ĐIỂM TIN MỸ THUẬT VÀ NHIẾP ẢNH THẾ GIỚI TRONG TUẦN (TỪ NGÀY 12 ĐẾN 18/6/2016)

20/06/2016
Từ 7/6 đến 29/10/2016, tại Bảo tàng Nghệ thuật Tel Aviv diễn ra triển lãm ảnh “W. Eugene Smith: Những tác phẩm chọn lọc” của nhiếp ảnh gia gạo cội W. Eugene Smith (1918-1978)

Từ 7/6 đến 29/10/2016, tại Bảo tàng Nghệ thuật Tel Aviv diễn ra triển lãm ảnh “W. Eugene Smith: Những tác phẩm chọn lọc” của nhiếp ảnh gia gạo cội W. Eugene Smith (1918-1978) - rất nổi tiếng với những phát triển và hoàn thiện khái niệm về “phóng sự ảnh”, cũng là người sáng tạo và phát triển mô hình “nhiếp ảnh báo chí nhân văn. Triển lãm gồm những hình ảnh trích từ một số bộ ảnh và phim tài liệu quan trọng của ông – hội tụ tinh thần cống hiến vì xã hội và nghệ thuật của người nghệ sĩ. Sinh thời, Eugene Smith được thừa nhận là một trong 10 nhiếp ảnh gia Hoa Kỳ vĩ đại nhất TK 20 và có ảnh hưởng lớn đối với các thế hệ hậu sinh. Sinh năm 1918 ở Kansas, Smith bắt đầu chụp ảnh từ rất sớm. Năm 21 tuổi, ông đã là phóng viên của tạp chí Life. Trong Đại chiến 2, ông là phóng viên chiến trường và bị thương khá nặng. Năm 1957, sau khi gia nhập đội ngũ của hãng Magnum với tư cách nhiếp ảnh gia tự do – đồng nghĩa với cảnh ‘túng bấn không nuôi nổi gia đình’ - Smith đã phải chia tay vợ con, chuyển tới New York lập nghiệp. Dự án nổi tiếng cuối cùng của ông là loạt phóng sự ảnh về thảm họa hoá chất thải phá huỷ môi trường biển tại vùng vịnh Minamata, Nhật Bản, có sự hợp tác của người vợ thứ hai, Aileen.  Ông qua đời vào năm 1978 tại Tucson, Arizona, ở tuổi 59.

(Art Slant)

 

W. Eugene Smith, “Mẹ tắm cho con gái”, 1971. (Cô gái 16 tuổi, bị nhiễm độc thuỷ ngân ở Minamata từ khi còn trong bụng mẹ) ©W. Eugene Smith

 

 

 

Từ ngày 9/6 đến 18/7/2016, tại Gallery MOMO ở Johannesburg diễn ra triển lãm MUPIA-MUPIA, triển lãm cá nhân đầu tiên của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Congo Maurice Mbikayi. Dựa trên ý tưởng tương lai và các khái niệm của cơ thể liên quan đến thể chất và/hoặc không gian ảo, nhiếp ảnh gia đã sử dụng các linh kiện công nghệ, đặc biệt là của máy tính như thứ chất liệu bổ sung cho các đồ thời trang, của các nhận vật trong ảnh của mình, gợi nhớ tới hình tượng “cyber-citizen”. Trong triển lãm này, Mbikayi tập trung vào các giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa của bản sắc kỹ thuật số liên quan đến thời trang như một phép ánh xạ và ảnh hưởng của nó đối với xã hội thành thị châu Phi, và cụ thể hơn, xã hội Congo. Maurice Mbikayi sinh ra ở Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo, hiện nay sống và làm việc tại Cape Town, Nam Phi. Có bằng cử nhân thiết kế đồ họa của Viện Hàn lâm Mỹ thuật Kinshasa và thạc sĩ mỹ thuật của Đại học Cape Town, năm 2010 ông từng được Alliance Française chọn và tổ chức một triển lãm cá nhân lưu động tại Nam Phi, Swaziland và Mozambique.

