Điêu khắc ở La Vang của Lê Ngọc Huệ

*Văn hóa nghệ thuật công giáo Việt Nam trải 5 thế kỷ (tuy số giáo dân chỉ dưới 10% dân số) đã làm một phần quan trọng của văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng tâm hồn Việt cận hiện đại, trở hành nguồn di sản vô cùng quý giá. Từ khía cạnh giao tích văn hóa nó từng đi đầu cống hiến to lớn trên nhiều lĩnh vực như về chữ viết, ngôn ngữ, văn xuôi, dịch thuật kiến trúc, điêu khắc, trang trí và âm nhạc còn chưa được nghiên cứu đánh giá đúng mức xứng đáng...

*Văn hóa nghệ thuật công giáo Việt Nam trải 5 thế kỷ (tuy số giáo dân chỉ dưới  10% dân số)   đã làm  một phần quan trọng của văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng tâm hồn Việt cận hiện đại, trở hành nguồn di sản vô cùng quý giá. Từ khía cạnh giao tích văn hóa  nó từng đi đầu cống hiến to lớn trên nhiều lĩnh vực như  về chữ viết, ngôn ngữ, văn xuôi, dịch thuật kiến trúc, điêu khắc, trang trí và âm nhạc còn chưa được nghiên cứu đánh giá đúng mức xứng đáng. Có thể do hạn chế và  nhậy cảm về chính trị trên các chặng đường gập ghềnh của tôn giáo phương Tây này ở một nước thuộc địa Á Đông có những truyền thống kiên cố khác. Cũng có thể do thiếu sự kết nối giữa giới nghệ sỹ, nghiên cứu với lịch sử nhà thờ và các tác phẩm nghệ thuật công giáo nên văn hóa ‘nghệ thuật thánh’ còn xa lạ với người ngoại đạo và là những mảng trắng đáng tiếc trong các cuốn sử văn hóa nghệ thuật nước nhà, trong giáo dục nghệ thuật cũng như các giáo trình nghệ thuật chính thống. Tuy nhiên gần đây xu hướng quan niệm sử và sử văn hóa đã có những đổi thay tích cực như việc đưa sử Champa và Thủy Chân Lạp vào “chính sử” và dành vị trí danh dự xứng tầm cho văn hoá nghệ thuật Champa và Kh’mer Nam Bộ. Đã đến lúc cần thay đổi tương tự cho việc nghiên cứu đánh giá, tôn vinh nghệ thuật công giáo (tương tự như việc trở lại rầm rộ đề cao nghệ thuật Phật giáo vậy). Vì vậy dự án nghiên cứu “Bảo tồn, tôn tạo di tích điêu khắc kiến trúc tại thánh địa La Vang, Quảng Trị” là một bước đi quan trọng rất đáng hoan nghênh.

 

Linh đài Đức Mẹ La Vang


* Thực tế là các kiến trúc công cộng tâm linh như đình chùa, đền, nhà thờ thánh địa luôn là những cái nôi và nơi phát sinh, phát triển văn hóa và  các môn nghệ thuật từ lễ hội, kiến trúc tới mỹ thuật âm nhạc diễn xướng…

- Kiến trúc nhà thờ Việt phát triển rực rỡ nhất từ giữ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20  theo hai hướng: Một là đổi mới kiến trúc truyền thống, bản địa từ Phát Diệm Ninh Bình tới nhà thờ gỗ chính tòa ở Kontum (thậm chí tới nhà thờ Ka Đơn gần đây). Dòng này song hành với ‘phong cách Đông Dương’ như trường hợp nhà thờ Cửa Bắc ở Hà Nội.  Đó là một thànhh công lớn nhất về tiếp biến văn hóa Đông Tây. Thứ hai là dòng du nhập các phong cách nhà thờ phương Tây cả Roman, Gothic hay Barocque ở khắp mọi tỉnh thành. Vẻ đẹp của các công trình  dòng này cũng đã thành di sản mới của kiến trúc Việt Nam tương tự như các kiến trúc villa và dinh thự “Tây” ở khắp các đô thị từ Nam ra Bắc. Gắn với các kiến trúc này là điêu khắc, nghệ thuật trang trí mà thành tựu còn chưa được nhìn nhận thấu đáo. Tuy nhiên chỉ nhìn qua các phù điêu đá ở Phát Diệm hay các tranh kính ở hầu hết các nhà thờ cũng thấy rằng những  giá trị nghệ thuật này là đóng góp không thể bỏ qua.

