Hiện sinh cổ ngoạn sơn mài...
Thuở nhỏ, cùng đồng hương (tỉnh Hà Tây cũ) với họa sỹ trẻ Xuân Lục, tôi được lớn lên bằng nguồn yêu thích song song hai dạng thư mục chứa đựng vô vàn niềm kiến tạo lạ lùng bất tận mà không thể nào hiểu nổi tại sao. Đầu tiên là loại sách khảo cứu khoa học về sự nghiệp du hành vũ trụ dành cho thiếu nhi. Loạt sách thứ hai, vô cùng kỳ thú là đại tiểu thuyết Tây Du Ký được phát hành mười tập, giấy xám nâu, chữ đen kịt. Ngoài bìa là hình ảnh nét tranh chú khỉ đá đương vân vi chễm chệ gậy vung lớn, tẹo nữa có thể gài tai, gọi là Tề Thiên Đại Thánh, khiến người người mê mẩn…
Họa sỹ Xuân Lục
Lớn lên, đến thời sinh viên, mất nhiều thời gian học hành túng bấn, lại được các bậc đàn anh “truyền giáo” rằng, hãy đọc sách về… vật lý vũ trụ và lý thuyết khoa học về các hành tinh, thiên thể; mới thấy thời gian là như thế nào và phận người quá mỏng tang, để khỏi bận tâm vì… cái đói bản thân rất nhỏ. Tuân thủ cách này, vượt qua được thời học hành, học tỏi, đến khi lớn nữa, bắt đầu bước chân vào đời thực, hiếm khi ngước mặt lên nhìn trời, phải nhìn tứ phía chiều ngang và bận tâm đến những điều cụ thể. Bởi đến khi lăng quăng dịch chuyển cùng phương tiện máy móc, mắt và tâm hồn không hướng tới chiều ngang thì dễ va đụng gây tai nạn như chơi. Đó cũng là việc vừa được vừa buộc phải làm ở thời điểm hiện sinh hiện tại…
Cũng vào giai đoạn này, tôi mới nhận ra việc lịch sử sơn ta bước từ chất liệu chế biến đồ gia dụng, trang trí sang định vị thành ngôn ngữ tạo hình hiện đại với thành ngữ Sơn mài đầu thế kỷ XX (TK 20) quý báu y như việc tiếng Việt được chuyển hình ghi bằng ký âm tự la - tinh gọi là chữ Quốc ngữ từ đôi trăm năm trước đó. Cả hai việc rộng vì phi vật thể và hẹp hơn một chút bởi dính liền đến vật thể địa vực này rất hãn hữu quốc gia dân tộc phía Á châu nào thực nghiệm được.
Bụi 8. sơn mài. 120x240 cm. 2017
Từ đó về sau, các thế hệ họa sỹ qua nhiều thời kỳ cũng tuần tự lần lượt leo cầu thang với quá trình “chuyển ngữ sơn mài” dầy dà phong độ. Từ tranh đồ họa trang trí, chân dung; tới bố cục không gian tranh phong cảnh đa kích cỡ, thức hệ cho đến phong cảnh hiện thực ba chiều, rồi tiến xa xa đến biểu hiện - trừu tượng. Mặt thì dùng ngữ hệ sơn ta mài thuần chủng. Hướng khác thì cải cách tân tạo pha “ngữ hệ sơn” với công nghệ đa nguồn gốc. Điều này giống như cách dùng lời nói - viết trong thời hiện đại, có thể trộn bằng niềm thích bất kỳ từ - ngữ âm Âu - Á nào trong một câu nói thường hoặc rộng ra bàn cả việc đời đương diễn ra tức thì ngoài bóng cửa…
Họa sỹ trẻ Nguyễn Xuân Lục xuất thân ở vùng đất trăm nghề (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây cũ - nơi có nghề cổ truyền làm khảm, làm sơn mài) và nhất quyết đi theo ngành sơn mài tạo hình mỹ thuật cấp đại học ngay khi bước chân vào đời, như một cái duyên nghiệp cận tủy sống xuyên suốt. Cái nhìn có không khí thiền môn tâm sự với sự toát khí sáng ra từ những tranh thiên thể đa trạng thái gần đây nhất không phải tự nhiên mà có. Nó bắt đầu dần dà lần lượt từ loạt tranh dung dị các thiếu nữ; rồi bà mẹ trẻ bế vựng tiểu thiên thần; rồi phong cảnh trung tâm thủ đô bằng cái nhìn biểu hiện pha trừu tượng... Rồi đến thân thể người hóa thành cây cỏ và rồi cả thường xuyên tĩnh tại cá nhân chiêm nghiệm… Ngoài tác phẩm, họa sỹ còn bình thản bày tỏ cái nhìn từ bên trong của mình bằng những ý hết sức ấn tượng mà tôi may mắn được đọc. Ví dụ: “Sự chuyển biến về mặt nhận thức tâm linh khiến ta trở nên giàu lòng trắc ẩn, yêu thương con người và thiên nhiên nhiều hơn, thường đến sớm với ai từng trải qua biến cố khủng khiếp, hoặc có trải nghiệm cận tử... Còn khi con người chạm vào trạng thái cô đơn, tĩnh lặng tuyệt đối, lại có được sự chuyển biến lớn về mặt nhận thức…”