(Art Daily) 

 

Maurice Mbikayi, “Chính trị gia có gu”, 2016 ©Maurice Mbikayi

 

 

 

Chính quyền thành phố Athens đã phải sơ tán khẩn cấp hàng chục tác phẩm điêu khắc ngoài trời sau khi 5 pho tượng đồng đã ‘không cánh mà bay’ hồi tháng trước, 5/2016, và một tượng đá cẩm thạch mới bị phá hoại. “Chúng tôi đã xác định có 49 tác phẩm điêu khắc đang đặt ở những địa điểm có nguy cơ bị hại cao và đang xem xét việc cất tạm chúng đi và thay vào đó những bản sao,” thị trưởng Yiorgos Kaminis cho biết trong một cuộc họp báo đầu tháng 6/2016. Nhà chức trách Hy Lạp trong những năm gần đây phải vật lộn để khôi phục lại nhiều tác phẩm trong số khoảng 200 pho tượng ngoài trời của thủ đô Hy Lạp thường xuyên bị phá hoại hay mất trộm.

(AFP)

 

Khách du lịch chụp ảnh trước của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Athens, tháng 6/2016 (Tượng của các triết gia Hy Lạp cổ đại Plato và Sokrates được dựng ở mặt tiền) ©AFP

 

 

 

37 ảnh khổ lớn của Thomas Struth sáng tác trong giai đoạn 2005-2016 đang được trưng bày lần đầu tiên tại Martin Gropius Bau, Berlin. Struth được đánh giá là một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất của thế hệ mình. Chủ đề ảnh của Struth thường là các xí nghiệp công nghiệp, phòng mổ bệnh, phòng thí nghiệm khoa học cũng như các kiến ​​trúc ngoài trời hoặc công viên. Những tác phẩm gần đây của ông tập trung khám phá những khát vọng và trí tưởng tượng của con người - những nỗ lực nhân tạo nhằm mở rộng các giới hạn của công nghệ. Thomas Struth (sinh năm 1954) là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nhiếp ảnh đương đại. Những bức ảnh về phong cảnh, đường phố, hay những đám đông du khách viếng thăm bảo tàng của ông đều là những công trình khảo sát mối quan hệ giữa con người với lịch sử và xã hội. Ban đầu, ông học hội họa với Gerhard Richter, tiếp đó, từ 1976, học nhiếp ảnh với Bernd và Hilla Becher tại Kunstakademie Düsseldorf. Ngay từ năm 1992, tác phẩm của Struth đã được trưng bày tại Documenta IX ở Kassel.

(Art Daily)

 

Thomas Struth, “Bên trong hệ thống thiết bị Tokamax ở Viện Max Planck IPP”, Garching 2009. © Thomas Struth

 

 

 

Bị tình nghi bán những chiếc ghế cổ giả mạo trị giá 1,9 triệu USD cho cung điện Versailles, đại lý cổ vật Laurent Kraemer, người đứng đầu Gallery Kraemer danh tiếng ở Paris (thành lập từ 1875), và chuyên gia đồ gỗ Bill Pallot mới đây đã bị bắt giữ để điều tra. Văn phòng giám quản đồ giả mạo của Pháp (OCBC) đã điều tra hai nghi can này ngay từ năm 2012. Nhiều đời kinh doanh cổ vật, nhà Kraemer từng có khá nhiều thương vụ  bán các hiện vật TK 18 cho Bảo tàng Louvre, Bảo tàng Metropolitan và Bảo tàng Mỹ thuật Boston. Năm 2009 Nhà Kraemer và chuyên gia Pallot từng bán cho cung điện Versailles một bộ gồm 4 chiếc ghế có gắn gia huy, và tuyên bố đấy là đồ xịn của nghệ nhân Louis Delanois. Các nhà điều tra nghi ngờ ít nhất hai chiếc ghế, được mua với số tiền tổng cộng 1,7 triệu euro (1,9 triệu USD) là đồ giả. Trong 20 năm qua, cung điện Versailles đã mua lại được 10 chiếc ghế của bộ ghế nguyên bản, và 01 chiếc được cho là đồ làm lại vào TK19. Tuy nhiên, Charles Hooreman - chuyên gia đồ gỗ TK18 - đã tỏ ra nghi ngờ khi có quá nhiều ghế cổ trong báo cáo của điện Versailles tập trung vào một người bán. Và sau khi được mời kiểm tra những chiếc ghế do nhà Kraemer bán, Hooreman tuyên bố ‘có bằng chứng chúng mới được chế tác gần đây’. Trong một thông cáo báo chí, điện Versailles lưu ý rằng họ đang rất quan tâm tới vụ việc này và “sẽ có những hành động pháp lý thích hợp”.