 

* Về bộ tượng sân vườn 15 sự thánh ở La Vang.

Nếu điêu khắc truyền thống là bộ môn phát triển rực rỡ nhất của Việt Nam với đi sản đồ sộ của Champa, Đại Việt và Kh’mer Nam Bộ thì sang thế kỷ 20 nó gần như là thoái trào với điêu khắc salon kinh viện kiểu Pháp, điêu khắc công cộng tôn giáo thì ngưng trệ rập khuôn khô cứng. Người ta thắc mắc về sự đứt gẫy này của điêu khắc và sự bừng nở bất ngờ của hội họa vốn rất mờ nhạt trong truyền thống. Sau những năm 50, đến tận những năm 1970 / 80 vẫn vậy dù có thêm ảnh hưởng của điêu khắc tượng đài Xô Viết, Trung Hoa ở Miền Bắc. Đến nay sự bùng phát ở quy mô và số lượng lớn  điêu khắc tôn giáo chỉ chú trọng tính phì đại, kỉ lục  cũng rất cũ kĩ và hời hợt thiếu sinh khí ở hầu khắp các công trình mới. Điêu khắc Việt Nam hiện đại thực sự chỉ xuất hiện tại các triển lãm và trại sáng tác điêu khắc từ đầu những năm 2000 trong không khí hội nhập tấp nập với  những lớp điêu khắc gia trẻ tài năng có nhiệt huyết. Tuy nhiên các tác phẩm đột phá của họ hầu như chưa được đưa vào công năng công cộng hoặc được sử dụng ở các công viên, khu giải trí, nghỉ dưỡng một cách hỗn tạp thiếu chọn lọc.

 

Tượng: Đức mẹ tìm được chúa Giêsu trong đền thánh (Năm sự vui)


Đặt quần thể tượng La Vang vào dòng chẩy lịch đại ấy và những hoàn cảnh không gian điêu khắc đồng đại giúp ta nhận chân các giá trị nhiều mặt của cụm tượng công cộng hiện đại độc đáo này.

- Tính độc đáo hiếm có của nhóm tượng về quy mô, địa điểm, chủ đề cũng như phong cách nghệ thuật của  tác giả. Nhà điêu khắc trẻ Bernard Huệ hẳn tràn rề nhiệt huyết khi có được cơ hội cống hiến cho một đề tài lớn của tôn giáo của mình. Mẹ La Vang lại là chủ đề đậm chất bản địa của quê hương. Có thể thấy nghệ sỹ dồn tài năng một thì tình yêu hai cho tác phẩm và quê hương mình. Qua những tác phẩm điêu khắc Ki tô giáo và Phật giáo mà tôi được biết thì nhóm điêu khắc “dân tộc-hiện đại” này gần như là độc nhất.

 