Bụi 45. Mặt cầu lõm, sơn mài, 2018
Bụi 5, sơn mài. 120x180 cm. 2016
Thú thật là khi được tĩnh tại yên yên quan sát sự quay cuồng cùng tận của những “hạt bụi người” trong mảng tranh thiên thể tinh khôi của Xuân Lục. Tôi tự nhiên dập dồn cùng lúc nhiều liên tưởng đa chiều sinh thực khí tinh thần sống động về nghệ thuật trong tâm tư. Nỡ nói ra thì chắc làm ai nghe cũng cau mày kinh ngạc. Ví dụ như khi xem loạt tranh này, chẳng hiểu sao mà tự nhiên dòng cảm giác cũ về văn chương đạo giáo đa chiều thuở xưa trong tôi dựng hồn sống dậy. Tôi chợt bừng ý hiểu ra tại sao lịch sử cho rằng văn hào Ngô Thừa Ân hoàn thành đại thuyết Tây Du Ký năm ngài bước vào tuổi thất thập, đầu thế kỷ XVI. Bừng tiếp ý hiểu lý do tại sao ngài “khai sinh” cho chính thể trong tiểu thuyết thần tiên về nhân loại này hai chữ Ngộ Không (họ Tôn) và thế nào đầu tiên cần thiết ở loài người. Hiểu nữa, thần chú duy nhất khắc kỷ hiệu quả ở việc thực hành tu tập đạo lớn lại tại sao lại được gọi là “khẩn cô nhi chú”… Giá trị nghệ thuật vĩ đại tới mức thế hệ sau cho rằng người sáng tạo đã nhận được “bí mật của vũ trụ” mới tạo tác được áng văn chương kinh điển này. Bởi tác phẩm lớn đó không chỉ bao hàm “kiến trúc thành tòa” về đạo lý của con người mà cả nhận thức chân ảnh về vũ trụ quan đúng đắn trước cả khi khoa học vật lý - lịch sử - khảo cổ học… của thế giới hiện đại bước vào xác thực vài trăm năm sau bởi vật chứng thám nghiệm bằng các phương tiện hiện đại!
Bụi 24. sơn mài. 120x120 cm. 2018
Bụi 6, sơn mài. 120x80 cm. 2016
Ngắm đi nhìn lại tác phẩm và tác giả sơn mài đương đại tìm, gieo cách thưởng thức cổ ngoạn phong cảnh vũ trụ từ trục nhìn hiện sinh. Tự nhiên tôi cũng không hiểu sao (chắc bởi cái đầu vẩn vơ cố hữu của mình) lại chợt thấy ra đôi con số đứng riêng, mà lại gắn nhiều (không biết là ngẫu nhiên hay trói buộc?) trong đường sự nghiệp sáng tác của Xuân Lục, mà như cách nói dân gian là “vào ba, ra bảy”. Họa sỹ Nguyễn Xuân Lục sinh năm 1983, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2007. Tác giả tham gia triển lãm lần đầu bằng tranh sơn mài tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh trong nhóm 17 họa sỹ. Hết năm 2018 vừa qua, trước khi bước vào triển lãm cá nhân đầu tay, họa sỹ đã lần lượt đưa tranh sơn ta đi tham dự đúng… 17 triển lãm nhóm khác nhau, khắp trong - ngoài nước. Và triển lãm cá nhân xác định sự trưởng thành của tâm thức cá thể mang tên Bụi với phong cảnh vũ trụ đa hình đời sống các thiên thể; thả chiếc thuyền độc mộc vào dòng hành trình lớn của dòng nguồn mỹ thuật sơn mài dân tộc đã du hành sắp được một thế kỷ. Việc này cũng bắt đầu thành toàn đúng vào năm, mà tác giả cộng tròn “tuổi mụ” là… 37 tuổi!
Cái nhìn về bề mặt những góc tranh thiên thể thú vị ba chiều, ẩn sâu là cảm thức tâm tư về đời sống nhân sinh của xứ này, lại quý vì tạo chất - dựng hình bằng chất liệu “Sơn mài ta” ưu Việt. Với ai từng ngộ được sao mới là thực quý của việc du hành “ẩm”, “ngộ” với thần thái thường tình. Thì hy vọng có người quan chiêm được đó là những “chất đảo chiều” của “sâm tam thất” hiến tới tay tới mắt người xem, ở bất kỳ ai biết mở ra hay là… biết nhắm lại tìm ra huyền thể!
V.L (Số 3, tháng 3/2019)
(* Triển lãm “Bụi” là triển lãm sơn mài cá nhân lần đầu tiên của họa sỹ Nguyễn Xuân Lục tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội từ 11 đến 18 - 3 - 2019. Tuy trong sách catalog về triển lãm in 34 bức tranh khổ vuông, chữ nhật và 16 bức tranh tròn, nhưng vì diện tích không gian trưng bày giới hạn, nên họa sỹ chỉ có thể giới hạn trưng bày với 27 tác phẩm)