(Telegraph)

 

Phòng Gương ("Galerie des GLACES") của Cung điện Versailles, tháng 6/2014. ©Bertrand Guay / AFP / Getty Images.

 


Một chiếc ghế do nghệ nhân Louis Delanois làm cho Madame du Barry – người tình vua Louis XV. ©Versailles.

 

 

Từ ngày 13/6 đến – 6/9/2016, một bức chân dung tự hoạ dang dở và một số ký hoạ của Lucian Freud được trưng bày lần đầu tiên trong triển lãm “Lucian Freud Unseen” tại Bảo tàng Chân dung Quốc gia (NPG) tại London. Các bức ký hoạ được chọn lọc từ những cuốn sổ ký hoạ chưa từng công bố cùng với một chân dung tự họa mới được phát hiện của ông, được trưng bày ở đây sau khi chúng được bàn giao cho bảo tàng theo quyết định của Hội đồng Nghệ thuật trực thuộc Chính phủ Anh. Ngoài bức chân dung tự hoạ dang dở còn có ký hoạ chân dung của những nhân vật nổi tiếng, trong đó có bức phác thảo chân dung Lady Caroline Blackwood có liên quan đến kiệt tác “Phòng ngủ trong Khách sạn” của ông (hoàn thiện năm 1954) cũng có mặt tại triển lãm này. Riêng bức chân dung tự hoạ chưa hoàn thành là một bổ sung quan trọng vào bộ sưu tập các bức chân dung của Lucian Freud tại bảo tàng. Lucian Freud (1922-2011) là một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất và có ảnh hưởng của thế hệ mình. Những sổ tay ký hoạ ông vẽ từ giữa những năm 1940 cho đến khi mất là tư liệu vô giá để các nhà nghiên cứu và những người yêu mến ông hiểu thêm về những thực hành hội hoạ của nhà danh hoạ.

(Artnet)

 

Lucian Freud, “Cô gái đang ngủ”. ©The Lucian Freud Archive.

 

Lucian Freud, “Anna ở Venice”, khoảng.1960 ©The Lucian Freud Archive

 

Lucian Freud, “Chân dung tự hoạ dang dở” ©NPG

 

 

 

Phiên đấu giá “Nghệ thuật Hiện đại & Hậu chiến của Anh” tại nhà Sotheby’s tối 13/6 và ngày 14/6 đã đạt tổng doanh số hơn 10,6 triệu bảng, với tỷ lệ bán được 75,9%; trong đó hơn một nửa bán được giá cao hơn giá dự kiến. Các kỷ lục mới của một số nghệ sĩ đã được lập: CRW Nevinson, Michael Andrews, Richard Smith và Joe Tilson. Nổi bật nhất là hai tác phẩm điêu khắc của Dame Barbara Hepworth: “Những hình chuyển động (Galliard)” (1956) - một tác phẩm điêu khắc đồng, bán được 365.000 bảng. và Hình tĩnh”, chạm khắc bằng đá cẩm thạch (1973), mang về 1,865 triệu bảng - giá cao nhất cho một tượng đơn của Hepworth từng bán tại London. Nhiều tác phẩm điêu khắc khác trong phiên đấu giá này cũng bán được giá tốt, bao gồm các tác phẩm của Dame Elizabeth Frink, William Turnbull, Kenneth Armitage và Antony Gormley. Một tác phẩm đáng chú khác tại phiên đấu giá là bức tranh “Near Malu Kata Evening, Katatjuta (The Olgas)” vẽ phong cảnh Úc châu của hoạ sĩ Michael Andrews - một trong những họa sĩ Anh có ảnh hưởng nhất của thời kỳ hậu chiến. Bức này bán được hơn 1,2 triệu bảng.

(Art Daily)

 

Barbara Hepworth, “Hình tĩnh”. Cẩm thạch trắng. 1973. 1,865 triệu bảng ©Sotheby.