- Là tác phẩm điêu khắc hiện đại công cộng xuất hiện sớm nhất (bên cạnh những thể nghiệm hiện đại lẻ tẻ trong xưởng họa hay vài salon). Ở đây phải ghi công nhà đầu tư mạnh dạn chấp nhận nghệ thuật hiện đại theo châm ngôn “Không có kiến trúc sư (nghệ sỹ) lớn chỉ có nhà đầu tứ lớn”! Làn sóng ảnh hưởng, giao thoa nghệ thuật quốc tế thường đến các “vùng biên” của các các trung tâm Tây Âu muộn vài chục năm, khi mà các trào lưu tiên phong nhất đã đi qua, định hình rồi lụi tàn nhưng ở ông Huệ làn gió mới còn đương cao trào bởi ông như đang đồng hành với nghệ thuật quốc tế chứ không hụt hơi chạy theo sau như phần lớn đồng nghiệp cùng thời. Bức thứ 11 Đức Chúa Jesus sống lại làm ta nhớ tới tác phẩm lừng danh “Thành phố bị phá huỷ” của Ossip Zadkin  tại Hà Lan được dựng 6-7 năm sau. Tôi cũng đã được viết giới thiệu Triển lãm đầu tiên của bà Điềm Phùng Thị, tại Hà Nội, tất nhiên nữ tác giả cũng đồng bước với hiện đại nhưng bà là nghệ sỹ Pháp sống ở Pháp. Điều đáng nói thứ hai là bản sắc Việt rõ và đậm hơn trong các pho tượng bê-tông trắng (một chất liệu thời thượng) ở La Vang. Hình tượng mẹ con người Việt ở nhóm 5 Sự vui là xuất sắc. Hình khối ân tình, hiền hòa và nuột nà xinh xắn làm ta nhớ đến những tượng tiên đồng, ngọc nữ hay Thánh Mẫu Bắc bộ, những vũ nữ Chăm yểu điệu hay những tà áo dài Sài Gòn đầy nắng gió. Những thủ pháp cách điệu các yếu tố tạo hình cổ truyền cài cấy vào các khối có ngôn ngữ modernism như ở đây ta sẽ thấy lại, hơn chục năm sau, trong các tác phẩm của Lê Công Thành (Súy vân giả dại), Nguyễn Hải (Nữ thần chiến thắng), Tạ Quang Bạo và nhiều người trẻ hơn khác… Mai Chửng học trò giúp việc Lê Ngọc Huệ tại La Vang sau này trở thành một nhà điêu khắc hiện đại đặc sắc nhất. Tôi được xem hai bức gần cuối cùng của ông tại Gallery Tự Do ở Tp. Hồ Chí Minh và gặp lại các mầm mống phong cách Mai Chửng ở những mảnh, mảng được gập, dán, uốn mềm mại và ngẫu hứng ở La Vang.

 

Tượng: Chúa Giêsu chịu đánh đòn (Năm sự thương)


- Mới giữa tuổi 20-30 khó nói Lê Ngọc Huệ đã định hình phong cách của mình và chúng ta cũng thiếu hoàn toàn thông tin về nghệ thuật của ông ngay sau đó, như một ánh sao băng trên “chân trời hy vọng”! Có thể thấy tác giả đang đi tìm phong cách của mình ngay trên con đường thể hiện đề tài cổ kính này. Ngôn ngữ biểu hiện và lập thể được thể nghiệm trong các pho tiếp sau về 5 Sự thương. Đặc biệt bức thứ 7: Chúa Jesu chịu đòn là một bố cục hùng tráng bất ngờ  nhờ sự  giản dị cô đọng, trong khi bức thứ 6 và 9 tả kể cụ thể hơn. Bức thứ 8: Chúa Jesu chịu đội mão gai như lấy lại hình khối nhóm đầu và báo hiệu sự mừng số 12 Đức Chúa Jesu lên trời trữ tình, hào sảng và cảm động nhất. Hai bức số 10 và 11 dường như có ngôn ngữ riêng nhất quán là biểu hiện hay vị lai với hình, khối, nét xoắn vặn trình bầy nỗi bi thương và sự tái sinh kiêu hãnh. Đây là hai nhịp mạnh trào dâng trước khi chuỗi giao hưởng tạo hình kết thúc, trở về êm dịu vi vút lên cao rồi lịm dần vào hai pho Đức Mẹ lên trời như một điệp khúc gợi lại những âm thanh từng mở đầu 5 sự vui.

Không phải tất cả mỗi pho tượng đều hoàn chỉnh và là một kiệt tác song cả chuỗi điêu khắc có phong cách hài hòa và không đơn điệu (như ở nhiều nhà thờ hay chùa đền  khác).  Phong cách cá nhân là điều rất hiếm có trong nghệ thuật tôn giáo, tâm linh Việt Nam nên quần thể điêu khắc độc đáo này càng quý giá. Chủ đề tôn giáo được địa phương hóa, Việt Nam hóa, cá nhân hóa với ngôn ngữ  nghệ thuật đạt tới một chừng mực “- dân tộc - hiện đại” đáng trân trọng.

Việc nghiên cứu tác giả, tác phẩm,  gìn giữ, phục chế sắp đặt sân vườn giới thiệu rộng rãi bài học di sản này là rất cẩn thiết.

 

NQ (Số 3, tháng 3/2019)

 

SEMOGA SUKSES OKE TA