Hành trình tìm cái đẹp cho sơn mài Việt trong “Miền cổ tích” của họa sỹ Nguyễn Quốc Huy

Rất nhiều họa sỹ nước nhà đã thành danh bằng các tác phẩm sơn mài. Trải qua dòng thời gian, sơn mài đã được khẳng định là một chất liệu quý, đa sắc và được coi như “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc Việt...

Rất nhiều họa sỹ nước nhà đã thành danh bằng các tác phẩm sơn mài. Trải qua dòng thời gian, sơn mài đã được khẳng định là một chất liệu quý, đa sắc và được coi như “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc Việt.

 

Nguyễn Quốc Huy, Thành cổ Sơn Tây


Tuy nhiên, dưới bàn tay tài hoa và mỗi khối óc của mỗi họa sỹ, trong quá trình lao động sáng tạo chất liệu sơn mài đã có sự biến chuyển khác biệt và đem lại những hiệu quả khác nhau về thẩm mỹ. Vì ngoài kỹ thuật và kinh nghiệm, trong sơn mài còn có những bí quyết riêng của mỗi người. Song, để có được cái đẹp khác biệt mang phong cách riêng của sơn mài là bài toán không đơn giản đối với họa sỹ Nguyễn Quốc Huy.  Đó là cả một hành trình lao động sáng tạo, thể nghiệm không mệt mỏi. Quá trình ấy, sự thành công và thất bại luôn kề bên nhau mà Nguyễn Quốc Huy đã lao động sáng tạo vượt lên cả không gian và thời gian. Kết quả quá trình lao động miêt mài ấy, đã mang về thành công của sự khác biệt và ấn tượng về thẩm mỹ cho sơn mài đương đại Việt. Sự khác biệt và ấn tượng đó được minh chứng bằng 29 tác phẩm sơn mài khổ lớn trong triển lãm mang tên Miền cổ tích, trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, 34 phố Nguyễn Du, Hà Nội, vào trung tuần tháng 11/2018.

Không khai thác vẻ đẹp và thế mạnh về sự tương phản, lộng lẫy và sang trọng của sơn mài truyền thống, không trầm mặc, ồn ã, tương phản và lung linh rực rỡ bởi sơn son thếp vàng, thếp bạc như các tác phẩm sơn mài của nhiều  họa sỹ khác.. Ngược lại Nguyễn Quốc Huy lại khai thác những mặt hạn chế của sơn mài để tìm ra cái đẹp, cái khác biệt cho riêng mình. Để nhận diện các tác phẩm sơn mài của Nguyễn Quốc Huy không khó, bởi bút pháp tạo hình của anh rất riêng và tinh tế. Về hòa sắc đều có chung một tông mầu nhẹ nhàng đồng sắc, nhưng sâu lắng và êm dịu như một bản nhạc nhẹ không lời. Sự tinh tế và êm dịu ấy, đưa người xem lạc vào một thế giới mộng mị của những miền cổ tích rất quen thuộc của những ngôi chùa, cây đa và làng quê thanh bình. Nếu không trực tiếp xem kỹ lưỡng các tác phẩm trưng bày tại triển lãm Miền cổ tích của Nguyễn Quốc Huy thì chúng ta thật khó có thể hình dung về những khác biệt trong xử lý kỹ thuật, hiệu quả thẩm mỹ mà anh đã có được.

 

Nguyễn Quốc Huy, Miền cổ tích


Ở chất liệu sơn mài, chưa có họa sỹ nào dám diễn tả vẻ đẹp mờ ảo, mênh mang và bồng bềnh mây khói, sương nước của phong cảnh miền núi Bắc Bộ kỹ lưỡng và chi tiết như họa sỹ Nguyễn Quốc Huy. Với những gam màu ghi sáng bàng bạc, ẩn hiện những lùm cây, tán lá tinh tế trong các tác phẩm phong cảnh, bố cục theo kiểu “tẩu mã” không gian tràn khắp mặt tranh, Nguyễn Quốc Huy đã làm cho người xem lạc vào một thế giới bồng liêu, mộng mị của vẻ đẹp mênh mang miền sơn cước. Các tác phẩm Sapa và Bồng bềnh, mây và mù sương được hòa quyện bao phủ những ngọn núi trập trùng tạo ra một thế giới thơ mộng tưởng như chỉ có truyện cổ tích mới có. Một gam trắng bàng bạc tưởng như đơn sắc ấy đã được tác giả xử lý kỹ thuật nhuần nhuyễn và đem lại hiệu quả thẩm mỹ sâu sắc về không gian và những khoảnh khắc vẻ đẹp của thiên nhiên  miền núi. Để có được gam màu ghi trắng bồng bềnh ấy, là thành quả trong quá trình tìm tòi, lao động sáng tạo hơn mười năm mới có được của anh. Rất nhiều nhà chuyên môn cho rằng, để diễn tả được gam màu trắng bảng lảng, bồng bềnh và mênh mang như sơn mài Nguyễn Quốc Huy, ngay cả chất liệu có thế mạnh trong hội họa như sơn dầu, acrylic... cũng  rất khó thể hiện tinh tế, nhuần nhuyễn về không gian và thời gian được như vậy.