 

“Những hình chuyển động (Galliard)”, Đồng, 1956. ©Bowness

 

 

Tin thêm về cuộc chiến pháp lý giữa sưu tập gia nghệ thuật tỷ phú Leon Black và gia đình hoàng gia Qatar về quyền sở hữu pho tượng nổi tiếng của Picasso có tên “Bust of a Woman” (tượng bán thân của một người đàn bà): những chi tiết của vụ dàn xếp với thiện chí của các bên có liên quan đã được tiết lộ. Người được giữ pho tượng bây giờ là Leon Black, người đã mua tác phẩm này từ Gagosian Gallery; còn hoàng gia Qatar sẽ nhận được một khoản bồi thường tài chính không được tiết lộ. Hồi tháng 5/2015, Larry Gagosian đã mua pho tượng này với giá 106 triệu USD từ con gái của Picasso, bà Maya Widmaier-Picasso. Bà này dường như trước đó đã bán nó, từ tháng 11/2014 cho một đại diện của gia đình hoàng gia Qatar với giá 42 triệu USD. Bức tượng bán thân này do Picasso tự tay tạc người tình nổi tiếng của ông, nàng Marie-Thérèse Walter kiều diễm, vào năm 1931.

(Artnews)

 

Picasso, “Bust of a Woman”, 1931. ©Gagosian Gallery 

 

 

 

Phiên bản 2016 của Art Basel - Hội chợ nghệ thuật đương đại quốc tế lớn nhất thế giới  - đã chính thức mở cho công chúng vào ngày 16/6, với 286 gallery từ hơn 80 thành phố lớn trên thế giới mang tác phẩm của hơn 4.000 nghệ sĩ đến trưng bày. Nhóm giám tuyển của Art Basel năm nay gồm Gianni Jetzer (Tổng giám tuyển tại Bảo tàng và Công viên Điêu khắc Hirshhorn ở Washington DC); Samuel Leuenberger (Curator độc lập và nhà tổ chức triển lãm của SALTS ở Birsfelden); Maxa Zoller (giảng viên đại học, nhà làm phim ở Cairo); và Marian Masone (nhà làm phim, giảng viên, nhà văn ở New York). Hội chợ Art Basel được chia thành tám mảng - Galleries, Feature, Statements, Edition, Unlimited, Parcours, Film, Magazines – được bày trong hai toà Hall One và Hall Two của Messe Basel, địa điểm triển lãm lớn nhất và quan trọng nhất của Thuỵ Sĩ. Được thành lập vào năm 1970 bởi ba chủ gallery Thụy Sĩ, hội chợ nghệ thuật quốc tế Art Basl đã thu hút hơn 16.000 du khách trong năm khai trương. Năm ngoái, Art Basel có 98.000 lượt người tham quan. 

(Art Forum)

 

Gian hàng của gallery Lehmann Maupin tại Art Basel 2016, Basel © Art Basel.   

 

Khách xem tranh tại gian của phòng tranh Acquavella Galleries tại Art Basel 2016, Basel © Art Basel.

 

 

 

Một tác phẩm ‘bặt vô âm tín’ từ ​​lâu của Paul Gauguin, danh hoạ Hậu-Ấn tượng Pháp, sẽ xuất hiện ở Connecticut vào ngày 29/6 trong một cuộc đấu giá, sau hơn 30 năm được treo trên tường của một đại lý đồ cổ ở Manhattan, người hoàn toàn không biết gì về tác giả huyền thoại của nó. Bức tranh “Fleurs D'Ete Dans Une Goblet” (1885) đã xuất hiện trong danh mục đấu giá ở nhà đấu giá Litchfield County với tên tác giả Gauguin với giá ước tính từ 800 ngàn USD đến 1,2 triệu USD. Người ta cho rằng bức tranh này đã được bán cho nhà buôn tranh Ambroise Vollard ở Paris sau khi Gauguin qua đời. Vẫn còn hồ sơ ghi rõ rằng Vollard đã mua một bức tranh miêu tả “những đoá hoa màu xanh” của bà quả phụ Gauguin. Bức tranh sau đó được bán cho một nhà sưu tầm không rõ tên, và vào năm 1950, nó được bán cho một đại lý ở New York, ngài Gilbert S. Khan. Vào những năm 1980, một nhà buôn đồ cổ (muốn giấu tên) không hề biết bức tranh này của Gauguin, đã mua nó và vẫn treo nó trên tường nhà cho đến bây giờ. Tác giả bức tranh đã được Viện Wildenstein ở Paris chứng thực là Paul Gauguin.

(The Artnewspaper)

 

Paul Gauguin, “Fleurs D'Ete Dans Une Goblet”, (1885). ©Litchfield County Auctions.

 

Paul Gauguin, “Fleurs D'Ete Dans Une Goblet”, (1885). (cả khung) ©Litchfield County Auctions.

 

Hàm Phong (Tổng hợp và lược dịch)

 

 

SEMOGA SUKSES OKE TA