Xem hội họa của một “thiên đồng”

Đã vào những ngày cuối cùng của năm 2018, chợt nhớ lại đầu năm vừa qua, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật Nhiếp ảnh, 29 Hàng Bài, Hà Nội đã ra mắt một triển lãm cá nhân rất lạ của một “họa sỹ trẻ” ngay thời kỳ đầu sau Đổi Mới (những năm đầu thập kỷ 1990s). Đó là họa sỹ Hoàng Bạch Diệp, quê giữa thị trấn Cao Thượng, thủ phủ của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang...

Đã vào những ngày cuối cùng của năm 2018, chợt nhớ lại đầu năm vừa qua, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật Nhiếp ảnh, 29 Hàng Bài, Hà Nội đã ra mắt một triển lãm cá nhân rất lạ của một “họa sỹ trẻ” ngay thời kỳ đầu sau Đổi Mới (những năm đầu thập kỷ 1990s). Đó là họa sỹ Hoàng Bạch Diệp, quê giữa thị trấn Cao Thượng, thủ phủ của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông sinh năm 1961, tốt nghiệp khoa hội họa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, niên khóa 1985 - 1990, thuộc lứa họa sỹ trưởng thành đầu tiên sau Đổi Mới. Triển lãm mang tên “Sen, Đạo và Đời” tập hợp những tranh chưa công bố được họa sỹ sáng tác từ năm 1992 đến 2018. Điều lạ lùng nữa là buổi khai mạc cũng là buổi ra mắt cuốn sách cùng tên triển lãm, tập hợp những bài viết, nhận định về mỹ thuật - tạo hình của tác giả được tổng kết ghi lại trong gần 30 năm qua.

 

Tự họa, 2005

 

Tự họa, 2009


Sinh ra và lớn lên tại quê hương Kinh Bắc văn vật, nên văn hóa của xứ này thấm đẫm trong tranh ông. Có thể nói, xem tranh của Bạch Diệp tương tự như đọc thơ của Hoàng Cầm về xứ Kinh Bắc, tuy không quá mong lộng lẫy kỳ vĩ như thơ Hoàng Cầm hướng tới, nhưng tranh của Bạch Diệp lại mộc mạc nồng nã đậm đà, và cũng hoang đường chẳng kém. Tràn ngập trong tranh ông là hình ảnh sen, cung trăng, thiếu nữ đương thì, em bé, hoa cỏ, mây trời,… được vẽ với cái tâm ân cần, tinh tế, bên ngoài những hình ảnh ngộ nghĩnh và chất phác. Có thể thấy âm hưởng của quan họ, của điêu khắc đình làng, của tranh dân gian, của những “mùa thu tỏa nắng” trong hội họa của Bạch Diệp…

 

Phu nhân quan họ


Thời sinh viên, khi đi thực tập và nghiên cứu mỹ thuật cổ tại khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang, có lần tôi và các thầy đã được chính họa sỹ Bạch Diệp dẫn đến đình Cao Thượng. Đây là ngôi đình cổ vào thế kỷ 17, bề thế lộng lẫy nhất của vùng Tân Yên, khá gần ngôi nhà gốc, nơi họa sỹ sinh ra. Xưa kia, giáp đình là chùa Cao Thượng trăm gian nổi tiếng, nhưng cuối thế kỷ 19 đã bị giặc đốt phá, chỉ ngôi đình còn lại nguyên vẹn. Khi chúng tôi qua hồi đó, sân đình rộng rãi và không bị rào đón, chỉ có một đoạn đường lát gạch, còn lại cỏ mọc, lũ trẻ vẫn thỏa sức lon ton đánh đáo, nhảy dây ở ngoài. Còn ở trong, ngước và chiếu đèn pin lên nóc mái, là những tuyến chạm khắc đình làng dày đặc, tuy đã bạc mầu phết điểm bề mặt, nhưng các lớp gỗ tạc bạc trắng ra vẫn ẩn chứa thần hồn người xưa, thuần khiết hân hoan lộng lẫy bay lượn ngắm ngó xuống người xem hiện sinh hiện tại. Có lẽ ngoài cách thức sinh hoạt, lối sống của cư dân vùng cách trung tâm khởi nghĩa của cụ Đề Thám cũng không quá xa, thì văn hóa, điêu khắc, tạo hình của ngôi đình đã ảnh hưởng thấm thía vào tâm tư của các nghệ sỹ đã xuất thân ở đây từ khi còn nhỏ. Điều này ảnh hưởng thấm đẫm đến lối sống và tạo tác nghệ thuật của họa sỹ Bạch Diệp. Bởi người nghệ sỹ này chú ý đến đến “Đạo truyền thống” mới là gốc lõi của nghệ thuật, luôn coi tác phẩm nào “có đạo” mới đáng gọi là nghệ thuật, chứ không chỉ bao chất đời dung dị bày tỏ là xong. Trưởng thành từ thời kỳ “thịnh trị” đầu Đổi Mới, họa sỹ đã nhanh chóng khẳng định tư tưởng cá nhân, bằng các mục viết riêng tư, thậm chí gửi thư bày tỏ tư tưởng quan điểm tạo hình đến các thế hệ trước đã và đang làm việc khởi nghiệm Đổi Mới tại Hội Mỹ thuật trước đó. Sau này, họa sỹ dành một thời gian làm công việc giảng viên mỹ thuật ở tỉnh cho các thế hệ sau. Tiếp nữa, như một mối duyên từ kiếp trước, họa sỹ Bạch Diệp dồn sức dồn lòng vào việc học hỏi, trải nghiệm tìm hiểu và giúp đời bằng pháp lý kinh Dịch và nghệ thuật xem phong thủy phương Đông. Chứ ông không phải quá mải mê việc kiếm sống bằng sáng tác hội họa, mà không ít người đồng thế hệ từng “trầm mình, phơi thân”, đạt được ít nhiều thành quả, nhưng cũng đi qua hoặc tạo nên không ít biến cố của thời nghệ thuật xông xáo thị trường trong và ngoài nước.

