Nghệ sĩ BẢY LAM – Đằng sau những bức ảnh
Bảy Lam là cái tên quen thuộc mà những người gần gũi ông hay gọi bằng tấm lòng yêu thương trìu mến. Nghệ sĩ Bảy Lam tên thật là Trần Lam sinh năm 1941 ở Hậu Giang, trong một gia đình Cách mạng, sống ở Kiên Giang. Ông sinh ra và lớn lên trong khi đất nước còn bị ngoại bang xâm lược. In đậm trong tuổi thơ ông là những ngày chiến tranh vệ quốc, gian khổ đấu tranh giành hòa bình cho đất nước ông. Có lẽ cũng vì thế ông yêu mến cảnh thiên nhiên bình yên, êm ả và thơ mộng. Ông quí trọng những ngày hòa bình cho những người dân lành cuộc sống còn nhiều lam lũ, ông yêu quí thiên nhiên quanh mình bằng một tình yêu dâng hiến. Không chỉ là một Nghệ sĩ, ông đã được phong danh hiệu Anh hùng vì những cống hiến của ông cho Tổ quốc mình, nghệ sĩ Trần Lam còn là một nhà Từ thiện có nhiều giúp đỡ cho cộng đồng.
Dù ở cương vị nào, thời gian nào thì tình yêu và lòng đam mê nghệ thuật luôn ấp ủ trong ông. Từ khi cầm chiếc máy ảnh trong tay, cứ rảnh lúc nào là ông chụp. Ông yêu thương con người và đắm mình với những cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ông đến với nhiếp ảnh thật trong sáng và giản dị, sự nghiệp ảnh của ông chủ yếu là lòng đam mê, tự học, tự vươn lên. Vốn sống, tình yêu và cảm xúc của một trái tim nhân hậu là bệ đỡ vững chắc cho ông bước vào con đường nghệ thuật này. Ông trở thành hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Thế giới. Ông đã được phong tước hiệu EVAPA (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh xuất sắc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) và EFIAP (Nghệ sĩ xuất sắc của Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật Quố tế - FIAP). Nhận xét về ông, ông Riccardo Busi, Chủ tich FIAP nói: Ông Tran Lam, một thành viên lâu năm của đại gia đình FIAP, là một nhiếp ảnh gia năng nổ. Ông đã khẳng định bản thân bằng những bức ảnh đẹp có khả năng tạo ra những cảm xúc sâu lắng cho những ai đã may mắn được thấy chúng. Nghệ sĩ Trần Lam là một nhiếp ảnh gia tài năng với một trái tim nhân hậu, FIAP thật vinh dự vì có Tran Lam là thành viên của mình.
Nhiếp ảnh gia Trần Lam đến với nghệ thuật nhiếp ảnh không theo một trường phái nào. Ông đến với nghệ thuật này bằng cảm xúc, bằng những trải nghiệm cuộc đời mình, bằng tình yêu quê hương da diết. Có thể nói Trần Lam lấy nhiếp ảnh để gửi gắm, để chia xẻ tình yêu của mình với mọi người. Tôi đọc được điều này đằng sau những bức ảnh của ông. Ở Phú Quốc, ông chụp một cháu bé bán vé số, đôi mắt ngước nhìn du khách cầu mong, đợi chờ. Nhưng chú giải của ông lại như một lời cảm thán: “Chú xin lỗi cháu, lẽ ra giờ này cháu phải được học bài”. Những khoảnh khắc của “Cơm rừng”, “Khi mẹ vắng nhà”, “Mùa cá linh” hay “Thúng cơm từ thiện” đều chứa nhiều khắc khoải của
riêng ông. Thật thú vị khi nhiếp ảnh gia Trần Lam vẽ chân dung con người bằng “Búi tóc của mẹ”, bằng bát cơm rừng cũng như thúng cơm từ thiện. Thật tài, ông là người biết chọn cảnh gửi tình vào trong đó!
Ông vừa cho ra mắt phần I cuốn sách ảnh “Những khoảnh khắc của thiên nhiên” về những loài chim mà ông yêu thích là sếu và hải âu. Những người cầm máy ai cũng biết rằng để có được những tấm ảnh này người nghệ sĩ đã phải lăn lộn bao đêm ngày, mất bao nhiêu công sức để có được những những tấm ảnh như vậy. Ông đã gửi tặng 3000 cuốn cho bệnh viện K để bán ủng hộ những bệnh nhân nghèo ở Hà Nội. Cuốn sách ra mắt bạn đọc thật đẹp và trang trọng. Sắp tới, ngày 21.10 ông trưng bầy một triển lãm gồm 79 bức ảnh sếu và hải âu nhân kỉ niệm 79 năm tuổi đời của ông tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội.
Nói về ông, về ảnh của ông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: “Tập sách cũng là tiếng lòng sâu nặng về tình yêu quê hương đất nước của một người con vùng đất Kiên Giang,nơi mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lam đã trải hồn mình ra để hoà quyện vào sự khoáng đạt của đất trời, vào sự phóng khoáng của thiên nhiên Việt Nam qua thế giới các loài chim. Mỗi trang sách như từng con sóng nhỏ đậm phù sa, nối nhau không bao giờ dừng lại ...”.
Nguyễn Thành