Triển lãm “Sắc màu văn hóa Việt Nam” tại Paris, Pháp - Chuyên đề Tranh lụa và sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam

17/11/2023
Trong khuôn khổ tuần Văn hóa Việt Nam tại Pháp chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp (2013-2023), chiều ngày 16/11/2023 tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm Sắc màu văn hóa Việt Nam - Chuyên đề Tranh lụa và sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam nhằm giới thiệu đến công chúng Pháp nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung về văn hóa, cuộc sống, đất nước, con người Việt Nam qua nét đẹp của nghệ thuật tranh lụa và các sản phẩm thủ công truyền thống.

Triển lãm vinh dự được đón tiếp ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp cùng các vị quan khách và đông đảo người dân tại thủ đô Paris tới dự.

Triển lãm chọn lọc trưng bày 40 bức tranh của các họa sĩ đương đại, gần 100 bức ảnh về di sản và các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đại diện Ban tổ chức cho hay “Tranh lụa là thể loại hội họa độc đáo, riêng có của Việt Nam. Cùng với hội họa sơn mài, tranh lụa Việt Nam còn được nổi tiếng với vị trí là một nghệ thuật đại diện cho sự giao thoa, tiếp biến thành công giữa các giá trị mỹ thuật phương Đông và phương Tây. Giữa bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam cuối những năm 1920 - đầu 1930, tranh lụa xuất hiện và được định hình như một kết quả tất yếu của cuộc gặp gỡ giữa mỹ thuật Pháp và mỹ thuật Việt. Với những chắt lọc thành tựu mỹ thuật Tây Âu qua các người thầy Pháp, sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã xây dựng cho hội họa dân tộc mình một nét đặc sắc riêng qua tranh lụa. Bộ sưu tập mà Ban Tổ chức lựa chọn trưng bày trong triển lãm là sự trình diễn khá đầy đủ sự chuyển biến tươi mới của hội họa tranh lụa trong giai đoạn 10 năm gần đây. Đó là sự đa dạng, phong phú về cách tiếp cận, về quan niệm thẩm mỹ của tranh lụa, trong đó nhiều điểm nổi bật khẳng định biên độ rộng mở hơn rất nhiều của tạo hình tranh lụa thông qua chủ đề, qua sử dụng chất liệu mới, cách diễn đạt tạo hình mới mà không làm mất đi vẻ đẹp trong trẻo và lãng mạn, trữ tình”

Ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đại diện Ban tổ chức phát biểu tại triển lãm

Bên cạnh không gian trưng bày tranh lụa là không gian trưng bày ảnh giới thiệu về di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận, ghi danh các hình ảnh về kiến trúc, danh lam thắng cảnh, đất nước, con người cùng với các sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu của các nghệ nhân Việt Nam như: gốm, mây tre, sơn mài, đậu bạc, áo dài, trang phục dân tộc và các sản phẩm lụa, thổ cẩm, đèn lồng Hội An, hoa sen giấy Huế…được trưng bày tại triển lãm lần này tạo nên không gian Văn hóa Việt Nam thu nhỏ, giản dị nhưng đầy hấp dẫn.

Qua triển lãm này, Ban Tổ chức hy vọng góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác về văn hóa nghệ thuật giữa hai quốc gia, là dịp để người dân Pháp, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, và những người yêu mến Việt Nam hiểu biết thêm về đất nước, con người Việt Nam.

Một số hình ảnh tại buổi Khai mạc triển lãm:


Đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham quan triển lãm

Một số tiết mục văn nghệ mang bản sắc dân tộc Việt Nam được trình diễn tại Lễ khai mạc

Triển lãm thu hút được đông đảo người dân tại thủ đô Paris tới tham quan.

Dưới đây là link 40 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm:

http://ape.gov.vn/trien-lam-sac-mau-van-hoa-viet-nam-tai-paris-phap-chuyen-de-tranh-lua-va-san-pham-thu-cong-truyen-thong-cua-viet-nam-d2605.th

 

Nguồn: Phòng Triển lãm và Mỹ thuật ứng dụng

SEMOGA SUKSES OKE TA