 

Bay lượn, 2009

 


Tắm sen


Tuy vậy, họa sỹ vẫn song hành việc sáng tạo nghệ thuật tạo hình theo cách thức cá nhân. Ông vẽ bằng bản năng kết nối với huyền thoại, vừa có chất lãng tử, vừa yêu thích văn nghệ Kinh Bắc phóng khoáng tình tứ thắm thiết, vừa đậm chất tín ngưỡng phong thủy. Có lẽ chính những điều này khiến ông chọn hoa sen - biểu hiện của tự tính, nên đã được nhà Phật lấy làm biểu tượng. Cùng với  chất huyền thoại Kinh Bắc vẽ vời nên sự thanh tú của con người, đã được người xưa “cách ngôn” phẩm chất là: “Trai Cầu Vồng - Yên thế/ Gái Nội Duệ - Cầu Lim” (phu nhân của họa sỹ là “cao thủ” hát Quan họ thuộc thế hệ sau các nghệ nhân lừng lẫy; chị từng đạt 3 Huy chương Vàng trong các đại hội Quan họ toàn tỉnh Bắc Ninh và toàn quốc). Lá sen, hoa sen trong tranh bột mầu hay sơn dầu vài chục năm của Bạch Diệp đầy chất mộc mạc không cảnh vẻ, nhưng lại mơ màng như mọc lên từ cổ tích. Điều ấn tượng nhất tôi cảm nhận là những dáng “nude” tắm tiên, bay bổng trong tranh được tác giả diễn tả lại như cá bơi, như chim bay chợt đậu nghỉ ngơi… chứ không hề có vị nào “trần trụi, dâm tục” như không ít tay họa vừa “thử dính” vào thể loại này đã lộ ra ngay tức thì… Và họa sỹ trổ những nét vừa đặc biệt đẹp, vừa đậm thấm “chất đạo” khi vẽ hình trẻ con, nhất là chính mình tự họa trong cái vỏ trẻ thơ. Nhìn tranh của họa sỹ Bạch Diệp, có bậc thầy đàn anh từng nhận xét là cứ như được nhìn thấy những cái phất tay vừa thăm thẳm, lại hồn nhiên liên miên như của một “thiên đồng”. Nếu đúng là như vậy, hẳn “thiên đồng” này từng đã phải trải nếm đủ các mùi vị sướng khổ qua thời gian dài trên đời. Và thừa hưởng dài dằng dặc cả những gì hay ho và chút dở dang từ các kiếp trước truyền lại. Thì mới làm được những điều mà người xưa từng gói lại ở đôi câu thơ vô cùng chất chứa là: Văn vô sơn thủy phi kỳ khí/ Nhân bất phong sương vị lão tài (tạm dịch: Văn nghệ không chứa được núi sông thì làm sao dung dưỡng chút nào khí chất kỳ lạ/ Con người không học hỏi, trải qua, vươn mình trước tự nhiên đầy bất trắc thì làm sao trở thành tài năng bất hủ).

 

V.L (số 12, tháng 12/2018)

SEMOGA SUKSES OKE TA