Còn khi diễn đạt các tác phẩm về nắng như Nắng trong vườn, hay Nắng buồn, Nguyễn Quốc Huy cũng rất thành công và mang lại ho người xem một cảm giác mới khác biệt. Cùng đều cùng là  không gian của nắng, nhưng nắng trong mỗi tác phẩm  lại mang sắc thái và cảm nhận khác nhau. Tuy vậy, nét chung của hai sắc thái là không tương phản mạnh mẽ về sắc độ. Một gam vàng trong tác phẩm Nắng trong vườn óng mượt được phủ đều mềm mại và lung linh trải dài khắp  mặt tranh rất tinh tế. Cảm giác nắng rực rỡ nhưng êm dịu len qua từng tán cây, kẽ lá và lan tỏa trên mái nhà, mặt đất cho người xem một cảm giác ấm áp và xốn xang!. Ngược lại với  Nắng buồn, anh sử dụng một gam lục bao trùm khắp mặt tranh, nắng nhẹ gây cảm giác của nỗi buồn man mác... Trong các tác phẩm của anh đầu tư, sử dụng khá nhiều bạc và vàng, nhưng anh không lạm dụng vàng hay bạc để phô diễn tăng sự quý giá mà thiếu đi tính thẩm mỹ. Nguyễn Quốc Huy đã làm chủ được công nghệ và kỹ thuật khi sử dụng những kim loại quý. Với lối tạo hình vững vàng, chuẩn chỉ và kỹ lưỡng Nguyễn Quốc Huy đã rất thành công trong diễn tả sự huyền ảo của mây, nắng, sương gió... hòa quyện với thiên nhiên mênh mang  của đất nước trong các tác phẩm phong cảnh tạo nên một seri Miền cổ tích” đầy ấn tượng, sâu sắc và khác biệt.

 

Nguyễn Quốc Huy, Mây đại ngàn


Miền cổ tích khác biệt ấy, là một thành quả  lớn về sự sáng tạo, đã tạo nên một “mã số riêng” về sơn mài của Nguyễn Quốc Huy. Trong các tác của anh, hầu như không có người những  đầy sức sống cả về không gian và thời gian. Đặc biệt là những tác phẩm phong cảnh  kiến trúc, danh lam  nổi tiếng của Thủ đô và đất nước đã được anh khai thác kỹ lưỡng và sâu sắc về vẻ đẹp điển hình của thiên nhiên mỗi vùng miền. Những vẻ đẹp muôn vẻ đó đã đánh thức và làm sống lại những giá trị lịch sử các không gian hoài cổ mà các thế hệ người dân nước Việt đã xây dựng nên. Chính vì vậy, khi đứng trước các tác phẩm của anh, người xem bị cuốn hút vào những không gian kỳ thú, bí ẩn,mênh mang của đại ngàn của các miền quê xa lạ mà thân quen trong cuộc sống và vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên bao la,cổ kính quanh ta như tác phẩm Miền cổ tích, Bờ hồ...

Trước hành trình đi tìm cái đẹp của Miền cổ tích Nguyễn Quốc Huy đã đạt được khá nhiều giải thưởng về mỹ thuật trong nước và quốc tế. Là một trong số ít họa sỹ Việt Nam đã tham gia hơn 100 cuộc triển lãm nhóm trong nước và tại Anh,Pháp,Trung Quốc và Hàn Quốc...

 

Nguyễn Quốc Huy, Nắng trong vườn


Không hài lòng với thành tích và kết quả đạt được, Nguyễn Quốc Huy vốn là người ít nói làm nhiều. Đặc biệt không  bao giờ chấp nhận sự sáng tạo của mình lại giống người khác. Chính vì vậy, để tìm được “mã số riêng” về cái đẹp cho sơn mài đương đại như trong triển lãm Miền cổ tích, anh phải trải qua  hành trình dài 17 năm đầu tư sức lực, trí tuệ, nghiên cứu, lao động sáng tạo miệt mài vất vả và cả kinh phí không nhỏ. Cái mốc cuộc hành trình đi tìm kể từ cuộc triển lãm cá nhân lần 1 từ năm 2001 đến nay. Đó là khoảng thời gian của các thử nghiệm và trải nghiệm vui có và thất bại cũng không ít. Và cũng chính những niềm vui và thất bại ấy, đã tạo nên một vẻ đẹp khác biệt của những bước đi của thời gian thoát ra khỏi sự áp đặt chủ quan của họa sỹ. Đồng thời cũng tạo nên một thương hiệu vẻ đẹp sơn mài đương đại Việt gắn liền với tên tuổi “Huy sơn mài”.

 

L.T

SEMOGA SUKSES OKE TA