bài học vô giá và không bao giờ cũ…
LXT (Số 3, tháng 3/2019)